Trang

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Chiều ngày hai mươi tháng mười một

    Ừ thì cũng như mọi chiều, Mèo già lại phóng xe đi em Mèo tan học và đón nó vào hồi 17h ở lớp bán trú, một căn nhà 3 tầng nằm ngoắt ngoéo trong một cái ngõ bắc qua cái kênh đen xì bốc mùi 24/24 thông từ Thụy Khê lên Hoàng Hoa Thám. Có khác chăng, đó là chiều 20/11, lớp tan muộn hơn xíu vì các bé ở lại liên hoan, và đông hơn xíu vì các bác phụ huynh đến sớm sủa đầy đủ, chuẩn bị những bó hoa tươi tươi và những túi quà to to.  Lớp tan muộn, nên cái dòng xe ngày một dài ra, dài ra, dài ra mãi, và Mèo già thì phải đỗ xe ngay trước cổng sắt của một nhà ai đó. Nhìn quanh quất kiếm con em. Có độc một mình nó mặt non non, cưỡi con Dream chiến 1 sọt 2 xẻng, mặc đồ thể thao chân đi sục cao su hơi lôi thôi giữa một dòng các cô các bác vận đồ lịch sự hương nước hoa thoang thoảng. Và đúng lúc ấy, thoáng một ánh nhìn từ phía bên hướng về nó. "Chết, chắc để vướng xe ở cổng nhà người ta rồi", Mèo già luống cuống về số và lùi lại. Một bác lớn tuổi cười và lách qua dòng xe, đi về phía cổng sắt và mở cửa. Xong, bác không vào mà đứng đó, nhìn hướng về phía đám đông ồn ã, nhìn vào 3,4 cái xe cũng đang chắn trước cửa nhà mình, rồi nhìn Mèo già và cất tiếng:
  - Vất vả cháu nhỉ?
  - Dạ.
  - Chắc đón em gái hả? (câu hỏi buột ra sau một lướt mắt nhanh từ đầu đến đuôi của Mèo già)
  - *cười cười* Vâng. Hôm nay tan muộn quá nên tắc đường quá.
  - Lại còn đúng ngày nữa chứ
  -  *Nó chỉ nhìn và cười khẽ*
  - Đón vất vả một, thì mấy đứa bé trong kia vất vả 10. Khổ lắm. Phụ huynh đến đón thôi chứ không được chứng kiến cái cảnh chúng nó rồng rắn về lớp bán trú đâu
  - ...
  - Thì đấy, nối nối nhau, tay kéo tay tha cái cặp nặng như đá đeo rồi chui vào cái lớp chật như lỗ mũi. Chân tay cứ khùng khoằng thế này này
  -  Cháu cũng nghe em nó kể rồi
  - Giáo dục thế này thì hỏng, phải sửa lại hết thôi, mà nhất là sửa "Người Thầy" ấy
  -  *đã quay ra nhìn thẳng vào bác*  Thầy là phải chịu trách nhiệm cao hơn bác nhỉ
  -  Ừ, giống như trồng rau ấy. Phải tạo điều kiện  cho rau ra "chợ" mà được đón nhận ấy. Chứ không phải cứ duy trì một không gian đều đều nhau, rau muốn mọc thế nào thì mọc, cắt xong đem chợ bán. Không bán được thì vứt làm phân bón...
  -  Cả một loạt toàn "Hệ thống hóa" vậy mà bác. Lứa chúng cháu đã cố đổi khác rồi, nhưng cải tiến không thấy, toàn lùi
  -  Cứ thế này mãi sao được, chỉ mong thế hệ sau, mấy đứa trẻ các cháu cải thiện lại, ít nhất là giáo dục cho bọn trẻ thôi
  - Bọn cháu cũng mong lắm chứ. Nhưng chỉ tiếc là giờ các bác lớn lớn lại chẳng bao giờ cho cơ hội thôi
 -  Các bác lớn lớn cũng có nhiều kiểu lắm. Có kiểu sống chết cũng không buông bỏ, bảo thủ và không quan sát, không nghĩ cho tương lai của người trẻ. Có kiểu cũng cương quyết không buông bỏ, nhưng không buông bỏ việc tin vào những người trẻ; họ già rồi, chả cần tiền, chả sợ chết, chả ngại nói, chỉ sợ không còn sức để nói mà thôi. Mà 2 cái kiểu già này lại kình nhau ra mặt, thế mới hay chứ
 - *cười to* Dạ
 -  Người trẻ, hiểu biết nhiều lắm chứ, sức lực dồi dào lắm chứ. Nhưng còn thiếu nhiều, thiếu kinh nghiệm, thiếu "mùi đời",  thiếu tiền và bị ràng buộc nhiều nữa. Vậy, những người trẻ hãy tìm những người già mà không buông bỏ tương lai để trò chuyện nhé
 Lúc ấy, Mèo già lẽn cười, rồi chợt nhìn thấy em nó. Nó giơ tay lên vẫy vẫy
Em nó chạy đến

- Ờ 2 anh em giống nhau nhỉ
- Chào bác đi em
- Cháu chào bác
- Ừ
- Thôi cháu xin phép về đây ạ
- Lùi cẩn thận, phía sau có xe xuống dốc đấy
- Vâng, không sao đâu bác

Rồi nó đạp số, vặn tay ga và phi đi. Ở phía sau, cánh cửa sắt đã khép lại. Xung quanh nó, là rất nhiều những chiếc xe đỗ ở 2 bên ngõ. Phía trong lớp, các bác phụ huynh đang nô nức đi vào, tiến về phía bàn giáo viên

Nhập nhoạng.
Chiều ngày hai mươi tháng mười một.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Những nghĩ nhỏ, trước, trong, và sau một cơn bão (rất) to

       Hồi còn bé tôi từng được xem một bộ phim hành động giả tưởng, đại loại là 1 gia đình gặp phải nạn vòi rồng và mất đi người mẹ. Một thời gian sau, người cha và con gái cùng nhau nghiên cứu và chế tạo một cỗ máy có khả năng phân tích được năng lượng của gió xoáy, từ đó triệt tiêu được chúng. Duy chỉ có một điều là phải tiến đến gần chúng để đổ vào lòng lốc xoáy một loạt các vi camera nhằm báo và vẽ lại hình dạng của xoáy lốc. Và đúng lúc ấy một cơn bão lớn kèm vòi rồng đổ bộ. Cả 2 lên đường chiến đấu với nó... Phim nói thật, cũng chẳng hay lắm, hơi điêu là đằng khác. Diễn xuất không có gì đặc biệt, chả đọng lại nhiều. Duy chỉ có cái này là được tô đậm, một suy nghĩ của bản thân: Liệu có đáng để liều cả tính mạng chỉ vì một nghiên cứu như vậy không? Xem chừng, khoa học như vậy còn cực đoan là đằng khác.
Và sau một cơ số năm chứng kiến hết cơn bão này đến cơn bão khác đổ bộ vào Việt Nam, cũng như Philippines hay Nhật Bản... thì tôi lại mong sao cái sự "liều mình cực đoan" kia tái xuất và thành công trên một phương diện nào đó. Chứng kiến những đống đổ nát sau bão Hải Yến lại càng xoáy đậm vào mong ước ấy, cũng như tô đậm thêm một chuyện, hồi bé mình đã dốt dại như thế nào
 *Thông tin thêm, là hiện tại trên thế giới vẫn tồn tại những người được gọi là Thợ săn bão - Storm hunter. Cứ có bão, bất kể to, nhỏ, là họ lên đường, chụp ảnh, quan sát, tiếp cận. Và biết đâu, sau đó, một loại máy với vi camera sẽ được chế tạo để triệt hạ gió xoáy thì sao*

------------------------------------------------------------------

     Hôm nay là 10/11. Chiều CN của một Hà Nội trước thềm bão. Chả hiểu sao bọn trẻ con vẫn phải đi học thêm :(( dẫn theo hậu quả là phụ huynh vẫn đi đưa đón. Em Mèo nhà mình, lại còn được ưu tiên học ở ven hồ Tây :)))  3h30 chiều đi đón, trời xám xì, gió tung người. Đón nó về xong trông như chim sẻ gặp bão, xám ngoét, tung tóe :))) Một cảm giác rất yo-zuyên (not yo-most) :))

------------------------------------------------------------------

    "Nghỉ học đeeeeeeeeeeeeee"
Lại nói đến vụ đón đưa chiều vừa qua. Lúc đến sớm khoảng 5 phút, nhiều đứa trẻ hò hét, "Bão đê, để còn nghỉ họcccccccccc". Nghĩ vừa tức lại vừa tội. Chúng nó còn hồn nhiên quá, như mình vậy, và cũng vô tâm quá, như mình luôn. Mà em Mèo nhà mình cũng rứa rứa, chờ bão để báo nghỉ học. "Tại cặp sách thứ 2 nặng lắm". Nghe tội chưa T___T . Chúc mừng bộ Giáo Dục vì đã xây dựng được một khung chương trình đào tạo khiến học sinh... chỉ muốn nghỉ học, thậm chí là nghỉ vì bão cũng được. Thế đó
  *thông tin thêm là Mèo nhà mình đã an lòng quấn chăn ngủ kĩ khi nghe thông báo nghỉ thứ 2. Mình tin, có những em không vui mừng lặng lẽ như thế. Chúng nó còn chả nhảy tưng tưng lên í chứ*

-------------------------------------------------------------------

Những "kỉ lục"
Năm 2006 đón nhận một con số "kỉ lục" khi có tổng cộng 17 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam.
Năm 2013 sẽ đón nhật một "kỉ lục" khác, cơn bão lớn nhất đổ bộ vào biển Việt Nam
Mong sao năm 2013 sẽ không phá vỡ "kỉ lục" của 2006
Và sau này sẽ không có năm nào 2 "kỉ lục" kể trên được phá vỡ nữa

-------------------------------------------------------------------

Hàng quán sau bão
Nghe hao hao bài viết "Phố sau bão" nhỉ :))) Thật ra là khác. May thay bão đã qua nhanh hơn dự kiến, và nhỏ hơn dự kiến. Nhưng các quán xá thì được một phen hú hồn nên tối thứ 2 rồi vắng lặng. Vốn đã chuẩn bị nghỉ tránh bão từ CN nên hầu như quán xá chẳng bày bán gì, và chẳng có gì
Lâu lắm rồi, HN mới chìm vào một tối tĩnh yên như thế, dù hôm đó là đầu tuần

------------------------------------------------------------------

Gieo gì gặt nấy
Bão (hay theo nghĩa rộng là Dông tố) là hình thức thời tiết cực đoan được sinh ra khi có sự giao thoa nhiễu loạn của 2 hoặc nhiều các hoàn lưu không khí khác chiều. Nói đơn giản hơn, đó là sự giải phóng năng lượng sau những bất ổn của môi trường. Hay, đó là cách Môi trường lấy lại sự cân bằng cho chính nó. Môi trường càng nhiễu động, bão lại càng nhiều và càng lớn. Cũng phải nói đi nói lại, con người lấy gì từ Thiên Nhiên, thì Thiên Nhiên sẽ đáp trả như vậy. Và suy cho cùng, ai phải khuất phục ai?
Sau những thảm họa tự nhiên, chỉ còn lại các đống đổ nát
Rồi từ đống đổ nát, con người lại khai thác
Những đô thị lại mọc lên
Và thảm họa tái diện
Quay vòng
Quay vòng
Quay mãi
...


*bài viết cóp nhặt trong các ngày từ 9 đến 12/11/2013, trước, trong, và sau khi bão Hải Yến đổ bộ vào biển Đông và các tỉnh đông bắc bộ*