Trang

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Cơ-duyên

 

   Hôm nay tôi vừa tha lôi về nhà 2 bộ truyện tranh cũ xì. Đúng, cũ xì, gãy bìa, bọc băng dính, dập ghim, lại còn dán nhãn của hàng thuê truyện với chi chít những con số được gạch ngang gạch dọc ở trang cuối nữa. Không phải vì tôi là người dễ tính khi chọn mua truyện tranh. Không hề. Lúc lựa truyện mới, tôi cũng kỹ lắm đấy ^^. Cũng chẳng phải bởi 2 bộ truyện ấy là đồ cổ quý hiếm gì đâu. Giá trị quy ra hiện kim của chúng cũng nho nhỏ thôi. Nhưng chúng, là những đồ vật kỷ niệm, là đánh dấu cho một nơi chốn kỳ lạ gắn trong tôi 2 chữ: Cơ – duyên

  Quay trở lại hồi học cấp 2, lúc ấy truyện tranh không hề thân thuộc với tôi. Khi bạn bè phát sốt phát rét với bán yêu Inu Yasha, cười khằng khặc cùng Ninja loạn thị, khóc mủi khóc giải cùng Nữ hoàng Ai Cập… rồi nhiều nhiều nữa, thì tôi vẫn chỉ đơn thuần đọc Đô rê mon tại nhà, 1 tuần góp tiền 1 lần mua Conan, và vẽ thuê bài Mỹ thuật với phí là 1 cuốn Kotaro (tình yêu đầu đời đấy). Thế giới những nhân vật trong truyện tranh thực sự xa lạ với tôi vô cùng. Lên cấp 3, cùng với lượng bài vở đồ sộ ụp xuống trong 2 học kỳ thì 3 tháng nghỉ hè quả là quý giá. Đơn thuần xác định rằng hè lên 12 sẽ bị vùi dập học thêm học nếm, vậy nên hè năm lên lớp 11 sẽ là thời gian của tôi. Tôi sẽ làm những gì mình thích. Thoải mái, và hết mình. Đó cũng thực sự là một thời khắc đáng nhớ của 22 năm non trẻ đã trôi qua ấy

  “Tao muốn đọc truyện tranh mày ạ. Có gì tư vấn đi, xung quanh nhà tao chẳng có cái tiệm truyện nào ra hồn hết”
  “Tao thì hay thuê ở hàng này này, hơi xa một tí nhưng nhiều truyện lắm. Giá cả cũng mềm”
  “Ờ, hơi xa thật, để tao xem thử”
  “Ừ…”
Một trưa đầu tháng 6, tôi có mặt ở số 4 Tuệ Tĩnh, một cửa hàng nhỏ ngồn ngộn cơ man nào truyện là truyện. Truyện cũ, truyện mới, tạp chí, tiểu thuyết, truyện chưởng… cái gì cũng có. Mỗi tựa có đến 3,4 bộ lận, nhiều ơi là nhiều. Và thế là sau một hồi váng ngất chọn tới chọn lui, cuối cùng tôi cũng tha 1 bộ về. Nếu không nhầm thì là “Black Cat – Thám tử mèo đen”. Đó cũng là lần đầu tôi tự đi thuê 1 thứ gì đấy, tự chọn lựa, tự đặt cọc, và tự đứng tên mình. Từ ấy, ngày nào cũng như ngày nào, tôi đạp xe mỗi ngày 5,6 km chỉ để thuê truyện. Đạp như điên, đọc như dại. Truyện cũ vơi dần rồi, tôi xơi đến truyện mới. Mà truyện mới thì phải đến sớm “cạnh tranh” thì mới có mà đọc. Thế là lịch đi thuê dày lên, ngày 2 lần, 1 lần sáng sớm đi “đua” tựa mới, một lần buổi trưa để lựa thêm truyện cũ mình chưa đọc và trả truyện mới ra. Cứ thế như thoi đưa. Cửa hàng dần nhẵn mặt đến mức cứ thấy là đưa truyện ra, thế mới vui. Hè năm ấy mắt tôi chắc chắn lên đi-ốp, 2 cánh tay và bàn chân đen xì rám nắng, và chắc số km con mini cà tàng của tôi bon bon mặt đường lên đến hàng trăm…

  Có một kỷ niệm vui nho nhỏ tôi vẫn nhớ mãi, là trong guồng đọc quay cuồng ấy, tôi bị gián đoạn mất độ 1 tuần “nhịn” bất đắc dĩ. Nguyên nhân á, bị “tái” thủy đậu. Tức là bị lây của con em Minh Mèo (dù hồi xưa đã bị rồi). Thật ra tình hình bệnh cũng chả có gì ghê gớm lắm đâu. Nhưng đúng hôm bị lây thì tôi vẫn đang cầm truyện, cả chục cuốn. Xót tiền thuê nếu bị lố ngày trả, tôi đội nắng đến tiệm cho xong. Trả hết truyện, về, ai dè đi bêu nắng kết hợp thế là bùng sốt, người nóng bừng bừng, các vết mẩn lan ra rộng khắp. Thôi rồi, bệt. Thế là vạ vật ở nhà. Chả biết tiết kiệm được mấy đồng tiền thuê truyện, xong tiền thuốc bù vào thì gấp đôi gấp ba :)))). Đúng là, tiếc con gà quạ tha mà. Thình thoảng mấy anh chị em vẫn ngồi kể lại vụ ấy với nhau, về mấy con quái vật "đốm xanh" vì bôi thuốc và cười rúc ra rúc rích.

  Thế rồi sau mùa hè ấy, đùng một cái, số 4 Tuệ Tĩnh biến thành 1 trung tâm giao dịch bất động sản. Tôi ngỡ ngàng. Sau một thời gian nghỉ không thuê thiếc truyện trò để chuẩn bị bài vở năm học mới, tôi không còn thấy bất cứ một dấu vết gì của cửa hàng ấy nữa. Một cái bàng thông báo cũng không. Buồn mất mấy bữa. Và cái “duyên” lại bắt đầu từ ấy. Vô tình trong số những bạn cùng lớp của tôi có 1 đứa là khách ruột của tiệm truyện (không phải đứa tư vấn tôi đâu) Và nhờ thế mà biết được, chủ cửa hàng đã chuyển về làm tại nhà riêng sau một tranh chấp gì đó. Nhà cô chú nằm ở ngõ Huế, cách đấy không xa. Sự nghiệp lóc cóc đạp xe thuê truyện của tôi lại tiếp tục ^^

    Đến thì lại ngỡ ngàng một lần nữa. Tiệm vắng hoe. Truyện vẫn nhiều nhưng khách giảm hẳn. Và những nhân viên cũng nghỉ gần hết, chỉ còn là 1,2 người và cô chú chủ hàng. Đến giờ, tôi vẫn nhớ chú Thắng chủ tiệm nói rằng: “Lúc này mà còn tìm được ra đây là thành khách hàng thân thiết rồi đấy”. Tôi chỉ cười xòa. Mà đúng là chỉ còn khách thân thiết thật, truyện bày ê hề mãi mới bị thuê hết. Cuốn sổ hồi xưa vài tuần thay lần, giờ thì cô chú cứ ghi hoài ghi mãi, giỏi thì ngày/tờ. Tiệm truyện đông vui là thế mà… Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi, một đứa khách thực sự vãng lai, đến với cửa tiệm ấy chỉ một mùa hè, đã lại trở thành khách “ruột”. Suốt các năm sau ấy, tôi vẫn thuê ở chỗ chú Thắng. Không ra nhiều, nhưng đều đặn. Ở đó tôi thành con buôn chúa chổm với chị Vân bếu, với anh Sơn “tạ”, rồi cô Trâm, chị Trang, nhóc Huy và vài người nữa… Cứ gặp nhau là thành cái chợ vỡ
:)))). Gặp nhau là tranh luận, là đá xoáy, là kể lể, rồi chém gió thành bão loạn hết cả lên. Tiệm truyện nhỏ ấy dần trở nên đặc biệt hơn. Nó không chỉ còn là 1 tiệm cho thuê nữa. Có một cái gì đó thật vui vẻ, ấm áp và chân tình

   Thấm thoắt cũng hơn 7 năm kể từ mùa hè ấy. Một quãng thời gian không phải là ngắn. Ngần ấy thời gian, cách đọc của tôi cũng thay đổi nhiều. Truyện tranh trong nước cũng biến động không ngừng. Không, đúng hơn là cái gì cũng biến chuyển theo dòng chảy khôn lường ấy. Và hơn tất thảy, mọi thứ đều trờ nên khó khăn hơn. Tiệm cho thuê truyện cũng không nằm ngoại lệ khi phải cạnh tranh với truyện online và giá cả đắt đỏ. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Cách đây 1 tháng, tôi nhận tin từ chị Vân là cô chú quyết định nghỉ và thanh lý cửa hàng. "Mấy đứa muốn lấy bộ nào thì tranh thủ đi". Tôi cũng đề nghị mấy anh chị em có một buổi “tập kết” nhỏ, chọn truyện để làm lễ “bai bai” với cửa tiệm truyện của cô chú. Đó là một buổi chiểu ấm áp sát rằm tháng Giêng. Cửa hàng truyện của chú Thắng chính thức "giải thể"…

  Chuyện hơi dài nhỉ. Tôi cũng chẳng hiểu mình đã gõ ra những gì nữa. Sau buổi lễ “bai bai” ấy tôi cũng quay lại chọn truyện, được 2 bộ. Cũ xì, chi chít những dấu tích của không biết bao con mọt truyện, và tha nó về nhà. Hiện chúng đã nằm yên trong kho, trên giá truyện của tôi. Chẳng biết bao giờ mới có thời gian đọc chúng nữa. Nhưng chúng sẽ vẫn nằm ở đấy, vẫn hiện diện ở đấy, để nhắc tôi về một mùa hè đã xa; về một không gian nay đã không còn nữa; về những con người đổi khác; và về một cơ-duyên kỳ lạ đã dẫn tôi đến với thế giới của truyện tranh, của những nét vẽ và khung thoại, của một thứ "hồn trên giấy". Để từ ấy, tôi có cơ hội đến những không gian mới, có những cuộc gặp gỡ mới, và thấy những cánh cửa đang chờ người gõ ngỏ
  Cái chữ “duyên”, quả thật là không bao giờ hết lạ kỳ
  Cảm ơn, vì một cơ – duyên

 HN, một đêm cuối tháng 3/2013

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Hồn của hình thể

Toàn bộ dàn đèn sụp tắt
Và trong sân khấu đen đặc ấy, những chuyển động nhá dần lên...




  Suốt một giờ rưỡi đồng hồ sau đó, đôi mắt tôi hầu như không dời khỏi khối hình thể trên sân khấu. Đi từ ngỡ ngàng, kinh ngạc, thán phục và giờ là ngẩn ngơ. Biết bao những bóng hình, âm thanh và ánh sáng ấy vẫn như đang quay quay ngay trước mắt. Buổi biểu diễn ấy mang tên "Time of mime - Thời khắc kịch câm", là một one-man show. Và quả thực sân khấu ấy còn quá nhỏ bé dù chỉ có một nghệ sĩ duy nhất - Iimuro Naoki.

   Một nghệ sĩ có thể gọi là giỏi khi mang khán giả vào được thế giới của họ. Nhưng nghệ sĩ kiệt xuất, họ tạo ra thế giới bao bọc lấy chính khán giả. Hơn cả một không gian quyến rũ mời gọi những đôi mắt đang dõi theo, họ khiến những người thưởng thức hít thở trực tiếp không khí nghệ thuật của mình, để mọi cảm xúc được hòa nhập và bùng lên hết sức tự nhiên. Đó là điều tôi cảm nhận thấy sau khi buổi diễn kết thúc. Tôi vừa được đắm mình trong thế giới hình thể của kịch câm.

  "Time of mime" khiến cho 2 con ngươi cận lòi của tôi mỏi rã rời. Mọi cử chỉ nhỏ, từng ánh nhìn đều tinh tế và gợi cảm khôn tả. Một tay cowboy hiếu chiến đọ súng tay đôi với con ruồi lắm chuyện. Tên săn châu báu gặp hạn. Hay, đơn giản là một chú ếch đang đi trọn vòng đời của mình. Bao câu chuyện tưởng chừng lặt nhặt ấy được tái hiện trọn vẹn trên sân khấu, sinh động, thuyết phục đầy sâu sắc với duy chỉ một dáng hỉnh nhỏ nhắn bừng sáng trước sàn diễn. Mỗi vở diễn nhỏ của Iimuro Naoki đều có nhiều lớp. Trước nhất là thứ ngôn ngữ hình thể tinh vi, chính xác đến vô cùng. Chính nhờ tính "thực" trong biểu cảm và chuyển động nên từng câu chuyện trở nên đơn giản, gần gũi và cuốn hút. Nhưng ẩn sau mỗi chuyện nhỏ ấy lại là những tầng sâu khác, là những lời dặn dò chân tình mà kín đáo; một nụ cười kháy thật là duyên; và những vòng luân hồi bất tận giữa dòng chảy ào ạt của cuộc sống. "Hands" (Đôi bàn tay) và vở extra không rõ tên ở cuối (mà tôi tạm gọi là Vòng đời) chính là 2 phân đoạn tôi thích nhất. Cả 2 tô thật là đậm cái thần "kịch câm" trong người nghệ sĩ. Để rồi khi toàn bộ ánh đèn sân khấu lại phụt tắt, thì "Thời khắc kịch câm" đã hoàn thiện. Như một ly nước mát trọn trong một ngụm. Khoan khoái, vừa đủ, và để lại bao dư vị mát dịu ngọt ngào

 Giờ đây những dư vị hình thể vẫn đang âm vang đâu đó. Và rồi thứ không gian ấy như khai mở một điều gì đó thật mới mẻ, đầy sức nặng. Mọi thứ đều có những thời khắc của riêng mình. Ngay lúc này, bao phủ lấy tâm trí tôi, là thời khắc của kịch câm

  Thời khắc mang tên "Hồn của hình thể"




 P/s: trước mắt, vài hôm tới có lẽ mình sẽ có triệu chứng huơ huơ tay trong không khí quá. Giống một đôi bàn tay lướt đi trên sân khấu ;)


                        


                                

Một sáng đông quang đãng

     Nói sao nhỉ, nhận được thông báo Nhã Nam tổ chức event tọa đàm về tác giả Haruki Murakami thì hớn hở lắm, lại còn ở JF nữa chứ. Nhưng lúc biết cái tên của event là "Thế giới trong gương của Murakami" thì giật nẩy. Thôi xong, chắc chắn sẽ là đàm thoại về ông cùng chùm tác phẩm viết theo lối Parallel worlds rồi, và hẳn là cũng bàn không ít về 1Q84, tác phẩm mới nhất của Murakami được xuất bản tại Việt Nam. Mình tội đồ lắm, vì mới đọc hết một số ít trong các cuốn đóng mác Murakami ở VN, chưa kể cuốn "thế giới song song" duy nhất xơi được lại là Kafka. Nữa, 1Q84 mua về để đó không đọc. Thế thì đến tọa đàm làm chi? Nhưng với một loạt tên diễn giả tại đó, thì cái máu tham lại nổi lên... Và kết quả là vẫn đi, đi vì các diễn giả (cố gượng lừa bản thân một tí)

  Sáng nay trời lại như chiều lòng người, quang đãng, sáng sủa, thiếu mỗi điều trong veo không một gợn mây, trong như gương (để khớp với tên Tọa đàm) mà thôi. Không gian tổ chức không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc là một buổi tọa đàm mở nên hơi bị... rét run, vậy thôi. Hơn 2 tiếng ngoài trời nghe, nghe và nghe...



    */ Tại sao lại là "Thế giới trong gương"?
   
      Chủ điểm thì đã rõ. Không gian văn chương của Murakami rõ ràng là một thế giới trong gương.  Gương, phản chiếu lại chân thực những gì soi rọi vào nó và tạo ra một khoảng không khác, y hệt gốc, cả xấu cả đẹp cả sáng cả tối đều hiện ra rõ cả. Người đứng ngoài nhìn thấy rõ những gì trong gương, nhưng không thể với tay chạm vào nó, không thể tác động vào ảnh hình ấy trừ khi đập chính cái gương đi. Văn Murakami cũng vậy, chân thực nhưng đầy phiêu ảo, như ảnh trong gương, phản ánh nhiều mặt của con người theo một chuẩn mực viết riêng của tác giả. Đọc giả chỉ là người "quan sát", chứ không thể tác động

   Gương, tạo ra một thế giới song song. Và đây cũng là đề tài/quan điểm xuất hiện thường xuyên trong các cuốn sách của Murakami

  Gương, phản ánh lại đầy đủ chân dung người đứng trước nó. Đó cũng là mong muốn của H.Murakami cũng như những tác giả khác, để tác phẩm của mình "người" hơn tất thảy, đề dành cho mọi cá thể người, và để Hướng Thiện (như lời của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng)

 Đó là cách để đọc giả có thể tìm thấy phần nào của mình trong thế giới văn chương Murakami

  */ Kết quả của vụ "Đi vì diễn giả" :">
 Thường thì các Tọa đàm của NN gần đây luôn mời bác Nguyên đầu bạc làm chủ tọa, nên thôi mình xin bỏ qua bác vậy, mình quen với phong cách của bác lắm rồi. Mục đích hóng chính là từ 3 diễn giả còn lại
    Và người mình thấy thích nhất là dịch giả Lương Việt Dzũng. Một phần vì giọng nói sáng với dung lượng vừa phải, phần nữa là cách nói chuyện của anh có mang cho mình một chút "cảm giác Nhật Bản" ở trong đó. Phong thái khá ung dung, và nội dung truyền tải vừa phải, gần gũi
    Những diễn giả còn lại cũng rất thú vị. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng thì hoàn toàn bất ngờ, vì chú hoàn toàn khác những gì mình được nghe kể từ trước. Bình tĩnh, thoải mái, tự tin. Nhưng vốn vẫn có cảm giác chú Đăng là người hướng nội nên có một chút khoảng cách vô hình nào đó
    Cuối cùng là nhà nghiên cứu Trần Tố Loan, người nghiên cứu về văn chương Murakami. Ngoài một dung lượng thông tin khá nhiều thì mình không ấn tượng về chị lắm
    Thương nhất có lẽ là diễn giả bất đắc dĩ - dịch giả Lục Hương của 1Q84. Anh bị chủ tọa chộp bất ngờ và trả lời lúng túng nhìn thương lắm ấy. Mình đứng ngay cánh ở chỗ anh trả lời mà, trông anh hoang mang tột độ... hic
    Ngoài ra còn phần các cử tọa ở dưới nữa, với phần phát biểu của một nhà nghiên cứu (hình như tên bác là Bắc, xin lỗi mình không nhớ). Phần đó quá dài, lan man và tham lam nên mình thấy hơi nhảm. Nó chẳng đọng lại gì trong đầu mình cả ngoài một mớ lùng nhùng. Có lẽ điều quan trọng nhất trong một buổi tọa đàm mở là có thể kéo toàn bộ các cử tọa lại tham dự, nhưng tiếc là phần phát biểu này thật xa lạ.

*/ Có gì thú vị?
     Thật ra bàn về tác giả Murakami cùng tác phẩm của ông thì, đúng như các diễn giả nói, vài ngày cũng chẳng hết. Và những điều mình nghe được cũng không có gì quá đặc biệt. Vẫn là "một Murakami phá cách nhưng đầy tiêu biểu cho nền văn chương hậu hiện đại", "tính dục trong các tác phẩm của Murakami", "Murakami và cuộc chiến với văn học truyền thống Nhật Bản". (Mình thì vốn không phải quan tâm đâu, mà chỉ nghe và đọc ké thôi, hiện trong album cuộc thi viết của Nhã Nam vẫn còn một bài về Tính dục trong văn Murakami, mọi người có thể ghé đọc chi tiết hơn)
       Nhưng có gì thú vị không? Có chứ. Càng về cuối lại càng có nhiều thứ hay ho
  - Bản dịch tiếng Anh cho các tác phẩm nước ngoài, đặc biệt là để hướng vào thị trường Mỹ là những bản dịch tùy tiện nhất. Họ "Hướng đích", nhiều hơn là "Hướng nguồn". Các tác phẩm của Murakami cũng không ngoại lệ, và thường vẫn có một sự cắt gọt ít nhiều nào đó (đương nhiên là còn phải thông qua agency của ông). Trong khi đó bản dịch tiếng Pháp, hay Đức thì bám nguồn hơn, trung thành hơn (Ví dụ từ câu chuyện của dịch giả Cao Đăng về một chi tiết trong "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo", dịch từ bản Tiếng Đức của bác Lê Quang)
  - Câu chuyện về một lần gặp gỡ của anh Dũng với tác giả tại văn phòng của ông ở Tokyo. Theo lời kể thì tác giả Murakami là người không giỏi giao tiếp lắm, ông không thấy thoải mái khi nói chuyện với người lạ. Và ông là người rất xem trọng ngoại hình của mình, chính vì thế mà toàn bộ hình ảnh trong buổi gặp gỡ đều được Agency của Murakami đề nghị không công khai. Ông cũng là người không mặn mà với giới truyền thông hay xuất bản, nhưng lại rất thoải mái khi gặp các dịch giả (một chi tiết nhỏ rất thú vị ^^)
 - Cơ hội để các đọc giả VN gặp mặt và xin chữ ký của ông hầu như là... không còn vì Murakami bày tỏ ý muốn, nếu có cơ hội ghé thăm VN, ông sẽ đến với tư cách một khách du lịch, nghỉ ngơi 100% và sẽ không mảy may một chút gì gọi là công việc trong quãng thời gian đó :(. Hic
 - Ekip cùng làm việc biên tập cho 1Q84 bản Việt khá khổng lồ. Các dịch giả và biên tập viên vất vả quá (trong khi đứa như mình mua sách về chưa đọc, tội đồ)

 Hơn 2 tiếng tọa đàm cũng có những điều hay. Xong không khí thì trầm, có lẽ do trời rét và gió quá. Và phần "hóng" diễn giả của mình xem như cũng thành công. Đúng là một sáng đông quang đãng mà ^^ Mong là mọi sự đều thuận lợi