Trang

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Chiều ngày hai mươi tháng mười một

    Ừ thì cũng như mọi chiều, Mèo già lại phóng xe đi em Mèo tan học và đón nó vào hồi 17h ở lớp bán trú, một căn nhà 3 tầng nằm ngoắt ngoéo trong một cái ngõ bắc qua cái kênh đen xì bốc mùi 24/24 thông từ Thụy Khê lên Hoàng Hoa Thám. Có khác chăng, đó là chiều 20/11, lớp tan muộn hơn xíu vì các bé ở lại liên hoan, và đông hơn xíu vì các bác phụ huynh đến sớm sủa đầy đủ, chuẩn bị những bó hoa tươi tươi và những túi quà to to.  Lớp tan muộn, nên cái dòng xe ngày một dài ra, dài ra, dài ra mãi, và Mèo già thì phải đỗ xe ngay trước cổng sắt của một nhà ai đó. Nhìn quanh quất kiếm con em. Có độc một mình nó mặt non non, cưỡi con Dream chiến 1 sọt 2 xẻng, mặc đồ thể thao chân đi sục cao su hơi lôi thôi giữa một dòng các cô các bác vận đồ lịch sự hương nước hoa thoang thoảng. Và đúng lúc ấy, thoáng một ánh nhìn từ phía bên hướng về nó. "Chết, chắc để vướng xe ở cổng nhà người ta rồi", Mèo già luống cuống về số và lùi lại. Một bác lớn tuổi cười và lách qua dòng xe, đi về phía cổng sắt và mở cửa. Xong, bác không vào mà đứng đó, nhìn hướng về phía đám đông ồn ã, nhìn vào 3,4 cái xe cũng đang chắn trước cửa nhà mình, rồi nhìn Mèo già và cất tiếng:
  - Vất vả cháu nhỉ?
  - Dạ.
  - Chắc đón em gái hả? (câu hỏi buột ra sau một lướt mắt nhanh từ đầu đến đuôi của Mèo già)
  - *cười cười* Vâng. Hôm nay tan muộn quá nên tắc đường quá.
  - Lại còn đúng ngày nữa chứ
  -  *Nó chỉ nhìn và cười khẽ*
  - Đón vất vả một, thì mấy đứa bé trong kia vất vả 10. Khổ lắm. Phụ huynh đến đón thôi chứ không được chứng kiến cái cảnh chúng nó rồng rắn về lớp bán trú đâu
  - ...
  - Thì đấy, nối nối nhau, tay kéo tay tha cái cặp nặng như đá đeo rồi chui vào cái lớp chật như lỗ mũi. Chân tay cứ khùng khoằng thế này này
  -  Cháu cũng nghe em nó kể rồi
  - Giáo dục thế này thì hỏng, phải sửa lại hết thôi, mà nhất là sửa "Người Thầy" ấy
  -  *đã quay ra nhìn thẳng vào bác*  Thầy là phải chịu trách nhiệm cao hơn bác nhỉ
  -  Ừ, giống như trồng rau ấy. Phải tạo điều kiện  cho rau ra "chợ" mà được đón nhận ấy. Chứ không phải cứ duy trì một không gian đều đều nhau, rau muốn mọc thế nào thì mọc, cắt xong đem chợ bán. Không bán được thì vứt làm phân bón...
  -  Cả một loạt toàn "Hệ thống hóa" vậy mà bác. Lứa chúng cháu đã cố đổi khác rồi, nhưng cải tiến không thấy, toàn lùi
  -  Cứ thế này mãi sao được, chỉ mong thế hệ sau, mấy đứa trẻ các cháu cải thiện lại, ít nhất là giáo dục cho bọn trẻ thôi
  - Bọn cháu cũng mong lắm chứ. Nhưng chỉ tiếc là giờ các bác lớn lớn lại chẳng bao giờ cho cơ hội thôi
 -  Các bác lớn lớn cũng có nhiều kiểu lắm. Có kiểu sống chết cũng không buông bỏ, bảo thủ và không quan sát, không nghĩ cho tương lai của người trẻ. Có kiểu cũng cương quyết không buông bỏ, nhưng không buông bỏ việc tin vào những người trẻ; họ già rồi, chả cần tiền, chả sợ chết, chả ngại nói, chỉ sợ không còn sức để nói mà thôi. Mà 2 cái kiểu già này lại kình nhau ra mặt, thế mới hay chứ
 - *cười to* Dạ
 -  Người trẻ, hiểu biết nhiều lắm chứ, sức lực dồi dào lắm chứ. Nhưng còn thiếu nhiều, thiếu kinh nghiệm, thiếu "mùi đời",  thiếu tiền và bị ràng buộc nhiều nữa. Vậy, những người trẻ hãy tìm những người già mà không buông bỏ tương lai để trò chuyện nhé
 Lúc ấy, Mèo già lẽn cười, rồi chợt nhìn thấy em nó. Nó giơ tay lên vẫy vẫy
Em nó chạy đến

- Ờ 2 anh em giống nhau nhỉ
- Chào bác đi em
- Cháu chào bác
- Ừ
- Thôi cháu xin phép về đây ạ
- Lùi cẩn thận, phía sau có xe xuống dốc đấy
- Vâng, không sao đâu bác

Rồi nó đạp số, vặn tay ga và phi đi. Ở phía sau, cánh cửa sắt đã khép lại. Xung quanh nó, là rất nhiều những chiếc xe đỗ ở 2 bên ngõ. Phía trong lớp, các bác phụ huynh đang nô nức đi vào, tiến về phía bàn giáo viên

Nhập nhoạng.
Chiều ngày hai mươi tháng mười một.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét