Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Tà đu đù đu đù đu đú tà đuuuuuu

 Giáng Sinh, như mọi năm lại rơi vào cao điểm thi cử
 Và cũng như vài năm gần đây, ta vẫn "Single bell, single bell, SINGLE all the way..."
 Vậy nên đi hóng hớt ổ vài người khác, và chợt thấy

   

                                                Đến xương rồng cũng có đôi
                                       Còn mình, thua cả một đôi cây trồng
                                            Đêm nô-en lại ngồi không
                                        Thôi thì ngồi bán dép lông kiếm xiền
                                            Dép lông cũng có đôi liền
                                        Trời ơi! Con vẫn liên miên một mình
                                            Biết thế ta đi lừa tình...

  Ờ nói thế thôi chứ lừa tình là cả một nghệ thuật đấy, và mềnh thì chưa có lĩnh hội được dòng nghệ thuật đó :))))
    Nhưng noel năm nay cũng rất vui, vì một lời mời dự buổi giao lưu từ nxb Kim Đồng, được gặp một vài người thú vị, và được thấy nhiều hơn một chút cái mình cần thấy. Đương nhiên là bất ngờ + sướng nữa, bởi một giải thưởng không hề dự đoán xuất hiện. Như một chút an ủi phần nào, nên hát tí vịt đực cho nó có không khí :)) tà đu đù đu đù đu đú tà đuuuuuuu.

    Vậy là tổng cộng cả cái sinh nhật tuổi 22, mình nhận được bao nhiêu Mon ú là Mon ú, 1 bộ sách kỷ niệm, 1 figure, 3 cái huy hiệu, 1 cuốn lịch, rất nhiều những món đi kèm "thú hiếm" và vô số bookmark. Rổ quà xanh quá là xanh, như một bầu trời. Chưa kể là một cái unexpected party, một cái crazyly-unexpected gift trong đêm, và một bài hát tả cảnh chàng thư sinh đi bán dép :)))  Vậy đấy. Ấm như vậy cơ mà. Ấm tan cả cái giá buốt của đợt lạnh đầu tiên đổ về miền Bắc mùa đông này. Thế nên có "Single all the way" mà vẫn cảm được hơi ấm lan ra quanh mình đến vậy âu cũng là hạnh phúc. Nhỏ nhắn xinh xắn thôi, nhưng là hạnh phúc.
   Vì hạnh phúc vẫn luôn đến từ giản đơn tình người.

                                                                                      Một đêm không ngủ nữa
                                                                                      Vì tối đã ngủ rồi
                                                                                      HN, 29/12/2012

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Khúc ca tháng 12

Tháng 12 rồi, lại đến thời điểm của sum vầy.
Năm nay 1 thành viên của gia đình không thể về nhà trong những ngày tới. Bà ngoại có vẻ buồn, nhưng biết làm sao. Rồi đến lúc những chú chim cũng phải tung cánh dời tổ. Chỉ có chăng chú này "bay" đi hơi xa một chút, khiến người ở lại chốc chốc ngóng theo mà thôi. Thời gian có thể làm nguôi ngoai? Không gì là mãi mã? Có lẽ, cứ để nó dần gột rửa cho câu trả lời sau cuối.

 Hôm nay là ngày một con Nhân Mã dở hơi ra đời để chơi với một con Nhân Mã khác (tòi ra sau nó khoảng 6 ngày). Cảm ơn cái đứa đấy đã đến với một tên khùng như vậy. Nhân Mã, lại còn sinh năm Ngọ nên xác định là cứ chạy, chạy nữa, chạy mãi nhỉ :))) Đường đời này có dài dài hoài thì ta vẫn phải tiếp bước, à quên, cất vó chạy thôi. Chúc mày một tuổi mới chạy tốt, chạy đúng hướng. Cảm ơn vì nhiều thứ. Happy bday

  Đôi chút cacao hoài niệm cho tháng 12 gió mùa phăm phăm thổi. Hy vọng cacao vẫn đủ ấm...


"Close my eyes again,
 i can still remember how to get back home.
 Let all your memories hold you close
 No matter where you are
 You're not alone
 Because the ones you love are never far
 If these-moments're in your heart"

Not only Christmas, right?

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Những cánh cửa dần hé

"- Con muốn đến rừng Amazon cơ!
  - Từ từ, còn bao chỗ văn minh an toàn hơn để ghé trước mà, chị mày thích Venice hoặc Vancouver ấy
- Chưa chi đã xuất ngoại rồi. Theo mẹ, cứ đi hết Việt Nam cái đã. Như miền Tây này hay này. Hoặc chinh phục Phan-xi-păng chẳng hạn.
- Cả nhà cứ cày cuốc hết sức đi. Xèng chưa có mà đã đòi du lịch rồi ( lời nói chết người của bố)
- Giá mà đi lại không xa xôi vất vả, phóc một cái là đến chỗ này chỗ nọ được nhỉ bố nhỉ?
- Ừ, ước gì... "
       Cái thuở còn bé lít nhít, một trong những niềm vui của tôi hàng tuần là được xem chương trình "Thế giới động vật" tối thứ 3 hàng tuần trên VTV3 và series "Hành trình khám phá" sáng sớm thứ 7 bên gia đình. Vừa xem vừa bình loạn như thế kia chẳng hạn :D. Mỗi vùng đất mới hoang dã, những dải đồi triền núi, bãi dài biển đảo hay các thành phố cổ kính nguy nga đều khiến cả nhà phải trầm trồ mắt tròn mắt dẹt. Rồi lại "Em thấy đi rừng hay lắm", hoặc "Năm nay lượn miền trung đê", "Phải tiết kiệm làm chuyến phượt mới được"... Có thể nói tôi được nuôi lớn bởi từng khoảnh khắc ấy, cùng với những chuyến đi - dù là được đi nghỉ thật hay chỉ qua màn ảnh nhỏ. Và bên cạnh đó, còn là học lóm không ít từ "người bạn" đặc biệt - từng cuốn truyện, quyển sách.  Trong số bạn bè hết mực độc đáo ấy, người bạn thân thương nhất có lẽ là chú mèo ú màu xanh, nhân vật đã gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều đứa bé, người suốt hơn chục năm qua không ngừng làm đôi mắt tôi (vốn cận) mở to rồi nhắm tít cả lại, cái mồm tôi hết tủm tỉm lại ngoác rộng ha hả sung sướng. Cậu bạn tròn ủng với cái tên trong trẻo thơ ấu, Đôrêmon - chú mèo máy đến từ tương lai.



  Nhớ hồi đó bạn bè nhao nhao kháo nhau, nếu được xí một món bửu bối của Mèo ú thì mày sẽ chọn món nào. Với tôi, có lẽ không gì tuyệt bằng "Cánh cửa thần kỳ". Chỉ cần chọn điểm đến và "cạch" một tiếng, cả một không gian mới mẻ trải ra trước mắt. Bất cứ nơi nào trên mặt đất này mình đều có thể đặt chân tới với chỉ một cái vặn cửa. Liệu còn gì kỳ thú bằng. Đã thế còn không mất công làm thủ tục giấy tờ lằng nhằng, tốn thời gian đi lại. Vốn nghiện "Thế giới động vật" nên ước mơ hồi nhỏ của tôi là được làm một nhà sinh vật học. Với món bảo bối thần kỳ ấy, xoạch một cái là đến một vùng đất mới, tha hồ mò mẫm nghiên cứu. Rồi tìm thấy mẫu vật quý hiếm thì mở cửa ra là về đến phòng thí nghiệm, tèn ten, đã bảo lưu mẫu. Hoặc được tham gia một chuyến phiêu lưu phiêu lưu nguy hiểm, nhỡ gặp thú dữ hoặc thảm họa thì cũng một loáng là đã về nhà, an toàn, ấm áp. Nghe quen không, giống hệt việc lạm dụng cửa thần trong câu chuyện "Nôbita và pho tượng thần khổng lồ" ha. Cũng bởi thế, khi thấy Cánh cửa thần kỳ bị đốt cháy trong truyện, tôi thấy tiếc lắm, tiếc hùi hụi. Cái thời con trẻ ấy mới ngọt lành làm sao.




 Nhưng, ấu thơ rồi cũng dần xa xôi. Thời gian thì trôi đi chẳng biết chờ đợi. Cùng với nó, vạn vật biến chuyển. Cuốn truyện "Pho tượng thần khổng lồ" giấy in đen thui ngày nào giờ cũng được tái bản, mang một cái tên mới, khoác một lớp áo mới. Những đứa bé ngày nào dần lớn lên, và tôi cũng vậy. Chỉ còn lại đó ước muốn về một cánh cửa thần bé con vẫn đang bình yên trong ký ức thơ ấu. Với tôi, "cánh cửa" ấy vẫn là một điều kì diệu mình hằng mong được sở hữu. Nhưng khi đã lớn hơn được một chút, tôi chợt nhận ra rằng, "Cánh cửa thần kỳ" chỉ có thể nối những đích đến chứ không thể giữ lại cho ta hành trình ta phải trải qua, trong khi những hành trình mới là điều hình thành nên đường đời. Thế giới này quả thực rộng lớn, nhưng cũng không phải quá bao la như ta tưởng. Bởi cuộc đời là những chuyến đi. Có sức mạnh, niềm tin và dũng khí, bạn sẽ đi hết hành trình và đến đích. Mọi việc chỉ ở nơi bạn mà thôi.

  "Cửa thần" là vật kết nối những không gian vật lý. Nhưng thế giới này đâu chỉ có vậy. Còn đó "cánh cửa" nối giữa những con người, những "không gian" tâm tưởng thẳm sâu vô ngần, và chìa khóa cho "cánh cửa" đó, không gì khác ngoài trí tuệ và trái tim. Đó mới là "cánh cửa" thần kỳ nhất, đáng quý nhất. Khi những cánh cửa ấy dần hé mở, phép màu sẽ xuất hiện. Dòng cát thời gian vẫn cứ rơi, trẻ con sinh ra mỗi thời mỗi khác, song có những thứ vẫn không thay đổi, như gia đình, như bè bạn... Và biết đâu đấy, cùng với lúc thật nhiều Cánh cửa nhỏ được mở rộng, những Thế giới nhỏ được kết nối thì chú mèo máy màu xanh sẽ ra đời - bằng xương bằng thịt, sẽ bầu bạn với biết bao con trẻ, nuôi dưỡng những mầm non trên xứ sở hoa anh đào, trên rẻo đất chữ S và vô vàn xứ sở khác như chú đã làm suốt bao năm nay qua những trang truyện. Để rồi lại có đó bao hành trình kỳ thú bất tận. Như của Nôbita hậu đậu, của Xuka xinh xắn, của Xêkô mỏ nhọn, của Chaien rốn lồi...
   Nhưng trước hết, hãy tìm chìa khóa và mở cánh cửa của bạn đi đã. Quanh đây, những cánh cửa khác đang dần hé rồi đấy.

           
  
                                                                        Hà Nội, một đêm thu trắng
 

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Một chút quay quay

 Bà ngoại rất là hào hứng với bản báo cáo kết quả hội nghị TW 6. Đương nhiên là cả nhà cùng xem theo rồi
Hậu quả hiện giờ: máu không lên nổi não, đầu quay quay
Đảng ta quả là MỘT đảng mạnh mà (ảnh hưởng trực tiếp tới tâm sinh lý người dân)


 Và trong những phút quay quay này, xin lần đầu được trích dẫn một tí ti về những cái gọi là "quả ngọt" của những chú heo 2 chân

     

  Trích từ bài viết "Tam giác vàng ngôn ngữ Italia ở Đông Nam Á" của nữ tác giả Dacia Maraini. Bản dịch tiếng Việt của Trần Thanh Quyết


Chặng thứ ba là Việt Nam. Cả Hà Nội cũng chưa có được một Viện văn hóa của chúng ta. Buổi họp báo được tổ chức tại tư dinh của Đại sứ, một biệt thự nhỏ lịch lãm mang phong cách thời Pháp thuộc, bao quanh là một khu vườn rậm rạp, nằm giữa trung tâm của một thành phố được tô điểm bởi hai khu hồ tuyệt đẹp. Cả ở đây tôi cũng vô cùng ngạc nhiên trước sự phổ biến và mối quan tâm tới ngôn ngữ của chúng ta. Tôi tự hỏi không biết có phải chỉ chúng ta mới là người đánh giá thấp và đối xử tệ bạc với nó hay không khi mà chúng ta để cho những từ tiếng Anh tràn ngập trong đó làm cho nó mất đi vẻ đẹp và khả năng thích ứng một cách thông minh, độc đáo với những vấn đề mới của công nghệ. Người đã xuất bản cuốn sách của tôi như vừa bước ra từ một câu chuyện cổ tích Nhật Bản: câu chuyện về một cặp vợ chồng già khát khao có một đứa con mà không được. Một hôm, khi bổ một trái đào, họ phát hiện ra một chú bé vô cùng xinh đẹp với nụ cười ngây thơ và bí ẩn đang nấp trong đó. Các nhà báo ở đây đều rất trẻ: tất cả đều chỉ khoảng trên dưới 20 tuổi. Họ ghi chép cẩn thận từng lời và đặt những câu hỏi rất thông thái nhưng cũng rất đơn giản và đầy tin tưởng. Trong chuyến đi này tôi đã được đọc một bài viết rất hay của Mary McCarthy về Việt Nam. Đây cũng là một lời buộc tội gay gắt đối với nước Mỹ của cô, bắt nguồn từ một sự phản đối chế độ cộng sản khiến cho nước Mỹ không còn nhìn thấy được sự thật của những điều đơn giản nhất. Rất nhiều phản hồi của cô còn rất mang tính thời sự. Tôi cũng đọc cả nhật trình của Goffredo Parise. Đôi ba điều về Việt Nam, được viết với phong cách giận dữ và đầy tính nhạc. Hà Nội là một thành phố rất lạ, thực sự khác biệt so với những thành phố khác của châu Á. Hầu như không thấy nhà chọc trời. Các ngôi nhà ở đây chỉ lên đến 4 tầng, hẹp ngang và dài khiến ta liên tưởng tới những tấm rèm sân khấu. Người ta nói với tôi rằng lý do của sự vươn lên cao này là ở việc phải trả phí cho mặt tiền rộng nên người ta phải cố vươn lên cao. Tất nhiên là tính sân khấu cổ tích này không ngừng khiến ta ngạc nhiên và tạo ra cho Hà Nội một nét riêng. Giao thông ở đây rất lộn xộn, ai cũng bấm còi liên hồi một cách đầy căng thẳng. Đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng. Đất nước này tự định nghĩa mình là “xã hội chủ nghĩa” và có lẽ là từ chủ nghĩa cộng sản họ đã duy trì được một thói quen làm việc tập thể, thói quen với các nguyên tắc. Có thể thấy ngay đây là một thành phố rất chăm chỉ, họ thức dậy từ lúc bình minh và tiếp tục làm việc cho tới tối muộn. Giữa lòng thành phố vẫn còn rất nhiều những ngôi đền chùa Phật giáo được nhiều người lui tới. Chúng nằm lọt giữa những khu nhà cửa như là một nơi trú ẩn yên tĩnh. Ở đó có những nhà sư sinh sống. Các nhà văn than phiền về hoạt động kiểm duyệt. Tất cả đều phải đi qua những đôi mắt rất kiên định với “nhận thức của Đảng”, một nhận thức mà đáng tiếc là đôi khi quá quan liêu. Tôi tự hỏi không biết có phải chính chủ nghĩa xã hội đã ngăn cản Việt Nam không biến thành một thành phố của nhà chọc trời và các hệ thống ngân hàng, hay đó chỉ là sự chậm trễ của các tổ chức kinh tế. Hy vọng rằng tất cả những cuộc chiến tranh mà họ đã trải qua trong thế kỷ XX sẽ cho họ lòng quả cảm để tiến lên nền dân chủ mà vẫn không đánh mất đi dư vị của một quá khứ hào hùng và sâu sắc. Tình yêu đối với sự thông thái và tư tưởng thống nhất của Hồ Chí Minh khiến người ta hy vọng rất nhiều.
                                                                                           Dacia Maraini


  Trên TV, vẫn đều đều "kiểm điểm và tự kiểm điểm"
  Màn hình sáng trắng lòa nhòa
  Mắt đọc, và lồng ngực nhoi nhói


 
  "Cục ta cục tác... Ò ò í ọ....  Ụt ụt ẹc ẹc... Ột ột ột.. Ộp páaaaaaaaaaaaa..."

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Khẽ khàng bước đi, thầm thì lời nói

   Hồi còn bé, tôi cực kỳ sợ ma (đến giờ thì tiến bộ hơn một chút, không còn cực kỳ sợ, chỉ sợ thôi). Cứ mỗi lần bị xem phim kinh dị kiểu ma quỷ do anh chị thuê băng về là thể nào đêm đấy, có ra hàng hiên đi tè thôi cũng phải hít thật sâu, vừa "giải quyết" vừa đánh ngang liếc dọc, đề phòng mọi hướng. Nỗi sợ hãi về những điều vô hình có lẽ là thứ con người khó lý giải nhất. Và vì không phải ai cũng "nhìn, nghe, chạm" thấy, hay có cảm giác về nó nên lại càng sợ. Nhưng đó, vẫn là một thế giới song song với cuộc sống bộn bề thường nhật này, một mặt khác lặng lẽ tồn tại, và vẫn dõi theo những người, những vật trên dương gian.

  Một ngày gần đây, tôi được đọc một cuốn truyện về "cõi" ấy, về một thế giới khác, nhưng trong một không gian hư ảo mà đầy dung dị. Một không gian của những nét họa trong "Tử bất ngữ" (Zibuyu)

     
 "Tử bất ngữ" là tuyển tập những câu chuyện nhỏ xoay quanh Mạc Ngữ - đứa trẻ với năng lực liên thông giữu nhiều "cõi", hay đúng hơn, cô bé có khả năng cảm nhận một Thế gian thuần khiết nhất, chỉ có quan hệ giữa các linh thể với nhau. Và những mẩu chuyện ấy được tập hợp lại thành một truyền kỳ bất tận về Ẩn giới giữa đời thường. Có thể chỉ là cuộc viếng thăm đến khu nhà cổ luộc tằm se tơ, chợt rung động trước một nhành hoa đẹp, hay thoáng thấy họa phẩm đang được mẹ phục chế, xong mỗi mẩu chuyện con con ấy đọng lại những tâm sự đau đáu và xót xa đầy trong trẻo của đứa trẻ đang dò dẫm từng bước trên con đường đời rộng dài vô hạn.



  Thế giới quan trong Tử bất ngữ thật là đẹp. Thực, hay hư, tỉnh, hay mộng, đều đẹp
  Những "linh thể" đẹp, trường tồn, và cô độc. Vị hoa tiên ví như mĩ nhân say lòng quân tử, ấy mà rồi cũng chẳng thể bên ai. Hay chàng hồ ly tinh quái, nức tiếng thiên giới, xong chẳng thể mãi bên người yêu mến, chỉ lặng lẽ dõi theo mà thôi
  Thiên nhiên thân thiện, tươi đẹp vô giá. Từng nhành hoa ngọn cỏ, cánh rừng trúc đổ lá, vạt nắng chiều tà. Chẳng thể nào phủ nhận, nhưng lại dần bị tàn phá
  Con người cũng đẹp. Người mẹ bảo vệ con. Người thợ cả cần cù. Hay cậu học trò ngốc ngếch. Khi họ chú tâm làm việc, cái "thần" trong họ toát ra một thứ uy dũng vô ngần. Chỉ thế thôi cũng làm mê lòng người. Thần thái ấy, dữ dội, mà mong manh, ngắn ngủi và đẹp đẽ.
 Bạn thích là gì? Thứ nhan sắc vĩnh cửu trong lồng kính, hay rực rỡ như ngọn lửa rồi cháy tàn. Là ở bạn, ở tâm thế của bạn cả

   Tác giả Hạ Đạt chỉ nói rằng, trong tranh có cả một thế giới. Và "Tử bất ngữ" cũng vậy, một thế giới riêng mà hoàn chỉnh với 2 mặt của nó. Nếu có "đẹp", thì sẽ có cả "chưa đẹp". Đó là cách cái vòng quay điên đảo của cuộc sống đang ngốn ngấu lấy tất thảy mọi điều này. Người say vì tiền bạc và danh vọng, đào xới thiên nhiên, phủ nhận quá khứ, dứt cả tình người. Vì vậy mà vạt rừng khi xưa ngày càng bớt xanh, ao hồ thành bãi đá tử thần; và các di chỉ tàn phai, dần chìm vào dĩ vãng. Con người đang phá đi mối tương quan tươi đẹp giữa họ với những "cõi" khác để trở thành kẻ độc tài tham lam vô độ. Và như vậy ắt phải trả giá. Trong khi chỉ cần sống chậm lại một chút thôi, từ tốn, bình tĩnh trông ra xung quanh, ta mới thấy mình bỏ qua những gì. Vạn vật xung quanh không vô tri vô giác. Chúng quan sát, đón nhận, và đánh giá theo cách của riêng mình. Bởi lẽ ấy, hãy sống sao cho đúng mực nhất trên nhân gian vô vàn bí hiểm này. Đôi lúc, chỉ cần khẽ khàng bước đi, thầm thì lời nói. Và vào khoảnh khắc ấy, cả một thế giới mới sẽ mở ra với bạn, nơi bạn tìm ra chốn bình an cho riêng mình

   Bởi cuộc đời không có ngẫu nhiên, chỉ có lẽ tất nhiên. Đừng sống để rồi thấy ngỡ ngàng về chính con đường mình đã đi qua. Rằng đời người, vừa dài, lại vừa ngắn....


 p/s: phần khuyến mãi tranh của Tử bất ngữ. Nét vẽ ảo diệu lắm, xin mời mọi người thưởng thức :D
 (sau cái phần bài lòng vòng ở trên thì xem tranh xả stress nhé) Enjoy

  


 

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Trời trong nắng nhẹ sớm mai hồng. Xúng xính áo quần đi hội sách

 Mắt hoa hết cả lên rồi, sách, ờ sách, lại sách nữa, kia nữa kìa... AAAAAAAAAAAAA, ước chi ta được làm đại gia chỉ một ngày để túm bằng sạch những gì mình muốn, chỉ một hôm nay thôi cũng được 
  Ngoan cố tha lôi máy ảnh đi, nhưng mình biết mà, thể nào cũng chả chụp được cái gì ra hồn tại chỉ chăm chắm lùng sách, rồi bọc này túi nọ, chụp vào mắt :))) thế nên lại quay về "bài cũ": tường thuật :))) (thế đó, giỏi mỗi chống chế thôi)

   Hội chợ sách quốc tế Việt Nam - Nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngành xuất bản - in - phát hành sách

  Hội chợ sách quốc tế kỳ này hoành tráng :D cả quy mô và tiếng tăm. Mình đoán chừng phải có ít nhất 150 gian hàng (có lẽ hơn) với đa dạng chủng loại. Và nhờ đủ cả 3 yếu tố Thiên thời (trời trong xanh thi thoảng nhá nắng) Địa lợi ( Triển lãm Giảng Võ vốn rộng sẵn, lại thuận tiện, mỗi tội đường xá hơi đông) và Nhân hòa (tổ chức tạm ổn, có tiến bộ) nên bạn đọc hưởng ứng nhiệt tình (cũng có thể là ngày khai mạc nên đông đại biểu chăng :))))

  Bài tường thuật này sẽ là hành trình của mềnh, và mềnh thì thích đi lung tung chớ không theo một trật tự cố định nào cả. Mong những bạn có nhã ý đọc qua sẽ không bị chóng mặt. Ố kề bắt đầu thôi



  *  Khu vực chỉ lướt qua: Ngay cánh trái của sân khấu chính là lối vào từ bãi để xe, và đập vào mắt là khu vực nhà sách Thái Hà cùng nhà sách cái gì đó Kim, cũng không nhớ nữa. Tại vị trí cũng vừa phải, mà toàn sách ko hợp gu nên bỏ qua ngay (sách của 2 nhà này là tôn giáo, văn hóa, ngoại văn và kỹ năng, ừm)

 * Đi lùng quầy của Bách Việt, đây là quầy ta quyết phải tìm cho được vì mới biết là đám sách phương Tây của nhà này khoảng 4 năm trước rất hay, nhưng mà ế :D thế nên cơ hội oanh tạc là cao. Sau khoảng 2 phút ngó nghía, tèn ten, nó đã lộ ra, ở gần sân khấu chéo góc với quầy của Alphabook
 Và đúng như dự đoán, có gần đủ hết tất cả các cuốn cần tìm, và off đồng giá :))) 10 ngàn 15 ngàn, 20 ngàn, 30 ngàn (trong khi giá bìa toàn ngất ngưởng) Tìm một lúc, đủ list, hehe, đi tiếp thôi.

 * Ghé "người iu" Nhã Nam, thấy "ẻm" đắt sô quá, rần rần toàn các bạn đọc nhiệt tình, mồ hôi bịn rịn mà sách từng chồng từng chồng, tay lựa bookmark xoèn xoẹt. Mà mới khai mạc chưa nổi 20 phút đã đông thế rồi, thôi tạm chia tay nhau ở đây "em" ạ. Tí nữa quay lại sau nha



* Đi lang thang ra xa trung tâm, và sà vào quầy của Hội Nhà Văn. Đến lúc này thì phải cảm ơn quầy NN vì đã "đông khách sớm" nên đến quầy này trước. Ở đây họ bán sách được nhà phát hành nộp để lưu chiểu, nên giá bán như cho không :(( (Chả hiểu sao, thấy vậy mà không vui cho lắm) tất cả là off 40, 50 thậm chí 60%, kể cả các cuốn vừa ra như Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, hay Ngày trôi về phía cũ... giảm nửa giá. Sách của Trẻ, Nhã Nam do họ lưu chiểu giảm... 40% dù cũng mới toanh (Em làm ơn im đi, Hiệp sĩ không hiện hữu, và một loạt sách thiếu nhi khác) Mình chỉ nhẹ nhàng tha về chùm Tinh hoa vhọc Nhật Bổn gồm 4 cuốn thôi. Hờ hờ. Nhờ quầy này mà chính thức tay xách nách mang, và máy ảnh chỉ còn để làm cảnh

 * Lượn, ra khỏi khu "Nhà phát hành", đến khu "Nhà sách" gồm Fahasa, Xunhabasa, Huy Hoàng và vài nhà nữa chả nhớ tên lắm. Xunhabasa là khu khá vắng (sách ngoại văn mà), nhưng bày biện đẹp, khá khoa học và ra chất Sách nhất khu này. Nhìn thấy vài cuốn hay ghê, off cũng nhiều ghê, cơ mà nghĩ đến việc đọc thì lại lười, nên thôi vậy (Cái bệnh lười kinh niên)




   Fahasa, đây là quầy có đầy tiềm năng để trở thành chỗ bị đọc ké nhiều nhất của hội sách. Thứ nhất, rộng (rộng lắm, ghép cả 4 quầy lại luôn cơ đấy). Thứ 2 là chiết khấu chỉ 10%, thậm chí 5% và có cuốn vẫn bán giá bìa (trong khi cuốn đó ở ngay quầy đối diện off 25%, các bạn tự chọn nhé). Và thứ 3 là mát, vì vị trí đẹp. Nên nườm nượp người vào và ào ào người ra, chỉ có các em bé là vòi mua đồ chơi thôi :D
 Nhà sách Huy Hoàng thì chơi trội, mời nguyên một nhóm chơi nhạc cụ dân tộc (trên Tây Nguyên) để diễn ngay cửa quầy. Ừ thì giả sử ở đó có mấy cuốn như 54 dân tộc Việt Nam, hoặc giả là Các dân tộc miền núi VN đang phát hành thì oke, ko vấn đề. Nhưng chả thấy gì khác ngoài Sức khỏe tuổi mới lớn, Dạy con làm giàu, Kiếp trước em đã chôn cất cho anh... vân vân và mây mây, cộng thêm phần nhạc nhẽo không liên quan nên thôi, bỏ qua luôn. Cảm ơn vì những màu sắc mới lạ mà nhà sách đã mang đến hội chợ!
   Các nhà sách còn lại thì ế và xem chừng cũng không hào hứng cho lắm (Bởi sách của họ lèo tèo, lại toàn tựa mới ra, không cạnh tranh được với nhà phát hành, nên tịt là phải) Pass pass pass

 * Vòng ra quầy Trẻ, tìm mấy cuốn xưa xưa. Và xoạch, kỳ này Trẻ chơi trội mang 100% toàn sách mới ra đến triển lãm (hầu như không có sách cũ). Nổi bật ở giữa quầy là Sông, tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư. Bìa đẹp, nhìn thích, đọc qua vài trang cũng thấy lạ, và còn thấy trong nhóm nhân vật chính có một người trùng tên mình :))) (Tên nghe chói quá nên văn học hiện đại không có ưa dùng :))). Thôi thì hứa là sẽ đọc Sông, xong hôm nay chưa mua nó được. Hẹn gặp lại nhé, Sông
 Trẻ vốn rắn (vì nhiều tựa hay, nên chỉ off 20% thôi, vẫn rần rần người mua) Mình tin là Sông, hay chùm 3 sách mới của Hồ Anh Thái và tiểu thuyết vừa của Y Ban (Trò chơi hủy diệt cảm xúc) của Trẻ sẽ là những tựa hit của hội sách kỳ này


  Fun fact: ra khỏi quầy này thì gặp anh Lục Hương (dịch giả của Nhã Nam, chuyển ngữ các tác phẩm như Mật mã Tây Tạng, Ma thổi đèn, và gần đây là 1Q84) Chắc tại có việc nên anh ấy đào ngũ một lúc :P và chộp luôn, mềnh mang sẵn sách đi chờ anh ấy ký rồi, gặp ở đây hên quá :)). Ký ngay tại trận. Không biết anh ấy nghĩ gì nữa...

* Lùng gian nhi Đồng thối tai :D và năm nay Kim Đồng có một gian rộng rãi, bài trí khá ổn, mỗi tội vị trí hơi xa trung tâm một chút. Bù lại, đội ngũ nhân viên của KĐ bữa nay nhẹ nhàng êm ái hơn hẳn mọi lần. Thế nên có thiện cảm lắm. Túm 2 cuốn thiếu nhi được lên list từ trước để làm quà, off còn một nửa. Gian truyện tranh bị bới tả tơi xơ xác. Về tựa sách thì KD không có gì đột phá, và thực lòng thì quầy của KĐ vắng lắm, vắng hơn hẳn mọi năm. Cũng phải thôi, đây là hội sách mà, chứ giả sử có Comicket thì chết với KĐ :)))
  Bên cạnh khu KĐ là quầy sách tôn giáo, 24/24 luôn bật loa giảng kinh... Hờ

* Ra khu vực triển lãm hình ảnh về sách ở Việt Nam. Có khá nhiều thứ hay, như sách của các thời kỳ trung đại, cận đại (Có sách của thời Lê là nhiều) cả sách bằng lá, bằng thẻ tre...  Rồi cả tủ sách mini, thứ ấn phầm đậm chất thời chiến. Có khu sách của thời Pháp thuộc, rồi thời chống Mĩ. Nói thật, mình không thích việc lúc nào cũng phải lồng vô một cơ số những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta vào bất cứ một sự kiện nào như thế này. Cuốn nào ở khu trưng bày cũng ít nhiều mang màu hồng tung hô ta tài giỏi. Đó là quá khứ đáng tự hào, nhưng lúc nào cũng phô ra thì lại khác. Phản cảm lắm. Không thiếu những ấn phẩm khác của giai đoạn này ít mang màu chính trị hơn, sao cứ bày ra thế...
  À mà có một tập thơ bằng đồngcó tên "30 năm tập tễnh làm thơ" được bày ở đây, dịch ra tiếng Anh, Pháp, Trung luôn, nổi lắm



 Fun fact 2: nhiều em đi qua gian bày Tủ sách mini, rồi "Ồ, à" "Eo ơi bé thế này sao mà đọc được nhỉ?" "Có cho mình cũng chả đọc được". Ồ, đọc được chứ. Đặt vào tâm thế của các em lúc dùng phao ruột mèo ở các kỳ kiểm tra ấy. Bé mấy cũng đọc được. Đọc tốt!

Tủ sách mini nè, nhỏ trong lòng bàn tay luôn
      

 * Lòng vòng ở khu Sách Quốc Tế, 6 quầy cả thảy. Quầy Cuba lèo tèo, như lá trên cây mùa thu
    Quầy Nhật cũng khiêm tốn, xong nhờ có em mèo Ú với vài cuốn tạp chí manga nên cũng vẫn đông người xem
   Quầy Hiệp hội xuất bản Châu Á khá thảm, hình như sách mẫu chưa về kịp nên còn chả đủ hiện vật, người trông quẩy cũng không buồn làm nhiệm vụ luôn
   Quầy Ba Lan nhiều sách dịch, nhưng vắng người xem
   Quầy Vestila tương tự
   Duy có Gian Sách Trung Quốc là lúc nào cũng ồn ào và nườm nượp. To bằng cả 4 gian kể trên cộng lại (không tính gian Nhật, tại ở đầu hồi) Gian TQ áp đảo hết các gian còn lại ở khu Sách Quốc Tế (Mà trích dẫn của một người đi cùng "Toàn các nước XHCN, trừ Nhật). Ý gì?

 * Sau khi đã lòng vòng mỏi chân rồi (gần tiếng rưỡi), quay lại quầy NN để hốt bookmark. Đông hơn cả lúc nãy. Xếp hàng mãi không đến lượt. Chị thu ngân chóng mặt hoa mắt luôn. Rốt cuộc sau nửa tiếng bon chen cũng xong, gom được 6/8 loại :))) Giờ này ở đó là phát Em sẽ đến cùng cơn mưa rồi đấy. Quầy NN giăng đầy thiệp của cuốn này, nhìn như mưa thiệp tình iu luôn, thật là cố tình gây xao xuyến...

Chỉ ở NN, bạn mới có thể được đọc 1 cuốn 2 trong 1 dư lày, 1Q84 trong lòng Một thế giới khác
               
 Gặp nhiều người quen, một người túm mình :D có đồng bọn lượn lung tung buôn linh tinh suốt. Ra quầy Alpha xem Game of thrones tập 1 như thế nào.
  Sau một hồi lướt qua nào là Nông Nghiệp, rồi Bách Khoa, Chính trị, Công an nhân dân, Hài Phòng Đà Nẵng thì mắt mình sang vành, trông đâu cũng toàn sách là sách. 12 giờ kém, nhổ neo trước khi quá tải (vì thèm khát).
   Chiến lợi phẩm là một cơ số cuốn. cho mình và để làm quà, cùng bộ 6 cái kẹp sách. Được rồi, giờ còn vài đồng, có quầy hẹn hôm sách Sài Gòn quay đầu thì lại ghé nhé. Nên xác định là giờ đến cuối tháng là móm. Ai có nhã ý rủ mình đi ăn uống thì thông cảm nha, còn nếu vẫn muốn rủ rê thì phải bao ăn đấy, giờ không còn gì ngoài cái thân ra đâu.



   Lết ra nhà gửi xe với cái túi to khoảng 2 chục "em"
  12h trưa, trời vẫn xanh trong, thỉnh thoảng lại nhá nắng...

  Kết thúc ngày thứ nhất của hội sách quốc tế. Hẹn thứ 5 gặp lại nha


 

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Fullmetal Alchemist - Phiên bản đặc biệt Kanzenban

  Có cơ hội được mời để... tung hê phiên bản xa xỉ quý hiếm này của FMA, âu cũng vui :D và bất ngờ nữa
  Mọi người cùng chiêm ngưỡng em nó nhé, Fullmetal Alchemist phiên bản Kanzenban

                               
 1. Hình thức
 Đã là bản đặc biệt, thì đương nhiên nó phải được chăm chút hình thức hết sức cầu kỳ, cần câu khách của nó mà. Chưa kể Kanzenban là phiên bản xa xỉ dành cho dân sưu tầm gộc, nên nó lại càng đặc biệt
   - Khổ, to oành 15x21 cm, to như một cuốn tiểu thuyết vậy đó, và đương nhiên, dày cộm

   - Bìa: gồm... 3 bìa. Bìa rời có 2 lớp, lớp nhựa đặc dụng và lớp áo như thông thường của các bìa rời khác. Bìa thứ 3 là bìa trong
      Cái bìa này có rất nhiều thứ để nói :D

                       
          Lớp nhựa ngoài đa năng, vừa tiện lại vừa đẹp. Công dụng của nó đã rõ. Các mọt vẫn có xu hướng ép nhựa hoặc bọc cho sách của mình sạch và bền thì cái bìa này đã làm tròn nhiệm vụ của nó rồi: chống bụi và chống thấm rất tốt. Nhưng đáng lưu ý khác, đó là phần nhựa này chỉ có in Tựa của truyện, tên tác giả, số tập trên cả phần gáy... (túm lại, toàn chữ là là chữ), thế nên khi tách phần nhựa bọc này khỏi bìa rời, ta sẽ thấy bìa rời là một bức tranh hoàn chỉnh, không chữ không số, rất chi là đẹp (coi hình để biết thêm chi tiết)
          Bìa áo, mỗi tập là hình của một nhân vật chính hoặc góp phần quan trọng trong series (dự kiến, 18 tập sẽ là 18 nhân vật đó)

                 
          Bìa trong, là toàn bộ các bản nháp và phác thảo của nhân vật được lên bìa chính của Bò-sensei cùng vài cái tán nhảm khác :D. Phần bìa này hơi phồng phồng một chút vì được thiết kế như một túi nhỏ để đựng phụ kiện, quảng cáo và các thứ đính kèm khác mà không đưa lên được obi (đai sách) ở ngoài

           
          Màu của các bìa được tông xuyệt tông với nhau, nhìn sang trọng và hợp lý                                       Tóm lại, phần bìa này là một sự tổng hòa của đẹp + độc + mang tính bảo quản cao
   
   - Giấy: ruột của FMA bản đặc biệt được in 100% bằng giấy couche, mịn và cao cấp, ăn màu nhưng ko lem, rất bền. Và giấy này cũng được dùng xuyên suốt để in toàn bộ các trang màu đầu chương vốn có của series (những trang này luôn đen trắng trong bản thường - Tankoubon và chỉ có in màu trên tạp chí). Lựa chọn khôn ngoan của nhà sản xuất để khỏi phải tính đến tay sách khi in trang màu :P


  2. Nội dung
 Cái ruột có gì khác biệt, thật ra là không. Đơn giản mỗi cuốn này bao gồm 6 chương truyện thay vì 4 như thông thường, nên nó có số trang gấp rưỡi so với bản thông thường mà thôi, chứ về cơ bản không có biến động gì về nội dung cả. Ở mỗi đầu tập có kèm một trang màu đầy đủ của nhân vật ở bìa chính
  À vì vấn đề dàn trang, nên toàn bộ phần tán nhảm và chém gió của Bò-sensei ở cuối các tập sẽ không còn nữa, cả phần truyện 4 khung cũng không còn (hơi tiếc, chắc nó sẽ được in vào một tập nào đó chứ không phải 2 tập mình đang cầm :P) Đọc khúc ấy cười đau cả ruột

  * Phụ kiện và các thứ linh tinh khác: không có gì đáng kể: lịch in màu đi kèm, tờ quảng cáo cho tạp chí, vân vân
   À, tai dư của bản này có kèm toàn bộ các nhóm biểu trưng của các lực lượng tham gia vào trận chiến tranh giành Hòn đá triết gia và tiến đến "Chân lý", như nhóm Quân đội quốc gia, nhóm Luyện Đan thuật của nước Xing, nhóm người Ishval, rồi nhóm Người nhân tạo, và nhóm Chimera bị thí nghiệm... Nhưng tổng hòa lại, tất cả vẫn chịu sự chi phối của Giả kim thuật (Logo con rắn và cây gậy ở chính giữa)

  Thiết kế đẹp, sang trọng. Nhưng tiền nào của nấy,  952 yên, chết thôi. Bạn nào đại gia thì xin mời XD

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

                                          Trời mưa cho thỏa những chuỗi ngày oi bức
                                          Còn ta, ngồi đây, lặng lẽ và thẩn thơ







                                   ĐỂ ANH CẢM NHẬN TÌNH YÊU TRONG EM...

When the rain is blowing in your face
And the whole world is on your case
I could offer you a warm embrace
To make you feel my love
                                                      Khi mà những hạt mưa phả đua vào gương mặt
                                                      Và lúc cả thế giới đều quay lưng lại với anh
                                                      Em chẳng ngại ngần trao anh cái ôm nồng ấm
                                                      Để anh cảm nhận tình yêu trong em.

 When the evening shadows and the stars appear
And there is no one there to dry your tears
I could hold you for a million years
To make you feel my love

                                                      Khi bóng tà dần buông và những vì sao đương lấp ló
                                                      Rồi chẳng còn ai nơi đó lau đi hàng nước mắt cho anh
                                                      Em sẽ dang vòng tay ôm anh cái ôm cả thiên thu
                                                      Để anh cảm nhận tình yêu trong em.            

I know you haven't made your mind up yet
But I would never do you wrong
I've known it from the moment that we met
No doubt in my mind where you belong



                                                      Biết rằng anh vẫn chưa ngã ý mình
                                                      Nhưng em sẽ chẳng bao giờ khiến anh lạc lối
                                                      Em hiểu là thế từ khoảnh khắc đầu ta gặp nhau
                                                 Chẳng chút nghi ngờ hình bóng anh chiếm lấy tâm trí em.

I'd go hungry I'd go black and blue
I'd go crawling down the avenue
No, there's nothing that I wouldn't do
To make you feel my love

                                                       Em khát khao, rồi u ám và sầu thảm
                                                       Cứ vậy lết bước trên đại lộ lê thê
                                                       Không, chẳng gì em sẵn từ nan
                                                       Để anh cảm thấy tình yêu trong em.

The storms are raging on the rolling sea
And on the highway of regret
Though winds of change are throwing wild and free
You ain't seen nothing like me yet

                                                       Bão tố thét gào trên biển cả sóng dậy
                                                       Cả trên đại lộ mang tên Tiếc nuối khôn nguôi
                                                       Dù ngọn gió đổi thay tung hoành hoang dại
                                                       Anh sẽ chẳng gặp ai như em nữa đâu.

I could make you happy make your dreams come true
Nothing that I wouldn't do
Go to the ends of the earth for you
To make you feel my love

                                                       Em sẽ khiến anh hạnh phúc, biến những mộng
                                                       mơ ấy thành sự thật
                                                       Chẳng gì em sẵn từ nan
                                                       Vì anh đi đến cùng trời cuối đất
                                                       Để anh cảm nhận được tình yêu trong em.

                                       Để anh cảm nhận được tình yêu trong em......

 http://mp3.zing.vn/bai-hat/Make-You-Feel-My-Love-Adele/ZWZDWOFE.html   Make you feel my love - Adele

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Rất ngắn

Cho 9 phút cuối cùng của tháng 7

1 tháng với rất nhiều niềm vui, với một chuyến đi dài và với nhiều cảm xúc

1 ngày mệt nhoài, khi thời tiết đỏng đảnh trong rãnh thấp của cơn bão

Sáng, mưa ngút ngàn để bán áo mưa với túi như trẩy hội
Tối, tạnh khô roong rồi người vào mua lẻ đông kinh hoàng

Và đêm, tận hưởng trăng sáng vằng vặc sau cả chuỗi ngày ẩm ương âm u xám xịt

  Còn 3 phút. Tạm biệt tháng 7, và xin chào tháng 8






p/s; một bài viết nhảm cho tháng 7 , không thì lại khập khiễng :D

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Ộp ộp oạp oạp...

Kỷ niệm trên sông nước Ninh Bình

   
          There is a cute froggy, having two big eyes.
          He studies by himself in a pond near bead-trees.
          There're a lot of birds and there're a lot of fishes
          Singing gracefully and laughing crazily
=))))

Nghe quen không? Lời Việt này

          Kìa chú là chú ếch con có hai là hai mắt tròn
          Chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan
          Bao nhiêu chú chim non cùng bao chú cá rô ron
          Cất tiếng hát véo von, cùng nhau thích chí cười giòn

Notes: đôi chỗ dịch lái cho nó dễ hát :P


Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Hỡi ôi, những "trung tâm văn hóa đọc" cho Hà Nội

  Nuôi ước muốn một ngày nào đó sẽ đi lượn hầu hết các nhà sách, mà có tên gọi mĩ miều là Trung tâm văn hóa đọc ở toàn Hà Nội. Và cùng với lúc nhiều việc chán tận cổ xảy đến, thì việc xả ra âu cũng tự nhiên. Bất chấp mưa gió sấm chớp, đội mưa đi cho bõ

  Các nơi được đề cập sẽ theo trình tự đi. Nơi nào không đề cập tới "chiết khấu" có nghĩa đó là nhà sách bán giá bìa

 1/ Cụm nhà sách Tiền Phong (ở Nguyễn Thái Học và Lê Hồng Phong).
  Nói chung là không gian đẹp, rộng rãi, sách khá phong phú, khá cập nhật, xếp cũng gọn gàng, xong không có đầu tư lắm, nhiều chỗ sách xếp chưa được khoa học. Và nhất là quản lý thông tin không tốt, máy tính chỉ để nhập hóa đơn tính tiền chứ ko lưu dữ liệu, tìm sách mệt nghỉ. Điểm trừ khá lớn với một nhà sách được trang bị khá là hoành tráng
  Sách Văn học ở nơi này không được chăm sóc, nên còn một cửa hàng nữa trên Tây Sơn chắc cũng không cần qua. Cũng từa tựa nhau cả.

2/ Nhà sách Đông Tây ở Nguyễn Chí Thanh
    Một nhà sách khá to, nhiều sách và chiết khấu thì... đừng hỏi, cao dã man. Sách cũng nhiều, đa dạng, nhiều cuốn nghiên cứu thú vị mà nhiều nơi khác không có. Tuy nhiên bảo quản sách không được tốt lắm, hơi bị gãy gập
  Điểm cộng lớn là quản lý sách tạm được, sách dễ tìm, dễ đăng ký. Ở đây rất hay có vụ ký gửi sách và ngày Chủ nhật hàng tuần sẽ có vụ "sách đổi sách" giữa các bạn đọc khá thú vị
  Nhân viên đúng mức vừa phải, dễ chịu, có chỉ dẫn tận tình. Khách mua sách tập 2 thì được hỏi ngay, vì nhỡ chót không có tập 1 thì...

  Còn một cái thư viện Đông Tây ở Trần Quý Kiên, và nghe đồn là một cái kho ở Hàng Tre. Sẽ ghé thăm sớm :D

3/ Chùm nhà sách ở gần các trường Đại Học
   Nói chung sách chuyên ngành thì khỏi nói, bày ngay mặt tiền, đẹp lung linh. Tuy nhiên các mảng khác thì nghèo nàn vô cùng. Nhà sách Nguyễn Văn Cừ ở Xuân Thủy, hoặc chùm nhà sách Lao Động trên Giảng Võ chẳng hạn, toàn sách từ những thời Napoleon cởi truồng nào ấy, từ 7, 8 năm trước đổ đi chứ sách mới thì như kiểu tuyệt chủng. Có nhà sách còn nói là không lấy sách của Nhã Nam nữa là đủ hiểu. Bày trí sách xấu, lộn xộn, nhân viên hồn nhiên như cô tiên, khá mệt :I. Tuy nhiên vớ được một của hiếm tuyệt chủng ở Nhà sách Lao động, thật không ngờ :)))

4/ Nhà sách Tri Thức và nhà sách tự chọn
   Tri Thức thì ở Hồ Tùng Mậu. Nhà sách 2 tầng, hơi nhỏ nhưng khá đẹp. Sách bày cũng gọn gàng, cập nhật, đủ mọi mảng. Nhân viên cũng dễ chịu. Nhưng không để lại ấn tượng cho lắm
  Một nhà sách tự chọn khá to khác nằm chéo góc đối diện với cổng Đh Quốc Gia trên đường Xuân Thủy chẳng hạn, sách thì cũng không hẳn là ok nhưng mấy cô thu ngân phổi bò vui phết. Vốn chỉ vào trú mưa, nhưng dừng lại ở chỗ này khá lâu, và còn "đào mộ" được một cuốn không ngờ, Tobie Lolness tập 1 :X quá tuyệt, một món quà 1/6 thú vị cho cái đứa vừa nghỉ học trên lớp đã kêu chán, nhớ bạn nhớ trường. Chúc mừng tết nhi đồng thối tai :)))

5/ Fahasa mới ở Kim Liên mở rộng (Phố Xã Đàn mới)
Fahâsa thì đúng là lấy thịt đè người, sách thì nhiều kinh hoàng, cả 4,5 tầng toàn sách là sách, xong quản lý thì kém vô cùng. Giống như Tiền Phong, cũng quản lý thủ công, sách khách... tự tìm :((( hên xui thì còn, không thì thôi
  Bài trí sách sáng sủa, đẹp. có phân loại xong chưa rõ ràng lắm, vẫn còn nhiều chỗ hơi loạn.
  Tuy nhiên, đúng là nhà sách to thì hàng tồn cũng lắm, và trên hết, toàn của hiếm. Tìm được vài cuốn mà thề, nó đã mất dạng ở các nhà sách từ lâu lắm rồi, Đại gia Gatsby của NN, Phía sau nghi can X, Lão già mê đọc truyện tình, Chuyện dài bất tận... trời ơi là trời. Quản lý sách vậy ư? Lại toàn nằm ở những chỗ khuất nẻo toàn bụi, hic

   Cứ với cái đà sách tồn này, tui sẽ thu xếp thời gian để qua 2 cái Fahâsa còn lại cho coi, hy vọng là sẽ nhiều cái hay ho ở đấy. Một cái ở Hà Đông lận, mệt ghê. Nghe nói trong miền nam Fahasa cũng om sách của các nhà lắm

6/ Nhà sách Sự thật và chùm nhà sách tư nhân
   Các nhà sách này ở Quang Trung và Bà Triệu. Sách nhiều vô số kể, thật có, lậu cũng... có (những tựa nóng), ví dụ như ở cửa hàng Tuyết trên phố Bà Triệu chẳng hạn. Nhà sách Sự Thật toàn tu thư, buồn ngủ dã man, nhân viên toàn ngủ gật. Được cái đối diện là quán bánh mỳ thịt xiên ngon nên nhiều khách... vào xem (như mình thì cũng vào xem vì... chả chọn được gì)

7/ Tổng công ty sách Hà Nội - Tràng Tiền và nhà sách Thăng Long
   Sách nhiều và cập nhật, thể loại phong phú, không gian đẹp, sáng sủa. Nhiêu đấy thôi đủ rồi
   Tìm được một cuốn Murakami - Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới ở đây, hàng hiếm tồn kho :))))
  À mà sách chính trị ở đây hơi bị hoành tá tràng :))))

8/Chùm nhà sách Hà Nội
  Tên thì hay, lại nằm trên phố đẹp, Đinh Tiên Hoàng và Hàng Bài, xong sách thì chán kinh, lộn xộn, thiếu đầu tư, cũ mèm. Hichic

9/Đinh Lễ
 Save the best for last
  Nói chung, Đinh Lễ vẫn là tụ điểm số một cho dân đọc, bởi sự phong phú, đầu tư, cập nhật của sách cũng như các nhân viên khá nhanh nhẹn và nhiệt tình. Tùy vào nhà có không gian đẹp (Lâm, rồi Huy Hoàng, Ngân Nga chẳng hạn)đến chật chội (Như nhà Thanh Tú, favorite của mình, bé xíu), xong lượng sách vẫn cứ choáng ngợp. Nhớ hỏi nhân viên khi mua nhé, vừa nhanh vừa tiện. À quên, chiết khấu bét nhè chè đỗ đen

  Tuy nhiên đội ngũ trông xe ở đây khá quá đáng, thật khó chịu



  Vậy là tạm khép lại hành trình "khai phá" trong những chuỗi ngày mưa gió vừa rồi. Vui phết
  Nhưng nói gì thì nói, các trung tâm văn hóa đọc ngay tại trái tim cả nước vẫn đáng buồn quá. vẫn còn nhiều điểm yếu quá. Haizzzzzzzzzzzzz. Giá mà....


 * Điểm danh một số chỗ chưa đi (và cố gắng sẽ đi): nhà sách của Phương Đông trên phố Trần Huy Liệu (quên béng, đáng ra hôm nay phải đi) rồi chùm Fahâsa Hà Nội còn lại. Cả cà phê sách của Đông tây nữa. Nghe nói chùm nhà sách Phương Nam ở Vincom, rồi nhà sách ở TT chiếu phim quốc gia chẳng hạn, chưa xem kỹ nhưng thấy cùng bình thường thôi. Rồi cả 2 cái nhà sách trên Đường Láng nữa, thấy chỗ này chúa chùm trả sách, khéo lại có nhiều thứ hay ho à nhé

* Fun fact
  -Đô rê mon, Conan, Shin cậu bé bút chì và Chicken soup for our souls là những đầu sách phổ biến nhất, nhà sách nào cũng có, dù ít hay nhiều. À cả Steve Jobs nữa, nhà sách nào cũng có mặt ông cùng "người bạn chí cốt" Bill Gates
  -Nhìn chung các nhà sách đều phân loại sách nhưng không theo một tiêu chí cụ thể nào, khiến bạn đọc kinh hãi
  -Sách bày đẹp nhất luôn là quầy Chính trị và Tôn giáo, to đẹp, hoành tráng và... khá nhiều bụi
  -Sách ngôn tình áp đảo ở dòng văn học dịch, thứ 2 là Chicklit, cuối cùng là các tự truyện
  -Sách của Alpha books được bày phổ rộng nhất, nhà nào cũng có

  Tạm thế đã, khi nào đi nốt mấy nhà sách còn lại sẽ sản xuất ver 2 :))
  Đi ngủ thôi

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Lặt nhặt

Chẳng có chủ đề cụ thể, thôi thì hiện đang sót lại gì trong đầu thì xả ra nốt


*  Bé lợn, lớn bò
Tối hôm qua ngồi xem xong CÁI NÀY thì đầu quay quay, chả biết gì hơn. Sự thật được nhắc tới trong chùm tranh ấy vốn đã hiển hiện từ lâu, lâu lắm rồi, nhức cũng nhức lắm rồi, thế mà sao qua ngòi bút của anh Phong và những người bạn, nó nhẹ nhàng khéo léo hơn bao nhiêu, và cũng lại đau đớn xót xa hơn bấy nhiêu.
   Giáo dục VN thì mãi chỉ toàn cải lùi, đâu thấy tiến nhiều cho lắm. Và với chân dung "cô giáo Thảo" thì điều đó chỉ được tô đậm lên hơn mà thôi. Đó là cái cùm bóp chết biết bao con trẻ ở xứ sở này biết bao năm qua, và giờ vẫn vậy, chưa nhẹ hơn tí nào. Chỉ khi "dáo rục" nước mình dám dạy thẳng, dạy thật, dạy những gì "ngoài lề" hơn một chút, để học sinh được nhìn bằng chính con mắt của mình thì đó mới là GIÁO DỤC con người
  Nhưng thôi, tạm đặt cái đó sang một bên, khi cái "đinh" của chùm tranh vẫn chưa nhắc tới, là cái cận cảnh về người ăn thịt người tại nơi này, ngay xung quanh ta, và theo đúng nghĩa của nó. Cùng là người Việt, nhưng đồng bào ta vẫn thản nhiên, chỉ vì cái lợi nhỏ mà vứt bỏ hết, để rồi chỉ còn toàn những hậu duệ "giật lùi". Tiến làm sao nổi khi nạp vào người biết bao những thứ xyz biến chất và ngấm dần dần, cơ thể sẽ kiệt quệ, bệnh tật rồi phát tác, và cuối cùng, để lại những đứa con, cháu "méo mó". Người mình đấy, trời ơi. Lúc đọc xong câu chuyện lần đầu, tôi chỉ cười "Thế rồi ăn gì giờ?", nhưng càng nghĩ lại càng thấy, đâu chỉ có một mình những cô bán rau, những bác đồ tể ấy. Còn cả hàng trăm những hoạt cảnh tương tự đang xảy ra trên xứ này, gieo vào trong mỗi con người biết bao là những mầm mống đen tối. Và nó vẫn ngang nhiên diễn ra và tồn tại, giống như câu hỏi-cảm-thán đầy "rung cảm" của cô giáo: "Kết luận đâu?". Cái "kết" ấy đang lơ lửng ngay trên đầu, và chỉ chờ thêm những chú lợn 104, 105 vân vân nữa để rơi xuống mà thôi...

    Bé lợn lớn bò. Còn bé mà được "nạp" vào cả cơ thể, trí tuệ và tinh thần những ngần đây thứ thì khi lớn, các em có thành một "thứ" khác âu cũng không lạ. Nhưng thật xót xa

 _____________________________________________________

* Những ngày văn học châu Âu
  Cũng lắm thứ hay ho cho sự kiện này.
  Đêm khai mạc là một đống hổ lốn. Mình thấy thương cho các khách mời được đến phát biểu, những em bé mướt mát mồ hôi chờ để "được" nhận giải, và cả người xem nữa, khi được dự một thứ chương trình thật lộn xộn.
  Nhưng ngày hôm sau mới đáng nói. Ấn tượng của mình được dành cho toàn bộ những khách mời buổi sáng (chiều không đi được, hơi tiếc, nhưng thế cũng tạm đủ rồi)
      Ấn tượng đầu tiên dành cho tác giả Andy Stanton. Gặp chú lần đầu ở chính trụ sở của Nhã Nam, áo phông quần bò giản dị, nụ cười thật tươi, và thật đôn hậu. Nhìn là biết, tác giả sách thiếu nhi :D Và trong buổi giao lưu còn thấy một chút gì hơn thế, một tinh thần sảng khoái đầy nghiêm túc, gần gũi rất đúng mực. Thật thú vị
     Ấn tượng thứ 2 dành cho bác dịch giả Lê Quang. Bác Quang là "cái đinh" của toàn bộ chương trình buổi sáng. Nghe nói buổi chiều, chương trình bác làm việc với cuốn "Tôi là ai, và nếu vậy thì bao nhiêu?" còn hay hơn nữa, và mình tin là thế. Cái cách chuyển ngữ phần thoại của viện trưởng viện Goethe, cái tinh thần cần truyền tải, và cách giao lưu với đọc giả, quả thật gây ấn tượng. Việc gieo niềm tin vào các dịch giả trẻ, khuyến khích họ chấp nhận thử thách (với dự án "Yoko") cũng vô cùng đáng quý. Vũ trang cho bản thân, và hoàn thiện chính mình đi thôi.
   Ấn tượng thứ 3, một lỗi nhỏ dành cho cuốn "Nếu-còn-có-ngày-mai" của Mac-Levy đã trở thành một hiện tượng xuất bản như thế nào =)) theo lời của bác diễn giả chính (hình như tên bác là Nguyên)
   Và cuối cùng một "màn" hài kịch cười ra nước mắt, và cũng thật vô cùng xấu hổ ở phần cuối của mục giao lưu đầu tiên. "Liệu các nước bạn có sẵn sàng mua BQ sách của VN, và mang văn học VN đến với thế giới hay không?". Xin lỗi, trơ trẽn nó vừa thôi. Cứ giữ lấy cái tinh thần "tự ái dân tộc" ấy để mà tự sướng bản thân đi. Chúng ta là ai mà dám cất giọng điệu bề trên như vậy? Biết mình biết người thì hơn. Và ngay sau đấy, cũng thật đã đời làm sao khi viện trưởng viện Goethe đã "tát" trả lại một phát đích đáng cho cái câu hỏi dở người đó. Hãy hành động đi. Hãy tự cứu lấy mình, chứ đừng trông chờ, vậy thôi.

   Phần giao lưu thứ 2, nói chung là tẻ nhạt. Mình cảm thấy một cái nhìn thúc giục từ phía chủ tọa rằng "Hãy đặt câu hỏi cho chúng tôi đi!" nhưng tiếc quá, phần diễn giải không đủ thuyết phục đến vậy. Khuyến khích người trẻ viết ư? Nhiều cách lắm, thế nhưng mà vẫn cứ những "dáo rục" giống như của cô giáo Thảo ở "Bé lợn lớn bò" ấy thì sao viết cho nổi, khi tri thức và sự quan sát cứ dần dần héo mòn.

   Một chương trình có nhiều người giỏi, nhưng cách tổ chức thật đáng buồn. Mất điểm quá.

__________________________________________________

*  Sách cho em gái

Hiện giờ mình đang khuyến khích cho con em Mèo đọc sách. Chương trình thì từ lâu rồi, nhưng giờ mới làm mạnh tay :D Dù phải dung hòa cả truyện tranh và sách cho đỡ quá tải, nhưng cũng vui lắm. Nó đọc cũng vào dạng tốt, nhưng ko mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình. Giờ lại chuẩn bị 1/6 rồi đấy. Chết thôi, phải kiếm thêm nước cho những mầm xanh...

    
  Mà bữa vừa rồi phải đấu tranh tư tưởng "kiểm duyệt" lại cuốn Nhóc Mikô tập 14 mà muốn điên người. Giờ mới biết định hướng cẩn thận quan trọng như thế nào. Đừng quá muộn, nhưng cũng đừng ép chín sớm. Cố lên thôi

___________________________________________________

* Viết

  Blog lảm nhàm này được nhiều bài phết rồi :">
  Cái cảm giác viết theo ý mình, thích gì viết nấy, vừa vui lại vừa ngài ngại. Vui vì được giải tỏa và chia sẻ, nhưng ngại khi, biết đâu đấy, đã để những người khác "nhìn thấy" mình. Nhưng so ra cho cùng, vui vẫn là hơn ^_^ Ta vẫn là ta mà
  Còn một cái hẹn cho một bài viết, ý tưởng có đó, nhưng diễn đạt rỗng tuếch. Thôi lại vứt vào nháp rồi tính sau

                                                                     Một trưa mưa gió, tháng 5/2012

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Không gian đọc của mẹ

"Này, cuốn Thiên táng hay quá nhỉ. Đêm qua mẹ ngồi thức đến hơn 1h đêm để đọc đấy, mãi bố mày giục tắt đèn ngủ thì mới thôi. Sáng sớm dậy... đọc tiếp"

  Tôi sững người lại. Tai hơi ù đi, và thấy chút gì rạn vỡ. Chỉ còn phần sau câu chuyện của mẹ lọt vào đầu một cách không chủ đích.

"Sao thế, không thích mẹ sờ vào giá đồ quý của mày à?"
"Có vài cuốn cùng dòng đấy nữa đó mẹ à, trên đó có Hảo nữ Trung Hoa, bữa nào thích mẹ cứ đọc nhé. Cũng hay lắm. Con xin phép."


                              MẸ - Khúc ca của trái tim con

   Ngẫm lại mới thấy, cách đọc sách của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều từ mẹ. Các bác vẫn kể rằng hồi nhỏ, cả nhà rặt toàn trẻ lít nhít thì 2 đứa em gái út ít luôn ham đọc. Từ những cuốn truyện cổ tích trên lớp, rồi Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử của các ông anh. Và rồi lớn lên thì thích văn học các kiểu, từ Tố tâm, Mẫn và tôi của Việt Nam, rồi Jên Erơ, Cuốn theo chiều gió, Bá tước Mông tơ crits tô của phương Tây và nhiều nhiều nữa . Đặc biệt, mẹ tôi còn bị dị ứng với tiểu thuyết diễm tình Sài Gòn trong khi khối thiếu nữ mơ mộng chết mê chết mệt với nó. "Cái thứ hồng sến chảy nước", mẹ vẫn thỉnh thoảng đá một cái :"> (Có lẽ vì vậy mà mình bị di truyền, có chết cũng không đọc được một cuốn Ngôn tình Trung Quốc cho nổi, và Mac Levy, rồi Musso cũng chỉ đọc một lần rồi thôi) Nhưng mọi thứ ít nhiều cũng thay đổi, con người khi lăn lộn với cuộc sống thì thời gian dành cho thú vui và đam mê của riêng mình cũng giảm đi. Mẹ cũng không ngoại lệ. Kiếm sống và chăm lo thu vén cho gia đình, giờ niềm vui đọc của mẹ chỉ dừng lại ở những tờ báo hàng ngày, Hà Nội tin chiều, An ninh, và gần đây là Đang yêu. Tuyệt nhiên những cuốn sách không còn chiếm những khoảng không quanh mẹ nữa. Và tôi, thấy mẹ cũng đủ vất vả nên không muốn mẹ phải thêm mỏi mắt hoặc bận mình vào sách vở. Đáng buốn thay, cái "lấn cấn" ấy cứ lớn dần, lớn dần lên thành một cái cớ để đến lúc dù có kho sách cho riêng mình, tôi cũng không chia sẻ chúng nhiều cho mẹ. Tôi khư khư bảo thủ quan điểm đó của mình, cho đến khi giật mình nhận ra mình đã sai như thế nào. Niềm ham thích với việc đọc của mẹ vẫn chẳng hề giảm...

Ảnh trên mạng thôi, không phải mẹ đâu ^^

 Đúng vậy, đam mê đó vẫn chưa hề nguội lạnh. Thi thoảng, mẹ lại lôi vài cuốn sách cũ ra đọc lại, trong đó có Thiên Táng, rồi kể về những thứ có liên quan. "Cách mạng văn hóa TQ kinh hoàng lắm, thời ấy dân khổ và "nghèo" đến thảm thương, con người chẳng thể khá lên nổi. Việt Nam mình cũng chỉ dẫm vào những vết xe đổ, thậm chí còn đào sâu hơn", "Hồi xem Mê Kông ký sự, nhà của người dân Tây Tạng y hệt những gì cô Hân Nhiên kể lại, từ những mái lều vươn lên giữa thảo nguyên gào gió, rồi lối sống tự cấp tự túc, món gì cũng có sữa ngựa... và những con người ở đó mộ đạo đến đáng kinh ngạc. Họ, dù nhỏ bé trước thiên nhiên, nhưng vẫn sống, và yêu cuộc sống của mình". Tôi chỉ lặng nghe. Và thầm nghĩ, "Giá mà... Sớm được chút nào hay chút ấy. Quỹ đọc của mẹ..." Dù dòng chảy của cát thời gian khiến cơ thể ta chậm chạp đi, đôi mắt không còn được tinh nhanh, và những khoảnh khắc rảnh rỗi càng hiếm hoi vô cùng thì những niềm đam mê vẫn còn đó, dù ít hay nhiều, vẫn chờ để được cháy. Và trong mẹ, ngọn lửa dành cho sách vẫn chưa hề lụi tàn. Giờ tôi mới thấm được phần nào điều ấy.
   Con cái thành đạt là niềm hạnh phúc của bậc làm cha, làm mẹ.  Nhưng đôi lúc, chỉ chăm chắm vào con đường "thành đạt" mà ta quên đi người đã hướng chúng ta đến đó cùng những  hy sinh mà, có lẽ ta chẳng thể biết được hết. Tôi cũng vậy, cũng vô tình không để ý. Một trong những thứ nuôi dưỡng tình yêu với sách bút của tôi là bắt nguồn từ "tủ sách" của mẹ. Nó đã hao mòn và già cỗi đi, dù ít dù nhiều, đã đến lúc bù đắp lại nó. Giờ, có lẽ tôi sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ. Sẽ sắp xếp việc nhà gọn gàng hơn nữa. Sẽ đầu tư cho những cuốn sách mà mẹ quan tâm. Và quan trọng nhất, đó là cố gắng để dành ra đó những khoảnh khắc thư giãn. Bắt đầu từ đó, sẽ là một "Không gian đọc của mẹ". Muộn còn hơn không. Dù luôn tuôn chảy, nhưng những hạt cát vẫn đọng lại  trong đồng hồ đó thôi.

  .... Đồng hồ vẫn lặng lẽ "Tick tick tick tick tick...."
  Còn gần 23h nữa là đến Ngày của Mẹ.

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Chẳng bao giờ là muộn để sống hết mình.

  Định bụng cai sách Nhật trong một thời gian, chỉ đọc manga, thế rồi lại... sa chân, ầy
  Nhưng chủ định cũng thoải mái là chọn một cuốn nhẹ nhàng cho ngày nghỉ. Và rồi, sau những giờ tản bộ trên đường giữa những luống lá khô rụng lả tả trong nắng hạ, tôi lại nhấc cuốn sách này khỏi giá, nhẹ nhàng đúng như cái tên của nó, Mùa thu của cây dương

  


  Câu chuyện kể về quãng thời gian của Chiaki và mẹ cô bé sau sự ra đi của người cha. Ông mất quá đột ngột. Đó là nỗi mất mát khôn tả cho thành viên còn lại trong gia đình, mẹ và Chiaki. Hai mẹ con rong ruổi khắp nơi trên những chuyến tàu điện và cự tuyệt thế giới xung quanh cho đến khi họ tìm thấy trang viên Cây Dương, nơi phủ một tấm áo vàng ấm tình người. Nơi đó có một cô gái kỳ quặc, tưng tửng nhưng đầy sự quan tâm ( đôi lúc còn là hơi quá) . Có ông bác lái taxi đã li dị, cùng một đứa con trai thật dễ mến. Và nhất là sự hiện diện của bà chủ quán trọ, bà cụ già móm mém mặt hõm sâu đến mức được gọi bằng biệt danh là "thủy thủ Popeye, nhưng là người xấu"... Đó là những dòng hoài niệm trong tâm tưởng Chiaki khi cô, giờ đã là một y tá 27 tuổi, trở về Trang viên cây dương viếng một đám tang. Và trong hành trình nặng nề ấy, một điều bất ngờ đã đến với cô, một bí mật mà cô không bao giờ ngờ tới.

                   ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ 
        
       Cuốn sách có nội dung và thông điệp không quá mới lạ, cũng những câu chuyện về gia đình, về cái chết và về cuộc đời những  người sống - tư tưởng quen thuộc trong vh Nhật Bản đương đại. Nhưng nó giản dị và ấm áp lắm, gần gũi thân thuộc lắm. Để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, đó là cách tác giả gợi lên ý nghĩa của việc VIẾT đối với những giai đoạn khó khăn của con người. Tôi bắt gặp không biết bao lần thông điệp này ở những cuốn sách khác, như trong " THIÊN TÁNG " , ghi chép đã được nhắc tới như một cứu cánh của con người trong những hành trình gian nan bất tận. Rồi ở "Không gì là mãi mãi" việc viết Nhật ký đã trở thành sức mạnh, thành niềm tin để bà mẹ vượt qua nỗi đau mất mát tột cùng khi để "thất lạc" cô con gái nhỏ. "Mùa thu của cây dương" cũng nhắc tới điều ấy, qua câu chuyện của những bức thư được gởi tới thế giới người đã khuất. Chiaki đã bắt đầu sử dụng "dịch vụ" viết thư này để vượt qua quãng thời gian khủng hoảng của mình. Cô bé viết, viết liên tục, hầu như hàng ngày, bắt đầu bằng một vài dòng thật ngắn. Và rồi, những lá thư bắt đầu dài ra, nhiều chuyện hơn, và cũng thưa thớt dần đi. Những cánh thư ấy không chỉ đơn thuần giải tỏa những bức bối, đau thương mà còn đang xoa dịu vết thương của con thú còn non ấy. Và rồi, những lá thư được chuyển thành các con chữ được lưu vào tim cô bé với tên gọi "Kỷ niệm"...  Ý tôi không nói rằng "Khi bị tổn thương, mất mát, hãy viết". Viết chỉ là một trong những cách để con người vượt qua bản thân trong quá khứ đớn đau. Nhưng sức mạnh của việc Viết lách là không thể phủ nhận. Như trong trường hợp này, những là thư gởi đến người đã khuất quả thật đã làm tròn nhiệm vụ của nó. Người ta viết, sẽ tuôn vào đó biết bao những tâm sự, những dự định, những ước muốn. Tất cả chỉ để cho thỏa nỗi nhớ và ghìm nén cảm giác đau thương đang quặn thắt, cào xé. "Nỗi nhớ" dường như là một "chứng bệnh" trầm khan chẳng thế cứu vãn nổi của loài người. Càng nhớ, lại càng đau. Càng đau lại càng không thể quên. Có lẽ bằng việc Viết, ta được xoa dịu và dần dần nước thời gian sẽ chữa lành những vết thương (dù chẳng thể nhanh chóng và triệt để. Ít nhiều cũng sẽ có sẹo ở lại đó) Để đến một lúc nào đó ta thấy "Đủ rồi, đau thương vậy là đủ rồi". Và ta, những con người đang sống sẽ lại cất bước. Bản thân cái Blog lảm nhảm này cũng vốn được hình thành từ những khoảng thời gian chả lấy gì làm đẹp đẽ của tôi, nhưng nó, đúng như tên gọi, Niềm vui viết lách, nó đã khiến tôi vui. Là vậy đó. Tôi yêu vô cùng thông điệp này khi được nhắn gửi thật dõng dạc trong suốt cuốn sách. Thật vô cùng đáng quý !

                     
Còn điều mà tôi coi đó là cốt lõi của cuốn sách này, đã nằm ngay trong tên của nó. Mùa thu của cây dương - là lúc cây dương đẹp nhất, và cũng chuẩn bị trút sạch lá để trải qua mùa đông rét mướt. Hình ảnh ấy trước nhất luôn gợi cho tôi nỗi buồn về mất mát. Cả cuốn sách này, ta bắt gặp không ít những con người đã gánh chịu nỗi đau khi người thân ra đi. Trước nỗi đau ấy, kẻ lạc lối tìm về ký ức; kẻ quỵ ngã, kẻ chạy trốn... Nhưng sau mất mát, điều quan trọng nhất là phải đứng dậy và đối mặt. Sức mạnh của con người được thể hiện ở điều ấy. Con người ai rồi cũng sẽ dần trải qua từng thời khắc, từng mùa xuân, hạ, rồi thu của riêng mình. Suốt dọc chiều dài ấy, điều ta phải nếm trải cũng chẳng hề ít, đủ tất thảy mọi thứ trên đường đời. Nhưng cõi đời mỗi người có hạn mà thôi, và thứ trôi qua sẽ chẳng thế lấy lại. Đừng để rồi ta phải thốt lên "Lúc ấy mình vẫn còn trẻ...". Chẳng bao giờ là muộn, là phi lý để sống hết mình. Ta đang là chính ta, sao lại phải vùi lấp bản thân? Dù có đang dừng lại ở điểm nào trên dòng chảy cuộc sống, dù có đang đắm mình trong sắc xuân phơi phới, tung tăng giữa nắng hè rực rỡ, hay cất bước buổi chiều thu u tàn, hãy cố gắng như cây dương, trong chốc lát có lẽ sẽ trụi lá tả tơi, nhưng luôn huy hoàng vàng rực, tuyệt đẹp hết mình để khi lìa cành chìm mình vào mặt đất cũng thật nhẹ nhàng thanh thản. Và biết đâu đấy, từ những mùn đất của lá vàng, khi xuân sang sẽ lấp ló những chùm lộc non xanh...

         
             
  link hình ảnh  Populus - Chi Dương. Wikipedia. and more

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Hà Nội vắng những dòng người

   22h. Bình thường tầm này 3 tháng trước là phố Hàng Giấy nhà mình nhộn nhịp lắm đây. Tấp nập người ra vào, ăn uống xôm không tả nổi, đến mức khoảng nửa đêm xe an ninh của phường còn phải đi dẹp cho yên. Trẻ con người già cũng nô nức đi chơi
   Nhưng khoảng hơn tháng nay, không khí đã thực sự thay đổi. Hà Nội, cả ngày và đêm đều vắng đến ngỡ ngàng. Có cảm tưởng như chỉ cần tránh giờ tan tầm, ta có thể gặp lại một khoảng không gian tĩnh lặng không ngờ. Ngay giờ phút này, hàng quán đang thu vén dọn dẹp. Những quán nướng, quán lẩu tậm tịt chẳng nổi mống khách. Các hàng ăn nức tiếng cũng chỉ đông vừa phải. Ngoài đường, xe máy cũng ít tiếng còi, chỉ lẳng lặng đi đi về về. Những dòng xích lô du lịch ào ào ngày nào, nay trả xe về bãi nghỉ sớm. Sáng đi học, phố phường phẳng lặng chẳng tiếng người. Cảm tưởng như đây là Hà Nội của những năm 90, có chăng mang thêm cái vỏ quy hoạch xây dựng hổ lốn của Thăng Long nghìn năm mà thôi. Chỉ tiếc rằng, nhìn cảnh tượng tĩnh mịch ấy, tôi lại chẳng thấy thư thái, thanh thản. Quãng lặng ấy không đượm vẻ yên bình. Đó là biểu hiện của sự tuột dốc, của một cơn khủng hoảng đang vùng lên dưới cái vỏ bọc của những kẻ đang cố ngủ yên.

   Mấy bữa nay đi học, giảng viên đều ngán ngẩm về cái sự thất nghiệp của tân kỹ sư, thạc sĩ. "Chắc còn phải kéo dài vài năm các em ạ. Khó khăn quá!" Xây dựng chết sững, bất động sản đóng băng, các công trình chậm tiến độ...  Không chỉ xây dựng, tất cả đều đang chìm dần xuống một cách trầm trọng khi mà những "món nợ đen" đang cứ to to mãi lên phủ bóng xuống cả đất nước. Bảo sao chẳng trầm khi dân chẳng còn gì mà tiêu. Thấy cái không khí yên lặng ngoài kia chỉ rặc những u ám suy tàn... Còn 1 năm là bị vứt ra ngoài đời. Rồi mình sẽ thành một cái khỉ gì đây? Chẳng lẽ cứ lẳng lặng cất bước hòa mình vào giữa những con phố vắng dòng người này hay sao...

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Tết sách... tết ở trong lòng

23/4, tết Sách lại đến. Hội chợ thì nhiều cái cả hay lẫn dở, nhưng đã là "con đọc khát sách" thì nên đi :)))))
    Hành trang gọn gàng hết sức có thể, túi đeo nhiều ngăn và túi giấy để đựng sách (hạn chế tối đa nylon), cố gắng chọn chỗ để ví cho chắc (hội chợ là "cơ hội vàng" để bị thó đồ) và.... thẻ sinh viên để giảm phí vào Văn Miếu ;)

                                            Sách và bản quyền
Phần một: Thu hoạch.
Chủ trương  là đi cho biết, mua là phụ, cố gắng kiếm cái gì lạ lạ, hoặc hàng tồn kho. Chuyến này kiếm sách thiếu nhi cho con em và một vài thứ cho người quen nữa
   Bản thân thì túm được cho mình 2 cuốn, Tuyển tập các bài dự thi viết thư UPU (nghe quen không :">) và Trên bãi biển Chesil (cuốn này bị mất tích). Với bản thân, viết thư UPU cũng để lại một vài ấn tượng tốt về cái thời viết văn có cảm xúc chứ không rặt thuộc lòng và đối phó như những năm cấp 3. Vẫn nhớ bài viết thư "Gửi một người thân nơi xa" được lưu ở file của cô Vân, và bài "Hãy viết thư gửi một nhân vật cổ tích để giúp thế giới chống lại nạn khủng bố" :D  Viết thì ngây ngô nhưng nhớ lắm, vì có lẽ cái gì được viết ra thật thì cũng ở trong mình lâu hơn.

  Tóm được "hàng" lưu thông, là vài cuốn Chuyện tào lao của Nguyễn Ngọc Thuần - nhà văn thiếu nhi rất thú vị và lạ lẫm. Chuyện tào lao là sáng tác mới nhất của chú ra đời sau khi... lên xe hoa :"> , và cũng là truyện dài dành cho người lớn đầu tiên của Nguyễn Ngọc Thuần được xuất bản. Cuốn này là "hàng tuyệt chủng" ở Đinh Lễ, nhưng đáng buồn là do nó bán chậm quá nên bị hồi về nơi phát hành :((( (chứ không giống như các cuốn sách thiếu nhi của chú là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, hay Một thiên nằm mộng)
 Ngoài ra, còn sách thiếu nhi như Mio con trai ta (trời, cuốn này vẫn còn), The polar express (minh họa tranh tuyệt đẹp); rồi Nhật ký vùng tâm chấn (6 ngày kinh hoàng ở Sendai) - cuốn sách ghi lại thảm họa động đất sóng thần ở Nhật vào tháng 3 năm ngoái - trong hồi tưởng của các du học sinh VN, rồi cuốn Hoa đạo ( híc sách tham khảo) và Chuyến xe buýt màu xanh (hờ, bị ép mua :))))
  Chốt lại, đi cũng vui, tìm được vài thứ hay ho, và hội không bị nhạt nhẽo lắm (dù tổ chức khá tệ và lộn xộn)

 Phần hai: các gian hàng sách
   Các gian hàng năm nay thú vị, nhiều kiểu, tốt có, dở cũng đủ cả

  Ở góc khuất sát cạnh sân khấu chính về phía bên phải là một không gian cực yên tĩnh, nó có lẽ luôn thế và sẽ mãi thé. Đấy cũng là gian hàng mình ở lại lâu nhất. gian của Văn nghệ Quân đội. Ở đó có những cuốn hay, có lẽ cả nhà đều sẽ thích chứ không riêng mình mình, như Tuyển tập các tác phẩm đăng 1957-2000 (hic, cái cuốn cực cực hiếm), rồi Con người Việt Nam năm 75 (có một bác cầm cuốn này xúc động lắm, nhưng khi biết rằng sách không bán mà chỉ trưng bày thì bác tỏ ra buồn thê thảm), và Tình yêu nơi đáy ba lô :">, rồi tuyển tập Thư tình thời chiến :D.... nhiều nhiều nữa, và hầu như chỉ... trưng bày chứ không bán :( hic. Nhưng chắc nhìn thấy cặp mắt đói khát của mình nên chị trông quầy đã thương tình cho mình một gợi ý là một cái card hẹn đến Thư viện của tòa soạn Văn nghệ Quân đội để xem sách nếu thích :D hê hê

 Gian hàng gây chú ý nhất là Thái Hà books, huy động rầm rập toàn bộ quân đoàn từ đội ngũ biên tập, phụ trách cho đến bán hàng, cả một quân đoàn rực rỡ toàn da cam (logo Thái Hà màu cam) và thậm chí cả một em nhỏ vẽ tranh cổ động riêng cho Thái Hà nữa, cực hoành tráng. Quầy sách này nhiệt tình, nhiệt tình đến mức khó hiểu. Vào quầy, vô tình sờ đến một cuốn sách tôn giáo, ngay sau quầy chị chủ đã gọi, "kìa Thanh, khách chọn sách Tôn giáo kìa, giới thiệu đi". Cười lại để từ chối, lách sang quầy văn học, lại thêm một màn liên thanh khác :(. Đến lúc mình méo xệch miệng "Cứ để cho em tự nhiên" thì mới được tạm yên, gáy thì nóng bừng do vô số ánh mắt xuyên tâm tiễn :*(   Thế đành nhặt một cuốn có vẻ hay, với cái bìa trông cũng đẹp mang tên Chuyến xe buýt màu xanh rồi chuồn. Ngại thật đấy

  Nhã Nam vốn là quầy yêu thích của mình, nên lượn đi lượn lại ở đó cũng nhiều, có lẽ nhiều nhất. Ngồi hóng là chính :)) và gặp kha khá người quen ở quầy này. Mọt sách dễ gặp nhau thật

  Ngoài ra, các quầy khác cũng có, nhưng không đặc sắc lắm, như Kim Đồng, rồi Trẻ, Đinh Tỵ, Chính trị quốc gia và các nhà sách bán đủ thứ từ thiếu nhi đến người lớn.Kim Đồng là khu vực bán hàng... phản cảm nhất với một nhân viên luôn miệng "Mua sách đi các em, các bác, sách giảm giá 50% đấy ạ" không ngớt. Như là mổ trâu mổ bò vậy.

 Tổng quan cả lễ hội  cũng lộn xộn một chút, nhưng không gian thoải mái và không xô bồ

Phần ba: Chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật
 Chủ định là xuất phát muộn một chút để tránh phần diễn văn dài dòng khi khai mạc, chỉ cập bến lúc bắt đầu hội chợ và chương trình văn hóa thôi, và so ra thì cũng may khi quyết định như vậy. Lúc vào sân khấu chính thì cũng là lúc phần khai mạc kết thúc bằng màn thả các chùm bóng treo băng rôn cổ động. Và, không biết có phải do cố tình hay không, mà tất cả 4 chùm bóng (vô hình chung tượng trưng cho Sách, Văn hóa đọc ở VN, Bản quyền, và chính Lễ hội) đều... không cất cánh thành công :">. Điềm gì đó, ai mà biết ;) Chùm bay ngang, chùm bay giật lùi, và chùm... đứng yên chẳng nhúc nhích. Nhưng có lẽ chúng không cất cánh bay cao cũng vì phần băng rôn treo buộc nặng quá. Nặng thế bay sao nổi :P

   Các chương trình văn hóa văn nghệ cũng có một số cái vui, như màn diễn trích đoạn Sát thủ online (hừm, cứ tưởng bở là được gặp Sát thủ mưng mủ chứ, hóa ra...) diễn viên thì hào hứng và diễn đạt phết, nhưng tiếc là sân khấu không tốt nên hạn chế nhiều. Rồi tiết mục ngâm thơ, các diễn giả bị sự cố âm thanh nên đọc lên gân quá, nghe mất chất "thơ" vốn có. Có bài thơ còn "thơ" tới mức thô không tả nổi. Đáng ra nhà tổ chức nên cân nhắc hơn khi không gian sân khấu còn rất nhiều các em nhỏ tới dự, và phần "thơ thô" đó đáng ra không nên có, nó rất phản cảm


  Phần xếp sách nghệ thuật năm nay thua năm ngoái, không có gì đặc biệt lắm, ngoài một nhà sách là NXB Chính trị xếp được sách trọn vẹn hình logo của mình

   Chương trình như năm ngoái là các em nhỏ vẽ minh họa về các nhân vật trong sách và thi đấu. Thấy các bé vẽ cũng hăng lắm nhưng lại không diễn giải nổi tranh nên cũng cảm thấy hơi buồn. Ôi  thủ tục và hình thức, biết bao giờ mới tiến bộ đây.

11h hơn, ngồi nghỉ và nghe một ông cụ râu trắng phơ kể chuyện cho các cháu về việc đọc ngày xưa. Ngày xưa ấy sao mà xa lạ quá. Thật đáng tiếc. Tết sách, tâm thái để đọc, có lẽ chỉ lớn lên khi được nuôi dưỡng từ tận tâm mà thôi.


                                                
  11h30, tha chiến lợi phẩm về nhà. Cuốc bộ. Thời tiết đẹp đến lạ. Trời xanh dịu đầy mây, thi thoảng lại nhá nắng...

                        Kết thúc ngày thứ nhất của tết sách và lễ hội văn hóa đọc.