Trang

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Một hình vẽ trên tay

   Hồi cuối tháng 11 mình đi dự "Hội chờ Ồ de" ở bãi đá ven sông Hồng, ngay gần vườn đào đường Âu Cơ ấy. Đưa cả em Mèo đi cùng, ăn uống vui đùa đã ra trò. Trong số mấy trò vui lúc đó có vụ này, vẽ henna

        

 Ờ thì vẽ cho vui. Ban đầu khi biết có quầy henna thì đã nghĩ, mình sẽ chọn một cái hình gì trào phúng một tí, mèo méo xẹo hoặc "Makeno" chẳng hạn. Nhưng khi đến nơi, nhìn thấy những mực vẽ, những bút lông và cả gương mặt bạn họa sĩ thì mọi dự tính lật đổ cái nhào. Có lẽ, thử cho bản thân một hình vẽ to và dì dị trong một thời gian cũng không tồi. Và thế là, tèn ten :)). "Họa phẩm" này có thể coi là một hình xăm (to) nhưng chỉ tồn tại trong độ chục ngày. "Mắt đêm" là tên tự chế mình đặt cho nó. Và quả thật, nó đã mở mắt cho mình không ít.

    Ban đầu lúc mới vẽ xong thì cảm thấy ngại vô cùng, làm gì cũng kéo kéo cái tay áo ra che bớt đi cho đỡ bị nhìn thấy. Giống như vừa cắt một cái đầu mới vậy đó, cứ sùm sụp mũ lên cho khỏi bị đánh giá. Kiểu nghĩ, "Ồi mày bốc đồng thật đấy Mèo Già ạ. Tự dưng tốn tiền vẽ cả một cái hình to tổ chảng rõ hoành mà rồi lại chả dám show ra. Vậy khác nào phủ định chính quyết định của bản thân". Cơ mà cái suy nghĩ ấy chỉ tồn tại trong vỏn vẹn 1 ngày. Bởi chỉ trong 1 ngày ấy, mình nhận ra có giấu cũng chả xong. Người ta muốn cái họ thấy là gì, nó sẽ là cái đấy ; dù chỉ thấy 1 phần sẽ thành thấy toàn thể qua sự nhào nặn của lời nói. Sao phải xoắn nhể :)) Dù thi thoảng cũng chột dạ kéo tay áo khi cảm thấy những ánh nhìn trợn tròn, xong, trong 1 khắc ngay sau đó tay áo lại được thả ra như cũ. Những ngày tiếp đó còn hồn nhiên đưa tay lên bịt mũi bịt mồm lúc phóng xe qua màn khói bụi. YOLO.

 Đó là diễn biến suy nghĩ bên trong, còn phản ứng từ bên ngoài dữ dội hơn nhiều. Người thân gần gũi chia ra làm 2 nhóm quá rõ ràng. Một là nhiệt liệt ủng hộ -  "Vui mà, thay đổi một chút cũng tốt". Nhóm còn lại, cực lực phản đối -  "Nhìn kinh bỏ mẹ chả ra sao". Càng thân, thái cực ủng hộ/phản đối lại càng rõ rệt. Tuy nhiên, với trường hợp này thì nhóm phản đối đông áp đảo. Còn với người ngoài, là tò mò nhìn và đánh giá. Nhìn thì okê, phải mình mình cũng thế, thấy cái gì lạ là phải ngó ngó tí. Nhưng nhìn xong đánh giá, đó không phải là lựa chọn của mình. Đôi khi những phán xét "hồn nhiên" đó mới đau lòng làm sao. Cơ mà tự nhủ, có gan làm có gan chịu. Hay mà. Hehehe...

"Mắt đêm" chỉ là một hình vẽ trên tay mình. Một hình vẽ henna nhỏ nhỏ vui vẻ vô thưởng vô phạt, tuổi thọ cũng chỉ 2 tuần ngắn ngủi. Nhưng rõ ràng, nó đã tác động không ít đến 2 tuần tồn tại trên tay khổ chủ của mình. Mọi sự đổi thay dù lớn dù nhỏ sẽ đều gây nên những phản ứng như vậy đấy. Và chỉ những người thực sự quan tâm đến bạn mới có phản ứng mà thôi. Còn với đời, nó đã, đang và sẽ chỉ là những trò mua vui trong vài trống canh không hơn không kém. Vậy nên chả việc gì phải quan tâm đến số đông ấy làm gì, ở bên những người quan tâm đến bản thân mình, dù chỉ là một vài cá nhân ít ỏi, nhưng vậy đủ rồi.
  À mà quên, còn cái này nữa. "Don't judge a book by its cover", người đời cứ ra rả vậy, nhưng họ nói mà đâu có làm. Minh chứng ư? Ờ thì cái hình vẽ này nè, hehe. Gì thì gì, ấn tượng về ngoại hình vẫn là đầu tiên và khó có thể xóa nhòa ngay được. Thôi thì cứ ngó cái "cover" đi, oánh giá theo "cover" cũng được. Nhưng đừng quên mở cái "cover" ra mà ngó thêm vào bên trong (nếu có cơ hội)

Vậy đấy
Một hình vẽ trên tay
Thật nhiều ngày mở mắt

                                  Bài viết đáng lẽ ra được đăng vào ngày 13/12, xong lại thành 31
                                                                     Chuẩn bị cong đuôi phóng xe đi đàn đúm

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Chiều ngày hai mươi tháng mười một

    Ừ thì cũng như mọi chiều, Mèo già lại phóng xe đi em Mèo tan học và đón nó vào hồi 17h ở lớp bán trú, một căn nhà 3 tầng nằm ngoắt ngoéo trong một cái ngõ bắc qua cái kênh đen xì bốc mùi 24/24 thông từ Thụy Khê lên Hoàng Hoa Thám. Có khác chăng, đó là chiều 20/11, lớp tan muộn hơn xíu vì các bé ở lại liên hoan, và đông hơn xíu vì các bác phụ huynh đến sớm sủa đầy đủ, chuẩn bị những bó hoa tươi tươi và những túi quà to to.  Lớp tan muộn, nên cái dòng xe ngày một dài ra, dài ra, dài ra mãi, và Mèo già thì phải đỗ xe ngay trước cổng sắt của một nhà ai đó. Nhìn quanh quất kiếm con em. Có độc một mình nó mặt non non, cưỡi con Dream chiến 1 sọt 2 xẻng, mặc đồ thể thao chân đi sục cao su hơi lôi thôi giữa một dòng các cô các bác vận đồ lịch sự hương nước hoa thoang thoảng. Và đúng lúc ấy, thoáng một ánh nhìn từ phía bên hướng về nó. "Chết, chắc để vướng xe ở cổng nhà người ta rồi", Mèo già luống cuống về số và lùi lại. Một bác lớn tuổi cười và lách qua dòng xe, đi về phía cổng sắt và mở cửa. Xong, bác không vào mà đứng đó, nhìn hướng về phía đám đông ồn ã, nhìn vào 3,4 cái xe cũng đang chắn trước cửa nhà mình, rồi nhìn Mèo già và cất tiếng:
  - Vất vả cháu nhỉ?
  - Dạ.
  - Chắc đón em gái hả? (câu hỏi buột ra sau một lướt mắt nhanh từ đầu đến đuôi của Mèo già)
  - *cười cười* Vâng. Hôm nay tan muộn quá nên tắc đường quá.
  - Lại còn đúng ngày nữa chứ
  -  *Nó chỉ nhìn và cười khẽ*
  - Đón vất vả một, thì mấy đứa bé trong kia vất vả 10. Khổ lắm. Phụ huynh đến đón thôi chứ không được chứng kiến cái cảnh chúng nó rồng rắn về lớp bán trú đâu
  - ...
  - Thì đấy, nối nối nhau, tay kéo tay tha cái cặp nặng như đá đeo rồi chui vào cái lớp chật như lỗ mũi. Chân tay cứ khùng khoằng thế này này
  -  Cháu cũng nghe em nó kể rồi
  - Giáo dục thế này thì hỏng, phải sửa lại hết thôi, mà nhất là sửa "Người Thầy" ấy
  -  *đã quay ra nhìn thẳng vào bác*  Thầy là phải chịu trách nhiệm cao hơn bác nhỉ
  -  Ừ, giống như trồng rau ấy. Phải tạo điều kiện  cho rau ra "chợ" mà được đón nhận ấy. Chứ không phải cứ duy trì một không gian đều đều nhau, rau muốn mọc thế nào thì mọc, cắt xong đem chợ bán. Không bán được thì vứt làm phân bón...
  -  Cả một loạt toàn "Hệ thống hóa" vậy mà bác. Lứa chúng cháu đã cố đổi khác rồi, nhưng cải tiến không thấy, toàn lùi
  -  Cứ thế này mãi sao được, chỉ mong thế hệ sau, mấy đứa trẻ các cháu cải thiện lại, ít nhất là giáo dục cho bọn trẻ thôi
  - Bọn cháu cũng mong lắm chứ. Nhưng chỉ tiếc là giờ các bác lớn lớn lại chẳng bao giờ cho cơ hội thôi
 -  Các bác lớn lớn cũng có nhiều kiểu lắm. Có kiểu sống chết cũng không buông bỏ, bảo thủ và không quan sát, không nghĩ cho tương lai của người trẻ. Có kiểu cũng cương quyết không buông bỏ, nhưng không buông bỏ việc tin vào những người trẻ; họ già rồi, chả cần tiền, chả sợ chết, chả ngại nói, chỉ sợ không còn sức để nói mà thôi. Mà 2 cái kiểu già này lại kình nhau ra mặt, thế mới hay chứ
 - *cười to* Dạ
 -  Người trẻ, hiểu biết nhiều lắm chứ, sức lực dồi dào lắm chứ. Nhưng còn thiếu nhiều, thiếu kinh nghiệm, thiếu "mùi đời",  thiếu tiền và bị ràng buộc nhiều nữa. Vậy, những người trẻ hãy tìm những người già mà không buông bỏ tương lai để trò chuyện nhé
 Lúc ấy, Mèo già lẽn cười, rồi chợt nhìn thấy em nó. Nó giơ tay lên vẫy vẫy
Em nó chạy đến

- Ờ 2 anh em giống nhau nhỉ
- Chào bác đi em
- Cháu chào bác
- Ừ
- Thôi cháu xin phép về đây ạ
- Lùi cẩn thận, phía sau có xe xuống dốc đấy
- Vâng, không sao đâu bác

Rồi nó đạp số, vặn tay ga và phi đi. Ở phía sau, cánh cửa sắt đã khép lại. Xung quanh nó, là rất nhiều những chiếc xe đỗ ở 2 bên ngõ. Phía trong lớp, các bác phụ huynh đang nô nức đi vào, tiến về phía bàn giáo viên

Nhập nhoạng.
Chiều ngày hai mươi tháng mười một.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Những nghĩ nhỏ, trước, trong, và sau một cơn bão (rất) to

       Hồi còn bé tôi từng được xem một bộ phim hành động giả tưởng, đại loại là 1 gia đình gặp phải nạn vòi rồng và mất đi người mẹ. Một thời gian sau, người cha và con gái cùng nhau nghiên cứu và chế tạo một cỗ máy có khả năng phân tích được năng lượng của gió xoáy, từ đó triệt tiêu được chúng. Duy chỉ có một điều là phải tiến đến gần chúng để đổ vào lòng lốc xoáy một loạt các vi camera nhằm báo và vẽ lại hình dạng của xoáy lốc. Và đúng lúc ấy một cơn bão lớn kèm vòi rồng đổ bộ. Cả 2 lên đường chiến đấu với nó... Phim nói thật, cũng chẳng hay lắm, hơi điêu là đằng khác. Diễn xuất không có gì đặc biệt, chả đọng lại nhiều. Duy chỉ có cái này là được tô đậm, một suy nghĩ của bản thân: Liệu có đáng để liều cả tính mạng chỉ vì một nghiên cứu như vậy không? Xem chừng, khoa học như vậy còn cực đoan là đằng khác.
Và sau một cơ số năm chứng kiến hết cơn bão này đến cơn bão khác đổ bộ vào Việt Nam, cũng như Philippines hay Nhật Bản... thì tôi lại mong sao cái sự "liều mình cực đoan" kia tái xuất và thành công trên một phương diện nào đó. Chứng kiến những đống đổ nát sau bão Hải Yến lại càng xoáy đậm vào mong ước ấy, cũng như tô đậm thêm một chuyện, hồi bé mình đã dốt dại như thế nào
 *Thông tin thêm, là hiện tại trên thế giới vẫn tồn tại những người được gọi là Thợ săn bão - Storm hunter. Cứ có bão, bất kể to, nhỏ, là họ lên đường, chụp ảnh, quan sát, tiếp cận. Và biết đâu, sau đó, một loại máy với vi camera sẽ được chế tạo để triệt hạ gió xoáy thì sao*

------------------------------------------------------------------

     Hôm nay là 10/11. Chiều CN của một Hà Nội trước thềm bão. Chả hiểu sao bọn trẻ con vẫn phải đi học thêm :(( dẫn theo hậu quả là phụ huynh vẫn đi đưa đón. Em Mèo nhà mình, lại còn được ưu tiên học ở ven hồ Tây :)))  3h30 chiều đi đón, trời xám xì, gió tung người. Đón nó về xong trông như chim sẻ gặp bão, xám ngoét, tung tóe :))) Một cảm giác rất yo-zuyên (not yo-most) :))

------------------------------------------------------------------

    "Nghỉ học đeeeeeeeeeeeeee"
Lại nói đến vụ đón đưa chiều vừa qua. Lúc đến sớm khoảng 5 phút, nhiều đứa trẻ hò hét, "Bão đê, để còn nghỉ họcccccccccc". Nghĩ vừa tức lại vừa tội. Chúng nó còn hồn nhiên quá, như mình vậy, và cũng vô tâm quá, như mình luôn. Mà em Mèo nhà mình cũng rứa rứa, chờ bão để báo nghỉ học. "Tại cặp sách thứ 2 nặng lắm". Nghe tội chưa T___T . Chúc mừng bộ Giáo Dục vì đã xây dựng được một khung chương trình đào tạo khiến học sinh... chỉ muốn nghỉ học, thậm chí là nghỉ vì bão cũng được. Thế đó
  *thông tin thêm là Mèo nhà mình đã an lòng quấn chăn ngủ kĩ khi nghe thông báo nghỉ thứ 2. Mình tin, có những em không vui mừng lặng lẽ như thế. Chúng nó còn chả nhảy tưng tưng lên í chứ*

-------------------------------------------------------------------

Những "kỉ lục"
Năm 2006 đón nhận một con số "kỉ lục" khi có tổng cộng 17 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam.
Năm 2013 sẽ đón nhật một "kỉ lục" khác, cơn bão lớn nhất đổ bộ vào biển Việt Nam
Mong sao năm 2013 sẽ không phá vỡ "kỉ lục" của 2006
Và sau này sẽ không có năm nào 2 "kỉ lục" kể trên được phá vỡ nữa

-------------------------------------------------------------------

Hàng quán sau bão
Nghe hao hao bài viết "Phố sau bão" nhỉ :))) Thật ra là khác. May thay bão đã qua nhanh hơn dự kiến, và nhỏ hơn dự kiến. Nhưng các quán xá thì được một phen hú hồn nên tối thứ 2 rồi vắng lặng. Vốn đã chuẩn bị nghỉ tránh bão từ CN nên hầu như quán xá chẳng bày bán gì, và chẳng có gì
Lâu lắm rồi, HN mới chìm vào một tối tĩnh yên như thế, dù hôm đó là đầu tuần

------------------------------------------------------------------

Gieo gì gặt nấy
Bão (hay theo nghĩa rộng là Dông tố) là hình thức thời tiết cực đoan được sinh ra khi có sự giao thoa nhiễu loạn của 2 hoặc nhiều các hoàn lưu không khí khác chiều. Nói đơn giản hơn, đó là sự giải phóng năng lượng sau những bất ổn của môi trường. Hay, đó là cách Môi trường lấy lại sự cân bằng cho chính nó. Môi trường càng nhiễu động, bão lại càng nhiều và càng lớn. Cũng phải nói đi nói lại, con người lấy gì từ Thiên Nhiên, thì Thiên Nhiên sẽ đáp trả như vậy. Và suy cho cùng, ai phải khuất phục ai?
Sau những thảm họa tự nhiên, chỉ còn lại các đống đổ nát
Rồi từ đống đổ nát, con người lại khai thác
Những đô thị lại mọc lên
Và thảm họa tái diện
Quay vòng
Quay vòng
Quay mãi
...


*bài viết cóp nhặt trong các ngày từ 9 đến 12/11/2013, trước, trong, và sau khi bão Hải Yến đổ bộ vào biển Đông và các tỉnh đông bắc bộ*

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Một ngày


      Nếu biểu diễn một ngày thành một dải giấy trắng, tô màu đỏ cho những cái tốt, cái vui, tô màu xanh cho những cái dở, cái buồn thì... 
Sẽ có một vài dải giấy đỏ tươi lấp lánh (một vài thôi) 
Cũng sẽ có một vài dải xanh lét (cũng một vài thôi) 
Còn lại, sẽ có rất nhiều dải màu tím. Là đỏ trộn xanh ấy mà. Hoặc dải tam sắc đỏ-xanh-điểm tím. Đại loại vậy, túm lại là nhiều hơn 1 màu. 
Sẽ có những dải đỏ với một vài vệt tím. Rằng cuộc vui nào rồi cũng sẽ phải tàn 
Sẽ có những dải xanh với một vài vệt tím. Rằng ánh sáng vẫn còn đó. Hãy cố gắng hơn

Nhưng đáng sợ nhất, là một dải giấy trắng.
Trắng xóa, không đỏ, tím, xanh.
Một ngày lãng nhách vừa qua đi chẳng lấy lại được, vì bạn quyết định chẳng tô màu gì cho nó cả. Và thế là nó trắng trơn. Không vui, không buồn, không gì cả. Vô cảm

Ngay bây giờ, tôi đang thử tưởng tượng xem "dải giấy hôm nay như thế nào?".
Có 1 khoảng trắng. Có nhiều khoảng xanh. Có 1 khoảng đỏ, và nhiều mảng tím. Ngay trong gõ những dòng này, nó vẫn tím :)) Và nó nhắc, rằng phải cố gắng hơn.

 Còn cái tôi rút ra sau mớ lảm nhảm này là gì?  Cuộc đời này, cơ bản là màu tím :)))))
 .
.
.
.
 .
.

   Trên đây là một stt từ lâu lâu rồi (kiểu điên dở ấy mà)
Đọc lại thấy cũng đung đúng, nhưng có chỗ sai lè
Vì có những khoảng trắng xóa thật không phải là vì bản thân không quyết định tô màu, mà là vì không thể tô được. Nó buộc phải "trắng xóa", vì nó là thế. Một khắc rỗng tuếch ngớ ra trước một sự vật Vô Cùng (đẹp hoặc xấu, tùy). Tâm trí không tập trung nổi cho bất cứ việc gì. Hoặc đơn giản thôi, khi bản thân lựa chọn "Nó là màu trắng" - vô vi, vì bọt tháng ngày, vì bọt đời. Và thế là nó trắng

Và bản thân tôi còn khám phá ra một màu mới trên "dải giấy": đen. Đen: là khi một đoạn "giấy" được tô đè lên nhau quá nhiều xanh lẫn đỏ, cứ day đi day lại, hết đỏ lại xanh, và cuối cùng, khi không còn ranh giới, thì một hỗn hợp ĐEN xuất hiện. Đen, và lem nhem. Đen, cho những cả nghĩ; đen, của tự vấn; đen, của suy tưởng. Đen, khi yêu, và ghen :))... Nguy hiểm. Thật nguy hiểm!
Và nguy hiểm nhất là với một "dải giấy" đôi khi quá mỏng, lúc ta day đi day lại, hết đỏ lại xanh thì đâu biết chừng, màu đen xuất hiện cũng là khi dải giấy đứt.

Nhưng mà khỏi xoắn đi, không phải màu đen dễ mà có mặt trên dải giấy đâu. Vì có phải lúc nào cũng dư màu với thời gian mà tô với vẽ. Và có phải ai cũng đủ sức mà tô thành được một khắc ĐEN!!!

Còn cái rút ra sau phần lảm nhảm thêm này là gì?
Cuộc đời này, cơ bản vẫn là màu TÍM
:)))))))
Ồ dê

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Rủ?

 2 tiếng trước là thời khắc khép lại 2 ngày Quốc Tang
 Cờ rủ ở mọi nơi
 Trên phố
 Ngoài công viên
 Giữa quảng trường Ba Đình phẳng lặng
Và đó cũng là những thời khắc sau cuối của cuộc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng


Quay trở lại hơn 1 tuần trước, khi tin ông mất lan đi trong cộng đồng mạng
Cảm giác đầu tiên khi tôi nghe tin ấy là một sự nhẹ lòng. Nhẹ lòng, khi biết được một con người đã hoàn thành dương mệnh của mình và thực sự được an nghỉ. Cách đây gần 2 năm, tôi được nghe một người bác sĩ ở viện 108 có nói rằng Tướng Giáp đã yếu đi nhiều lắm, người gắn cơ man nào dây nào ống, ngày ngày tiêm không biết bao nhiêu thuốc nước. Nghĩ mà xót đau (trong khi ấy đài báo oang oang: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ phát biểu nhân dịp...." ). Không rõ người ta phải oằn mình giữ ông lại trên dương thế này làm gì khi việc ấy chỉ để nới sâu những cơn đau, kéo dài những chuỗi ngày đợi chờ vô vọng. Vì vậy, hay tin ông ra đi là lòng tôi chợt nhẹ. Vì những cơn đau sẽ không còn xâm chiếm cơ thể; vì sự thật có níu kéo cũng vô ích; và rằng thời gian chẳng chừa một ai - ai cũng sẽ phải tìm về với đất. Giật bỏ hết dây nhợ, và con người ta lại thật an lành

Còn sau nhẹ lòng, là im lặng.
Tôi không xót thương. Đúng vậy, không xót thương. Tôi hàm ơn con người vĩ đại ấy, nhưng tôi không biết ông đủ để xót thương. Vì vô cảm, nên không cần, và không nên nói gì cả. Vì vô cảm, nên quyền để lên tiếng cũng đâu còn quan trọng.
Biết gì đâu để mà lên tiếng đây?
Với tôi, im lặng lúc này là một sự tôn kính thực lòng với người đã khuất
 Hãy để cho thời khắc ấy trôi đi đúng theo trình tự của nó



     Nhưng thật lạ làm sao, khi xung quanh không gian ấy lại nẩy ra bao thứ.
 Trước nhất, là những người có phần giống tôi. Không biết ông đủ để xót thương. Nhưng quàng quạc rằng: "Tôi hổng có quen có biết ông tướng nọ, thì việc gì phải tỏ vẻ này kia".

Tiếp theo là những người tỉnh táo. Họ có thể thương, nhưng không xót. Và họ lên tiếng, vì đã biết ông, có thể là đủ, hoặc tương đối đủ. Họ nói những cái họ muốn nói, và thấy cần phải nói. Vì họ có quyền lên tiếng. Vậy thôi

Sau, là những người xót thương, và lên tiếng. Nhưng lên tiếng cũng có nhiều cách. Có những người tiếc nuối một vĩ nhân, thương cho một quá khứ mà cất tiếng nghẹn. Có những người khóc cho một tiếng khóc chung của dân tộc. Có những người khóc cho tương lai. Và người, lên tiếng chỉ để chỉ để lên tiếng

Sau thứ, là những người xót thương trong im lặng. Vì nỗi đau đủ lớn không cất nổi thành lời.

Và cuối cùng, là những người không xót thương, nhưng hòa vào dòng người xót thương. Những người này thì hẳn là luôn mở mồm. Vì nếu không mở mồm, thì ai mà biết được là họ đang "xót thương"

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì đã tốt. Nhưng con người, đặc biệt là ở thời điểm này, lại thích nói, và đã nói thì phải phán xét nhau. Đành rằng việc lên tiếng đã có người đúng người sai (về mặt thái độ) nhưng công kích nhau thì chẳng phải điều nên làm (còn nhóm Tỉnh táo, có chăng, chỉ là thời điểm nói mà thôi). Người bảo kẻ kia "Đám đạo đức giả", người nói "Lũ mất gốc, mất dạy", rồi "Sồn sồn một lũ chạy theo số đông"... Vậy đó, "lòng thành kính" và "sự xót thương" chỉ để khẳng định Cái Tôi, chứ không để dành cho ai khác cả. Và "ai khác cả" trong trường hợp này là người đã khuất.
Buồn không? Có, buồn cười, và buồn lòng, khi sự ra đi của một con người lại trở thành một thứ "hài kịch" như thế.
Nỗi đau được nối dài ra như vậy, há chẳng đau hơn?

Thay vì việc nói nhau như vậy, thì sau mất mát và tiếc thương có những việc cần làm hơn rất nhiều
Trong lúc này, vụ nổ nhà máy pháo ở Phú Thọ vẫn đang tang tóc
Trong lúc này, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang có cuộc "viếng thăm" cấp quốc gia
Và trong lúc này, những con người trên dải đất chữ S vẫn đang vằn vọc sống một đời "hậu sản"
Cờ rủ vậy, liệu đã đủ hay chưa?

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Mùa thu đi hội sách

    Về cơ bản, những tựa sách mình thích thường hay góp mặt ở quầy đồng giá 10 nghìn, 15 nghìn (hoặc là giảm 50%) ...  Hội sách lần này cũng không ngoại lệ. "Haroun và biển truyện", "Không gì là mãi mãi", "Trên bãi biển Chesil", "Nhật ký chim én" vân vân và mây mây... (Tự dưng lại nhớ đến "huyền thoại ế ẩm" ở tiệm chú Thắng quá đi mất: "Cháu với cái Vân, chúng mày sồn sồn đi thuê bộ nào là y như rằng, chú mua bộ đó chỉ để cho 2 đứa mày thuê thôi" :)) Thật vãi chưởng dớp ế)

   Thế giới các mọt sách khá là nhỏ. Đi một xíu là gặp người quen. Vỗ vai nhau cười một cái, hoặc nhìn và cúi nhẹ đầu chào. Công nhận là nhỏ thật ^^ Nhưng nhỏ, mà vui  (hay mình ở dạng dày mặt nhanh chân, thuyền nào cũng đến bến nào cũng đậu nên hay gặp các bạn khác?)

  Nổi bật trên khu sách mới có cuốn "Những màu khác" của Pamuk. Dày và ấn tượng. Mở cái mục lục, thấy có phần viết "Sách". Bài thứ nhất: "Tôi đã vứt bỏ những cuốn sách của mình như thế nào", giở ra đọc một chút, đã thấy thinh thích. Bài thứ 4: "9 điều về bìa sách", đọc thấy thích hơn. Từ từ ngó cái giá ở bìa 4, nhẩm nhẩm tính và nhẹ nhàng... đặt sách về chỗ cũ. Hẹn bạn vào tháng sau nhé "Những màu khác", quá ngân sách rồi (đã kịp mở phần lưu chiểu để thấy sách được in với một lượng tương đối lớn - AQ tí ấy mà)

  Trò chuyện vu vơ ở quầy
- Ô chị à! Không đeo kính nên em chả nhận ra
- Ừ (cười tươi). Hôm qua có thấy em mà chờ mãi không thấy đâu cả
- Bữa ấy em chạy sô lên buổi giới thiệu sách của nhà văn Băng Sơn nên hơi vội ạ. Mà đông quá. Nói bạo mồm chứ 2 hôm tới hội sách sẽ còn đông nữa đấy chị
- *cười còn tươi hơn lúc nãy* :">
          Mình thầm nghĩ: hẳn là thế rồi, quốc tang nên các hoạt động vui chơi tập thể đều bị dời lịch, bar biếc karaoke các kiểu tạm nghỉ, tivi cắt sóng thì đương nhiên, hội sách sẽ đông. Hehe

   Nhìn trộm
Ở hàng ghế ngồi nghỉ có một anh ôm cả chồng sách cao. Lát sau, một chị ôm chồng sách cao không kém từ phía bên kia tiến về gần anh "sách cao" ấy. "Anh lấy cho em mấy cuốn này rồi này". Chị nhoẻn miệng rồi thả toàn bộ chồng sách của mình lên 2 tay anh, đoạn rướn người hôn đánh *chút* một cái. Ôi những người yêu sách yêu nhau trong hội sách :))

Mùa thu lác đác là rụng, đi hội cũng chỉ có thể nhặt nhạnh được nhường ấy thôi. Những mẩu chuyện lặt vặt, không đầu không cuối

p/s: Tựa đề bài viết được lấy theo một cuốn sách thuở ấu thơ của mình, tập truyện "Mùa thu đi hái dọc" của tác giả Trần Thị Thắng

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Những người gieo hy vọng

"Đài phát thanh của chúng tôi được đặt tại khu giáo dục thể chất ở đỉnh đồi. Một góc nhỏ nằm ở tầng 2, ngay cạnh nhà vệ sinh. Vị trí sao mà lý tưởng thế!
Chúng tôi gây dựng tất cả từ một con số 0, trên nền thành phố hoang tàn đổ nát"



  Ngày 11/3/2011, một trận động đất lớn xảy ra dưới lòng biển rìa đông bắc vùng Tohoku Nhật Bản gây nên thảm họa sóng thần . Thành phố duyên hải Minamisanriku cũng là nơi hứng chịu chấn động khủng khiếp này, với biết bao thiệt hại, đau thương và mất mát
  Hơn 2 tháng sau, vào ngày 17/5/2011, một nhóm những người dân tại thành phố đã tập hợp nhau lại và thành lập nên một Đài phát thanh mang tên FM Minasan. 9 thành viên tình nguyện, 9 con người, 9 số phận, nhiều tính cách, họ cùng nhau ngày ngày đi khắp nơi đưa tin về những sinh hoạt của người dân trong thành phố. Suốt 11 tháng sau đó FM Minasan đã hoạt động liên tục không ngơi nghỉ và phải ngừng phát sóng vào cuối tháng 3/2012 vì vấn đề tài chính. Sau vẻn vẹn 11 tháng ấy, bộ phim tài liệu "The radio of hope: After Tsunami 3.11" (Đài phát thanh hy vọng: Hậu sóng thần 3.11) được hoàn thành. Đây là những thước phim tư liệu ghi lại những hoạt động của 9 thành viên đài phát thanh trong quá trình làm việc của họ trên mảnh đất hoang tàn sóng thần để lại.

   
    Hằng ngày, những phóng viên, phát thanh viên không chuyên lại miệt mài đưa bài lên sóng. Như việc cấp nhà tạm đã hòm hòm, các hộ dân đều có nơi trú ngụ để ổn định tinh thần; những con cá hồi đã quay trở lại khu nuôi thả; ngư dân lại lên tàu đánh bắt và thu được những mẻ lưới đầu tiên; trẻ em đi học; hội thao toàn thành phố. Rồi những sự kiện lớn khác như lễ Noel, lễ hội Bắt đầu - nơi ghi dấu cho 4 cặp vợ chồng vì sóng thần mà đã để lỡ những ngày vui và kỉ vật của mình...  Nhưng quan trọng hơn tất thảy, họ đã đem "tiêng người" lan rộng khắp thành phố. Để nỗi cô đơn dần được nguôi ngoai. Những vết thương lòng tìm được sự an ủi và dần khép miệng. Rằng ghét, cũng là biểu hiện của sự quan tâm. Và hãy thổ lộ nỗi đau, dù bằng tiếng gào khóc, hay thật lặng lẽ, bằng một nhành hoa, một tấm ảnh nhàu nhĩ được đặt ở đài tưởng niệm. Sau một cú sốc lớn, điều mỗi người cần luôn là sự quan tâm và chia sẻ. Bằng những buổi phát sóng của mình, đài Minasan  đã giúp những người dân tìm được sự kết nối, tìm được tiếng nói chung, và để họ thấy, rằng chung quanh họ, sự sống vẫn đang tiếp diễn. Đó chính là là gieo "Hy vọng".

  Bản thân việc FM Minasan ra đời đã là một điều kì diệu. Nhưng họ, 9 thành viên của đài phát thanh, còn lớn lao hơn cả điều kỳ diệu. Họ đã nhân lên biết bao điều kỳ diệu khác trong hơn 300 buổi lên sóng của mình. Thành phố Minamisanriku đổ nát vẫn ôm trong lòng nó hơn 8 ngàn người dân, và mỗi người dân ấy, từ già đến trẻ, cũng ôm trong mình bao mất mát, những tổn thương âm ỉ chưa nguôi. Các phát thanh viên của đài cũng không phải ngoại lệ. Họ, người mất vợ, người mất chị; người phải bỏ dở ước mơ; mất nhà cửa, làm ăn khó khăn, con cái nheo nhóc... Nhưng vượt lên hoàn cảnh, họ sát cánh bên nhau nỗ lực vực dậy tinh thần của người dân thành phố.
  Và cùng với thời gian, nỗi đau dần dần lắng xuống.
  Cỏ lại bắt đầu mọc xanh trên những con đê vỡ
  Cây anh đào nhỏ được trồng xuống, trổ búp chờ đơm hoa
  Những con tàu nổ máy ngoài biển xa
  Đàn cá hồi béo múp căng những trứng
  Và cả những sinh linh mới, cũng cất tiếng khóc chào đời
  Để "tiếng người", âm thanh sự sống sẽ không bao giờ tắt
  Trên thành phố duyên hải Minamisanriku

Vượt qua tất cả, gây dựng lại từ một con số 0.
Chỉ cần không đánh mất "Hy vọng"





  Lời bạt: "Đài phát thanh Hy vọng" xứng đáng là phim khai mạc cho liên hoan phim Nhật mùa thu này. Nó mang đậm tinh thần của chủ đề liên hoan, đồng thời cũng thấm đẫm chất Nhật Bản. Tuy chưa thể chạm tới toàn bộ ngóc ngách của "Hậu sóng thần", nhưng bộ phim hoàn toàn có sức lan tỏa mạnh và mang trong mình thật nhiều, nhiều những Hy vọng. Vậy nên ai có vé thì gắng đi xem nhé. Còn không có vé, nhưng sắp xếp được thời gian thì hãy cứ ghé rạp và đề nghị với BTC, bạn vẫn sẽ được mời vào xem trong sức chứa cho phép của phòng chiếu
  Lịch chiếu xin xem tại fb Japan Foundation  facebook JF

  Và bài hát cực cực cực kỳ hay ở cuối phim (không phải bài ending ở credit)
               Hisashiki Mukashi ( 久しき昔 世界名曲) Long, long ago

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Tào lao tình báo

    Nào nào, đầu tiên, thì xin mời các bạn nhẹ nhàng nhấn "Play" cho bài hát này nhé.

                                       
        
   Nhấn xong, thì cũng từ từ kéo xuống, vừa ngắm hình (và đọc thêm phụ đề bên dưới :P ) vừa nghe nhạc. Tóm lại là thưởng thức trong thong thả...

                                                       THE LOOK OF LOVE
                                                                                         - Saskia Bruin-




                                                              The  look  of  love



                                                                   is  in  your  eyes.




                                                                       Her   look





 your   smile



can't   disguise.


The look of looooooooooovee...


is saying  so much more than just


words  could  ever  say.


And  what  my  heart  has  heard


well it takes my breath away.




I can hardly wait to hold you 


feel  my  arms  around  you


how  long  I  have  waited...


waited  just  to  love  you


now  that  I  have  found  you.


== == == == == == == == == == == == == == == == == == ==





You've  got  the look  of  love


It's on your face.


A  look  that ...


time can't erase...

 Be mine



... toniiiiight.


Let this be just the start of


so many nights like this.



Let's take a lover's vow


and then seal it with a kiss.
.
.
.
.
.


Don't ever go....



Don't ever go...

.
.
.



I love you so
.
.
.


 *  Xin cảm ơn vì đã xem đến đây. Thật ra toàn bộ chỉ là sự cắt ghép có chủ ý của chủ nhân blog thôi ạ chứ không phải nội dung của truyện sẽ là thế. Nhưng cứ làm cho vui thôi *

 Cảm hứng cho phần "tào lao" này:  
  • Bộ truyện  "Sakamichi no Apollon - Giai điệu trên triền dốc" của tác giả Kodama Yuki
  • "The look of love", trình bày bởi Saskia Bruin trong tuyển tập The best of Audiophile voices
  • Bị điên :)))