Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Hỡi ôi, những "trung tâm văn hóa đọc" cho Hà Nội

  Nuôi ước muốn một ngày nào đó sẽ đi lượn hầu hết các nhà sách, mà có tên gọi mĩ miều là Trung tâm văn hóa đọc ở toàn Hà Nội. Và cùng với lúc nhiều việc chán tận cổ xảy đến, thì việc xả ra âu cũng tự nhiên. Bất chấp mưa gió sấm chớp, đội mưa đi cho bõ

  Các nơi được đề cập sẽ theo trình tự đi. Nơi nào không đề cập tới "chiết khấu" có nghĩa đó là nhà sách bán giá bìa

 1/ Cụm nhà sách Tiền Phong (ở Nguyễn Thái Học và Lê Hồng Phong).
  Nói chung là không gian đẹp, rộng rãi, sách khá phong phú, khá cập nhật, xếp cũng gọn gàng, xong không có đầu tư lắm, nhiều chỗ sách xếp chưa được khoa học. Và nhất là quản lý thông tin không tốt, máy tính chỉ để nhập hóa đơn tính tiền chứ ko lưu dữ liệu, tìm sách mệt nghỉ. Điểm trừ khá lớn với một nhà sách được trang bị khá là hoành tráng
  Sách Văn học ở nơi này không được chăm sóc, nên còn một cửa hàng nữa trên Tây Sơn chắc cũng không cần qua. Cũng từa tựa nhau cả.

2/ Nhà sách Đông Tây ở Nguyễn Chí Thanh
    Một nhà sách khá to, nhiều sách và chiết khấu thì... đừng hỏi, cao dã man. Sách cũng nhiều, đa dạng, nhiều cuốn nghiên cứu thú vị mà nhiều nơi khác không có. Tuy nhiên bảo quản sách không được tốt lắm, hơi bị gãy gập
  Điểm cộng lớn là quản lý sách tạm được, sách dễ tìm, dễ đăng ký. Ở đây rất hay có vụ ký gửi sách và ngày Chủ nhật hàng tuần sẽ có vụ "sách đổi sách" giữa các bạn đọc khá thú vị
  Nhân viên đúng mức vừa phải, dễ chịu, có chỉ dẫn tận tình. Khách mua sách tập 2 thì được hỏi ngay, vì nhỡ chót không có tập 1 thì...

  Còn một cái thư viện Đông Tây ở Trần Quý Kiên, và nghe đồn là một cái kho ở Hàng Tre. Sẽ ghé thăm sớm :D

3/ Chùm nhà sách ở gần các trường Đại Học
   Nói chung sách chuyên ngành thì khỏi nói, bày ngay mặt tiền, đẹp lung linh. Tuy nhiên các mảng khác thì nghèo nàn vô cùng. Nhà sách Nguyễn Văn Cừ ở Xuân Thủy, hoặc chùm nhà sách Lao Động trên Giảng Võ chẳng hạn, toàn sách từ những thời Napoleon cởi truồng nào ấy, từ 7, 8 năm trước đổ đi chứ sách mới thì như kiểu tuyệt chủng. Có nhà sách còn nói là không lấy sách của Nhã Nam nữa là đủ hiểu. Bày trí sách xấu, lộn xộn, nhân viên hồn nhiên như cô tiên, khá mệt :I. Tuy nhiên vớ được một của hiếm tuyệt chủng ở Nhà sách Lao động, thật không ngờ :)))

4/ Nhà sách Tri Thức và nhà sách tự chọn
   Tri Thức thì ở Hồ Tùng Mậu. Nhà sách 2 tầng, hơi nhỏ nhưng khá đẹp. Sách bày cũng gọn gàng, cập nhật, đủ mọi mảng. Nhân viên cũng dễ chịu. Nhưng không để lại ấn tượng cho lắm
  Một nhà sách tự chọn khá to khác nằm chéo góc đối diện với cổng Đh Quốc Gia trên đường Xuân Thủy chẳng hạn, sách thì cũng không hẳn là ok nhưng mấy cô thu ngân phổi bò vui phết. Vốn chỉ vào trú mưa, nhưng dừng lại ở chỗ này khá lâu, và còn "đào mộ" được một cuốn không ngờ, Tobie Lolness tập 1 :X quá tuyệt, một món quà 1/6 thú vị cho cái đứa vừa nghỉ học trên lớp đã kêu chán, nhớ bạn nhớ trường. Chúc mừng tết nhi đồng thối tai :)))

5/ Fahasa mới ở Kim Liên mở rộng (Phố Xã Đàn mới)
Fahâsa thì đúng là lấy thịt đè người, sách thì nhiều kinh hoàng, cả 4,5 tầng toàn sách là sách, xong quản lý thì kém vô cùng. Giống như Tiền Phong, cũng quản lý thủ công, sách khách... tự tìm :((( hên xui thì còn, không thì thôi
  Bài trí sách sáng sủa, đẹp. có phân loại xong chưa rõ ràng lắm, vẫn còn nhiều chỗ hơi loạn.
  Tuy nhiên, đúng là nhà sách to thì hàng tồn cũng lắm, và trên hết, toàn của hiếm. Tìm được vài cuốn mà thề, nó đã mất dạng ở các nhà sách từ lâu lắm rồi, Đại gia Gatsby của NN, Phía sau nghi can X, Lão già mê đọc truyện tình, Chuyện dài bất tận... trời ơi là trời. Quản lý sách vậy ư? Lại toàn nằm ở những chỗ khuất nẻo toàn bụi, hic

   Cứ với cái đà sách tồn này, tui sẽ thu xếp thời gian để qua 2 cái Fahâsa còn lại cho coi, hy vọng là sẽ nhiều cái hay ho ở đấy. Một cái ở Hà Đông lận, mệt ghê. Nghe nói trong miền nam Fahasa cũng om sách của các nhà lắm

6/ Nhà sách Sự thật và chùm nhà sách tư nhân
   Các nhà sách này ở Quang Trung và Bà Triệu. Sách nhiều vô số kể, thật có, lậu cũng... có (những tựa nóng), ví dụ như ở cửa hàng Tuyết trên phố Bà Triệu chẳng hạn. Nhà sách Sự Thật toàn tu thư, buồn ngủ dã man, nhân viên toàn ngủ gật. Được cái đối diện là quán bánh mỳ thịt xiên ngon nên nhiều khách... vào xem (như mình thì cũng vào xem vì... chả chọn được gì)

7/ Tổng công ty sách Hà Nội - Tràng Tiền và nhà sách Thăng Long
   Sách nhiều và cập nhật, thể loại phong phú, không gian đẹp, sáng sủa. Nhiêu đấy thôi đủ rồi
   Tìm được một cuốn Murakami - Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới ở đây, hàng hiếm tồn kho :))))
  À mà sách chính trị ở đây hơi bị hoành tá tràng :))))

8/Chùm nhà sách Hà Nội
  Tên thì hay, lại nằm trên phố đẹp, Đinh Tiên Hoàng và Hàng Bài, xong sách thì chán kinh, lộn xộn, thiếu đầu tư, cũ mèm. Hichic

9/Đinh Lễ
 Save the best for last
  Nói chung, Đinh Lễ vẫn là tụ điểm số một cho dân đọc, bởi sự phong phú, đầu tư, cập nhật của sách cũng như các nhân viên khá nhanh nhẹn và nhiệt tình. Tùy vào nhà có không gian đẹp (Lâm, rồi Huy Hoàng, Ngân Nga chẳng hạn)đến chật chội (Như nhà Thanh Tú, favorite của mình, bé xíu), xong lượng sách vẫn cứ choáng ngợp. Nhớ hỏi nhân viên khi mua nhé, vừa nhanh vừa tiện. À quên, chiết khấu bét nhè chè đỗ đen

  Tuy nhiên đội ngũ trông xe ở đây khá quá đáng, thật khó chịu



  Vậy là tạm khép lại hành trình "khai phá" trong những chuỗi ngày mưa gió vừa rồi. Vui phết
  Nhưng nói gì thì nói, các trung tâm văn hóa đọc ngay tại trái tim cả nước vẫn đáng buồn quá. vẫn còn nhiều điểm yếu quá. Haizzzzzzzzzzzzz. Giá mà....


 * Điểm danh một số chỗ chưa đi (và cố gắng sẽ đi): nhà sách của Phương Đông trên phố Trần Huy Liệu (quên béng, đáng ra hôm nay phải đi) rồi chùm Fahâsa Hà Nội còn lại. Cả cà phê sách của Đông tây nữa. Nghe nói chùm nhà sách Phương Nam ở Vincom, rồi nhà sách ở TT chiếu phim quốc gia chẳng hạn, chưa xem kỹ nhưng thấy cùng bình thường thôi. Rồi cả 2 cái nhà sách trên Đường Láng nữa, thấy chỗ này chúa chùm trả sách, khéo lại có nhiều thứ hay ho à nhé

* Fun fact
  -Đô rê mon, Conan, Shin cậu bé bút chì và Chicken soup for our souls là những đầu sách phổ biến nhất, nhà sách nào cũng có, dù ít hay nhiều. À cả Steve Jobs nữa, nhà sách nào cũng có mặt ông cùng "người bạn chí cốt" Bill Gates
  -Nhìn chung các nhà sách đều phân loại sách nhưng không theo một tiêu chí cụ thể nào, khiến bạn đọc kinh hãi
  -Sách bày đẹp nhất luôn là quầy Chính trị và Tôn giáo, to đẹp, hoành tráng và... khá nhiều bụi
  -Sách ngôn tình áp đảo ở dòng văn học dịch, thứ 2 là Chicklit, cuối cùng là các tự truyện
  -Sách của Alpha books được bày phổ rộng nhất, nhà nào cũng có

  Tạm thế đã, khi nào đi nốt mấy nhà sách còn lại sẽ sản xuất ver 2 :))
  Đi ngủ thôi

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Lặt nhặt

Chẳng có chủ đề cụ thể, thôi thì hiện đang sót lại gì trong đầu thì xả ra nốt


*  Bé lợn, lớn bò
Tối hôm qua ngồi xem xong CÁI NÀY thì đầu quay quay, chả biết gì hơn. Sự thật được nhắc tới trong chùm tranh ấy vốn đã hiển hiện từ lâu, lâu lắm rồi, nhức cũng nhức lắm rồi, thế mà sao qua ngòi bút của anh Phong và những người bạn, nó nhẹ nhàng khéo léo hơn bao nhiêu, và cũng lại đau đớn xót xa hơn bấy nhiêu.
   Giáo dục VN thì mãi chỉ toàn cải lùi, đâu thấy tiến nhiều cho lắm. Và với chân dung "cô giáo Thảo" thì điều đó chỉ được tô đậm lên hơn mà thôi. Đó là cái cùm bóp chết biết bao con trẻ ở xứ sở này biết bao năm qua, và giờ vẫn vậy, chưa nhẹ hơn tí nào. Chỉ khi "dáo rục" nước mình dám dạy thẳng, dạy thật, dạy những gì "ngoài lề" hơn một chút, để học sinh được nhìn bằng chính con mắt của mình thì đó mới là GIÁO DỤC con người
  Nhưng thôi, tạm đặt cái đó sang một bên, khi cái "đinh" của chùm tranh vẫn chưa nhắc tới, là cái cận cảnh về người ăn thịt người tại nơi này, ngay xung quanh ta, và theo đúng nghĩa của nó. Cùng là người Việt, nhưng đồng bào ta vẫn thản nhiên, chỉ vì cái lợi nhỏ mà vứt bỏ hết, để rồi chỉ còn toàn những hậu duệ "giật lùi". Tiến làm sao nổi khi nạp vào người biết bao những thứ xyz biến chất và ngấm dần dần, cơ thể sẽ kiệt quệ, bệnh tật rồi phát tác, và cuối cùng, để lại những đứa con, cháu "méo mó". Người mình đấy, trời ơi. Lúc đọc xong câu chuyện lần đầu, tôi chỉ cười "Thế rồi ăn gì giờ?", nhưng càng nghĩ lại càng thấy, đâu chỉ có một mình những cô bán rau, những bác đồ tể ấy. Còn cả hàng trăm những hoạt cảnh tương tự đang xảy ra trên xứ này, gieo vào trong mỗi con người biết bao là những mầm mống đen tối. Và nó vẫn ngang nhiên diễn ra và tồn tại, giống như câu hỏi-cảm-thán đầy "rung cảm" của cô giáo: "Kết luận đâu?". Cái "kết" ấy đang lơ lửng ngay trên đầu, và chỉ chờ thêm những chú lợn 104, 105 vân vân nữa để rơi xuống mà thôi...

    Bé lợn lớn bò. Còn bé mà được "nạp" vào cả cơ thể, trí tuệ và tinh thần những ngần đây thứ thì khi lớn, các em có thành một "thứ" khác âu cũng không lạ. Nhưng thật xót xa

 _____________________________________________________

* Những ngày văn học châu Âu
  Cũng lắm thứ hay ho cho sự kiện này.
  Đêm khai mạc là một đống hổ lốn. Mình thấy thương cho các khách mời được đến phát biểu, những em bé mướt mát mồ hôi chờ để "được" nhận giải, và cả người xem nữa, khi được dự một thứ chương trình thật lộn xộn.
  Nhưng ngày hôm sau mới đáng nói. Ấn tượng của mình được dành cho toàn bộ những khách mời buổi sáng (chiều không đi được, hơi tiếc, nhưng thế cũng tạm đủ rồi)
      Ấn tượng đầu tiên dành cho tác giả Andy Stanton. Gặp chú lần đầu ở chính trụ sở của Nhã Nam, áo phông quần bò giản dị, nụ cười thật tươi, và thật đôn hậu. Nhìn là biết, tác giả sách thiếu nhi :D Và trong buổi giao lưu còn thấy một chút gì hơn thế, một tinh thần sảng khoái đầy nghiêm túc, gần gũi rất đúng mực. Thật thú vị
     Ấn tượng thứ 2 dành cho bác dịch giả Lê Quang. Bác Quang là "cái đinh" của toàn bộ chương trình buổi sáng. Nghe nói buổi chiều, chương trình bác làm việc với cuốn "Tôi là ai, và nếu vậy thì bao nhiêu?" còn hay hơn nữa, và mình tin là thế. Cái cách chuyển ngữ phần thoại của viện trưởng viện Goethe, cái tinh thần cần truyền tải, và cách giao lưu với đọc giả, quả thật gây ấn tượng. Việc gieo niềm tin vào các dịch giả trẻ, khuyến khích họ chấp nhận thử thách (với dự án "Yoko") cũng vô cùng đáng quý. Vũ trang cho bản thân, và hoàn thiện chính mình đi thôi.
   Ấn tượng thứ 3, một lỗi nhỏ dành cho cuốn "Nếu-còn-có-ngày-mai" của Mac-Levy đã trở thành một hiện tượng xuất bản như thế nào =)) theo lời của bác diễn giả chính (hình như tên bác là Nguyên)
   Và cuối cùng một "màn" hài kịch cười ra nước mắt, và cũng thật vô cùng xấu hổ ở phần cuối của mục giao lưu đầu tiên. "Liệu các nước bạn có sẵn sàng mua BQ sách của VN, và mang văn học VN đến với thế giới hay không?". Xin lỗi, trơ trẽn nó vừa thôi. Cứ giữ lấy cái tinh thần "tự ái dân tộc" ấy để mà tự sướng bản thân đi. Chúng ta là ai mà dám cất giọng điệu bề trên như vậy? Biết mình biết người thì hơn. Và ngay sau đấy, cũng thật đã đời làm sao khi viện trưởng viện Goethe đã "tát" trả lại một phát đích đáng cho cái câu hỏi dở người đó. Hãy hành động đi. Hãy tự cứu lấy mình, chứ đừng trông chờ, vậy thôi.

   Phần giao lưu thứ 2, nói chung là tẻ nhạt. Mình cảm thấy một cái nhìn thúc giục từ phía chủ tọa rằng "Hãy đặt câu hỏi cho chúng tôi đi!" nhưng tiếc quá, phần diễn giải không đủ thuyết phục đến vậy. Khuyến khích người trẻ viết ư? Nhiều cách lắm, thế nhưng mà vẫn cứ những "dáo rục" giống như của cô giáo Thảo ở "Bé lợn lớn bò" ấy thì sao viết cho nổi, khi tri thức và sự quan sát cứ dần dần héo mòn.

   Một chương trình có nhiều người giỏi, nhưng cách tổ chức thật đáng buồn. Mất điểm quá.

__________________________________________________

*  Sách cho em gái

Hiện giờ mình đang khuyến khích cho con em Mèo đọc sách. Chương trình thì từ lâu rồi, nhưng giờ mới làm mạnh tay :D Dù phải dung hòa cả truyện tranh và sách cho đỡ quá tải, nhưng cũng vui lắm. Nó đọc cũng vào dạng tốt, nhưng ko mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình. Giờ lại chuẩn bị 1/6 rồi đấy. Chết thôi, phải kiếm thêm nước cho những mầm xanh...

    
  Mà bữa vừa rồi phải đấu tranh tư tưởng "kiểm duyệt" lại cuốn Nhóc Mikô tập 14 mà muốn điên người. Giờ mới biết định hướng cẩn thận quan trọng như thế nào. Đừng quá muộn, nhưng cũng đừng ép chín sớm. Cố lên thôi

___________________________________________________

* Viết

  Blog lảm nhàm này được nhiều bài phết rồi :">
  Cái cảm giác viết theo ý mình, thích gì viết nấy, vừa vui lại vừa ngài ngại. Vui vì được giải tỏa và chia sẻ, nhưng ngại khi, biết đâu đấy, đã để những người khác "nhìn thấy" mình. Nhưng so ra cho cùng, vui vẫn là hơn ^_^ Ta vẫn là ta mà
  Còn một cái hẹn cho một bài viết, ý tưởng có đó, nhưng diễn đạt rỗng tuếch. Thôi lại vứt vào nháp rồi tính sau

                                                                     Một trưa mưa gió, tháng 5/2012

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Không gian đọc của mẹ

"Này, cuốn Thiên táng hay quá nhỉ. Đêm qua mẹ ngồi thức đến hơn 1h đêm để đọc đấy, mãi bố mày giục tắt đèn ngủ thì mới thôi. Sáng sớm dậy... đọc tiếp"

  Tôi sững người lại. Tai hơi ù đi, và thấy chút gì rạn vỡ. Chỉ còn phần sau câu chuyện của mẹ lọt vào đầu một cách không chủ đích.

"Sao thế, không thích mẹ sờ vào giá đồ quý của mày à?"
"Có vài cuốn cùng dòng đấy nữa đó mẹ à, trên đó có Hảo nữ Trung Hoa, bữa nào thích mẹ cứ đọc nhé. Cũng hay lắm. Con xin phép."


                              MẸ - Khúc ca của trái tim con

   Ngẫm lại mới thấy, cách đọc sách của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều từ mẹ. Các bác vẫn kể rằng hồi nhỏ, cả nhà rặt toàn trẻ lít nhít thì 2 đứa em gái út ít luôn ham đọc. Từ những cuốn truyện cổ tích trên lớp, rồi Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử của các ông anh. Và rồi lớn lên thì thích văn học các kiểu, từ Tố tâm, Mẫn và tôi của Việt Nam, rồi Jên Erơ, Cuốn theo chiều gió, Bá tước Mông tơ crits tô của phương Tây và nhiều nhiều nữa . Đặc biệt, mẹ tôi còn bị dị ứng với tiểu thuyết diễm tình Sài Gòn trong khi khối thiếu nữ mơ mộng chết mê chết mệt với nó. "Cái thứ hồng sến chảy nước", mẹ vẫn thỉnh thoảng đá một cái :"> (Có lẽ vì vậy mà mình bị di truyền, có chết cũng không đọc được một cuốn Ngôn tình Trung Quốc cho nổi, và Mac Levy, rồi Musso cũng chỉ đọc một lần rồi thôi) Nhưng mọi thứ ít nhiều cũng thay đổi, con người khi lăn lộn với cuộc sống thì thời gian dành cho thú vui và đam mê của riêng mình cũng giảm đi. Mẹ cũng không ngoại lệ. Kiếm sống và chăm lo thu vén cho gia đình, giờ niềm vui đọc của mẹ chỉ dừng lại ở những tờ báo hàng ngày, Hà Nội tin chiều, An ninh, và gần đây là Đang yêu. Tuyệt nhiên những cuốn sách không còn chiếm những khoảng không quanh mẹ nữa. Và tôi, thấy mẹ cũng đủ vất vả nên không muốn mẹ phải thêm mỏi mắt hoặc bận mình vào sách vở. Đáng buốn thay, cái "lấn cấn" ấy cứ lớn dần, lớn dần lên thành một cái cớ để đến lúc dù có kho sách cho riêng mình, tôi cũng không chia sẻ chúng nhiều cho mẹ. Tôi khư khư bảo thủ quan điểm đó của mình, cho đến khi giật mình nhận ra mình đã sai như thế nào. Niềm ham thích với việc đọc của mẹ vẫn chẳng hề giảm...

Ảnh trên mạng thôi, không phải mẹ đâu ^^

 Đúng vậy, đam mê đó vẫn chưa hề nguội lạnh. Thi thoảng, mẹ lại lôi vài cuốn sách cũ ra đọc lại, trong đó có Thiên Táng, rồi kể về những thứ có liên quan. "Cách mạng văn hóa TQ kinh hoàng lắm, thời ấy dân khổ và "nghèo" đến thảm thương, con người chẳng thể khá lên nổi. Việt Nam mình cũng chỉ dẫm vào những vết xe đổ, thậm chí còn đào sâu hơn", "Hồi xem Mê Kông ký sự, nhà của người dân Tây Tạng y hệt những gì cô Hân Nhiên kể lại, từ những mái lều vươn lên giữa thảo nguyên gào gió, rồi lối sống tự cấp tự túc, món gì cũng có sữa ngựa... và những con người ở đó mộ đạo đến đáng kinh ngạc. Họ, dù nhỏ bé trước thiên nhiên, nhưng vẫn sống, và yêu cuộc sống của mình". Tôi chỉ lặng nghe. Và thầm nghĩ, "Giá mà... Sớm được chút nào hay chút ấy. Quỹ đọc của mẹ..." Dù dòng chảy của cát thời gian khiến cơ thể ta chậm chạp đi, đôi mắt không còn được tinh nhanh, và những khoảnh khắc rảnh rỗi càng hiếm hoi vô cùng thì những niềm đam mê vẫn còn đó, dù ít hay nhiều, vẫn chờ để được cháy. Và trong mẹ, ngọn lửa dành cho sách vẫn chưa hề lụi tàn. Giờ tôi mới thấm được phần nào điều ấy.
   Con cái thành đạt là niềm hạnh phúc của bậc làm cha, làm mẹ.  Nhưng đôi lúc, chỉ chăm chắm vào con đường "thành đạt" mà ta quên đi người đã hướng chúng ta đến đó cùng những  hy sinh mà, có lẽ ta chẳng thể biết được hết. Tôi cũng vậy, cũng vô tình không để ý. Một trong những thứ nuôi dưỡng tình yêu với sách bút của tôi là bắt nguồn từ "tủ sách" của mẹ. Nó đã hao mòn và già cỗi đi, dù ít dù nhiều, đã đến lúc bù đắp lại nó. Giờ, có lẽ tôi sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ. Sẽ sắp xếp việc nhà gọn gàng hơn nữa. Sẽ đầu tư cho những cuốn sách mà mẹ quan tâm. Và quan trọng nhất, đó là cố gắng để dành ra đó những khoảnh khắc thư giãn. Bắt đầu từ đó, sẽ là một "Không gian đọc của mẹ". Muộn còn hơn không. Dù luôn tuôn chảy, nhưng những hạt cát vẫn đọng lại  trong đồng hồ đó thôi.

  .... Đồng hồ vẫn lặng lẽ "Tick tick tick tick tick...."
  Còn gần 23h nữa là đến Ngày của Mẹ.