Trang

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Thế giới giả tưởng đầy màu sắc của Fujita Kazuhiro

Giới thiệu tác giả: FUJITA Kazuhiro

     

    FUJITA Kazuhiro (藤田和日郎 ), sinh ngày 24 tháng 5 năm 1964 (Tuổi Thìn, người cầm tinh con Rồng thường xuất chúng lắm đó nhé) tại tỉnh Asahikawa, Hokkaido, Nhật Bản.
  Ông tốt nghiệp đại học Nihon (bạn mình bảo ông học về Luật và nghiên cứu văn học Nhật Bản, nên các bạn đừng thắc mắc vì sao kiến thức về văn hóa, lịch sử của ss lại phong phú đến như vậy) và chính thức có tác phẩm đầu tay năm 1989, một truyện ngắn trên tạp chí Shounen Sunday của nxb Shogakukan. Đây cũng là thời điểm bắt đầu cho sự nghiệp làm họa sĩ truyện tranh của ông.
    Cho đến nay, sau 22 năm làm việc trong ngành công nghiệp truyện tranh Nhật Bản, ông đã trở thành một tác gia hàng đầu của Shounen Sunday, một họa sĩ nổi tiếng tại quê nhà và là người thầy dẫn dắt cho rất nhiều các họa sĩ trẻ khác.

   I.Các tác phẩm và sự nghiệp sáng tác
     Cho đến thời điểm này, Fujita ss đã chính thức có 3 series dài kỳ (và cả ba đều thực sự dài) cùng tuyển tập 4 Oneshot (Truyện ngắn). Đa số chúng đều được xuất bản bởi Shogakukan. Trong đó, tác phẩm Ushio to Tora (Ushio và Tora) đã gây tiếng vang lớn và giúp ông trở nên nổi tiếng.

   Các tác phẩm của ông (theo trình tự thời gian)
    1.Ushio to Tora - Ushio và Tora (1990)
  Câu chuyện về chuyến phiêu lưu xuyên không - thời gian của cậu bé Ushio khi đi tìm sự thật về gia đình và người mẹ của mình. Và chuyến đi ấy vô tình đã cuốn cả thế giới con người và ma giới vào cuộc chiến định mệnh với kẻ thù của tất cả nhân loại - đại yêu quái Bạch diện giả.
      Link cho bài viết chi tiết * Sẽ bổ sung sau, tại... chưa viết,ngại quá  :( *

   2.Karakuri Circus - Gánh xiếc quái dị (1997)
  Thế giới của Karakuri circus là... xiếc và rối,với câu chuyện kể về cuộc chiến giữa các Shirogane và Búp bê tự động trước nguy cơ con người bị đầu độc bởi căn bệnh chết người Zonapha.
     Link cho bài viết chi tiết  Karakuri Circus - Gánh xiếc quái dị

   3.Yoru no Uta (1998) Truyện ngắn

   4.Akatsuki no Uta  (2004) truyện ngắn

   5.Bakegyamon (2006) 5 tập
     Từ bao đời nay, cứ 40 năm một lần, trẻ con khắp nơi sẽ được tụ họp lại và tham gia vào trò chơi có liên quan đến những linh thần Nhật Bản với cái tên là Bakegyamon. Và có một lời đồn rằng, kẻ thắng cuộc trò chơi sẽ được ban cho một điều ước. Thế là hàng trăm ngàn đứa trẻ đã tập trung lại tham dự vào vòng đấu loại cho trò chơi, mà ẩn sau nó là một bí mật đen tối hơn rất nhiều...
  Thật ra Bakegyamon là series được Fujita sensei trình bày ý tưởng và lên cốt truyện, chứ toàn bộ cách triển khai (viết name) và vẽ do một họa sĩ khác. Bởi thế mà mọi người dễ nhận ra nó hoàn toàn thiếu đi chất hành động - bạo lực và bi tráng thường thấy của ông.
   Có rất nhiều các yêu quái trong series Ushio to Tora đc tái xuất hiện trong Bakegyamon.

   6.Jagan wa Gachirin ni Tobu (2007) Truyện Ngắn
        Các vị thần trên Thượng Linh Sơn quyết định trừng phạt dân chúng Nhật Bản (nguyên nhân xin xem truyện), và vị thần Minerva được ủy thác nhiệm vụ này. Dưới lốt một con cú trắng, hắn khiến cho tất cả những kẻ nhìn vào mắt mình phải chết, một cái chết với máu tràn ra từ hai hốc mắt. Một thợ săn đã lên đường tiêu diệt nó, nhưng cuộc chiến bị can thiệp bởi Hải Quân Hoa Kỳ khi họ đã bắt được Minerva về để nghiên cứu khoa học.
        Nhưng đáng tiếc là Minerva đã sổng khỏi một con tàu chiến, trở về Nhật Bản reo rắc cái chết trên thủ đô Tokyo hoa lệ. Đến lúc này, thế giới mới tập trung các sát thủ khét tiếng nhất nhằm tiêu diệt ác nghiệt này. Còn đảo quốc Nhật Bản có động thái của riêng mình, họ mời về một miiko (nữ tư tế) và người thợ săn ngày xưa để kết thúc cuộc chiến ngày nào.

    Cái này mình đã đọc online nhưng nó không được dịch hết, thật đáng tiếc. Truyện rất hay.

  7.Kuro Hakubutsukan Springald - The Black Museum - Springald  (năm 2007) Truyện ngắn
      Câu chuyện về một cái nhìn khác dành cho yêu tinh của mùa xuân Heeled Jack - Jack yêu tinh thích nhảy nhót. Đây là một sinh vật hay đeo mặt nạ với đôi mắt sáng rực, móng vuốt dài và thích đi dọa dẫm phụ nữ, đặc biệt là đến mùa xuân thì mang thêm giày nhún cao cổ (Heels) gắn lò xo để có thể nhảy cao hơn :)) một huyền thoại bí ẩn ở Anh Quốc thời nữ hoàng Victoria.
       Fujita nói rằng ông đã phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu thì mới có thể sáng tác ra cuốn sách này, thậm chí ông còn úp mở nói rằng, cuốn sách thực sự là một lần Viện bảo tàng Hắc ám (The Black Museum) được mở cửa lại để giới thiệu những giai thoại khác về Spring Heeled Jack. Ông còn dành cả một phần cuối cuốn sách để giới thiệu những tư liệu mình đã tìm kiếm được, như để chứng tỏ rằng, đây là một nhân vật có thật.

  Thời gian 2006 2007 là lúc ss nghỉ giải lao sau khi kết thúc series dài kỳ Karakuri circus.

  8. Gekkou Jourei - Sắc lệnh ánh trăng (2008)
     Cứ 12 năm 1 lần, thế giới trong những câu chuyện cổ tích lại bị ảnh hưởng bởi ánh trăng xanh gây ra những biến đổi bất thường, đảo lộn trật tự của tốt và xấu. Nhiệm vụ của người thực thi sắc lệnh chính là đưa những câu chuyện cổ tích về trạng thái vốn có của nó. Và lần ngày,người được ủy thác là Iwasaki Gekkou, một tên nhóc ba trợn luôn nói ra những điều ngược với suy nghĩ của mình và... chẳng biết tí gì về những câu chuyện cổ tích cả.
    Đây là series mới nhất của ông, và nó vẫn đang ra tại Nhật.

          Link cho bài viết chi tiết  * mong mọi ng...chờ ạ :">*

   Fujita ss cũng là tác gia thực sự nổi danh tại Nhật, hầu hết các đọc giả nam sinh năm 70s, 80s ở Nhật đều biết và yêu mến các tác phẩm của ông. Nhưng đáng tiếc là ông không được biết nhiều tại nước ngoài cho lắm (dù ở Pháp,tác phẩm của ông rất đc đón nhận) và thực tế là hơn 20 năm qua ông vẫn là họa sĩ có tác phẩm bán khá chạy ở Shogakukan.

   Ushio to Tora, tác phẩm thành công nhất của Fujita đã mang lại cho ông 2 giải thưởng lớn, giải thưởng Thường niên Shogakukan dành cho tác phẩm hạng mục Shounen năm 1992 và giải Seiun dành cho tác phẩm truyện tranh xuất sắc nhất dành cho thiếu niên.
           (Xin nói luôn, Seiun award là một giải thưởng danh giá tại Nhật, bởi nó là giải thưởng được lựa chọn từ hiệp hội Khoa học viễn tưởng Nhật Bản - Nihon SF Taikai, họ sẽ tuyển chọn những tác phẩm có giá trị về ý tưởng, sáng tạo khoa học và có đề cập đến những vấn đề của khoa học viễn tưởng đương thời - thế giới song song (parallei world), ngược dòng thời gian, các thế giới tâm linh, UFO, thuật giả kim vv...
   Các tác phẩm lừng danh từng thắng giải này ở hạng mục truyện tranh có thể kể đến 20th Century boys, Pluto, Full metal alchemist, Lum Urusei yatsura, Kanata Kara - Vùng đất xa xăm, hay Card captor Sakura)

  Karakuri Circus cũng đã được đề cử giải này năm 2007 nhưng không thắng cuộc, thật đáng tiếc.

II/ Phong cách sáng tác
    Nói sao nhỉ, Fujita ss là một người sáng tác Shounen rất thuần túy, và là người sử dụng khá tài tình những kiến thức của mình để lồng vào tác phẩm.

   Đầu tiên, là cách dựng cốt truyện. Như có đề cập ở trên, Fujita ss theo học ngành nghiên cứu Luật và văn học Nhật Bản ở đại học Nihon,nên ông cũng "tận dụng" triệt để điều này khi xây dựng cốt truyện. Tất cả các tác phẩm của ông đều được tạo dựng trên nền một truyền thuyết hay một câu chuyện thần thoại ly kì nào đó. Như trong Ushio to Tora là câu chuyện tiêu diệt yêu quái Hồ Ly, còn Gánh xiếc quái dị là căn bệnh chết người Zonapha. Kể cả những Oneshot của ông cũng vậy. Yoru no Uta là câu chuyện về một nhân vật trong sử thi Ấn Độ, hay Kuro Hakubutsukan Springald là những mẩu truyền thuyết bên lề về con yêu quái có đôi mắt sáng như lửa, Heeled Jack. Và trong tác phẩm của mình, ông sẽ là một người kể chuyện, dẫn dắt bạn đọc vào từng diễn biến của những truyền thuyết ấy. Cũng bởi điều này mà truyện của Fujita luôn có tính chất "anh hùng ca,sử thi và bi tráng" để phản ánh tính chất "truyền thuyết, huyền thoại" trong đó. Luôn có bi thương, hy sinh và mất mát trong tác phẩm, nhưng đó cũng là lẽ đương nhiên bởi mất mát và tổn thương là không thể thiếu trên cả hành trình dài của đời người.

    Thứ hai, có thể kể đến phong cách hành văn của ông. Manga thường sử dụng lối văn phong dễ hiểu, hiện đại và "gọn" để phù hợp với tiêu chí giải trí của mình. Nhưng có một lần, dịch giả của Ushio to Tora đã từng kêu trời rằng, với chị ấy đây là một bộ khó nhằn khủng khiếp bởi lẽ,bên cạnh ngôn ngữ học trò, rất đời thường của các các nhân vật thì phần văn "kể chuyện" của tác giả thực sự khó có thể truyền tải hết. Nó có nhiều từ “cổ” và ít dùng, cùng với lối viết dễ hiểu nhưng khó dịch (một nét đặc trưng cho truyện Nhật,lời ít ý nhiều). Đó có thể coi là “bệnh nghề nghiệp” của tác giả chăng. Nhưng ít nhiều mình cũng cảm thấy phục bên Trẻ khi chọn đc dịch giả tốt để hoàn thành khối lượng dịch thuật khủng khiếp ấy.                                  

  Kế đến phải nói đến tư tưởng chủ đạo trong các tác phẩm của ông, đó là Coi trọng con người và Tình thần đoàn kết tập thể. Tất cả các câu chuyện trong những cuốn sách của ông đều là về thế giới mà con người luôn tồn tại và hy vọng vào tương lai dù phải trải qua những thảm họa khủng khiếp. Như trong GXQD, có một chi tiết rất hay là cách suy nghĩ của cậu bé Masaru khi trả lời câu hỏi của kẻ thù – “Con người thực sự yếu ớt và dễ bị tổn thương, nhưng chính vì vậy mà họ mới cần có nhau, và sống bên nhau để khích lệ bảo vệ nhau”. ”Không có sự tiến hóa hay thoái hóa tuyệt đối nào cả. Chỉ có “thay đổi” và “Bất biến”. Em cũng như những con người khác, vẫn đang thay đổi từng ngày để tiếp tục hoàn thành lời hứa của mình…” Hay trong Sắc lệnh ánh trăng, những nhân vật cổ tích cũng là con người, nhưng với cái kết mà vẫn thường được coi là “có hậu” ấy, họ có thực sự hạnh phúc không? Chính vì thế mà ông đã cho Cô bé lọ lem tiếp tục niềm đam mê lau dọn và tốc độ của mình bằng cách… làm nhân viên garage oto. Rồi câu chuyện về chú chó vùng Fraude, cậu bé họa sĩ nghèo sẽ vẫn sống, và tiếp tục sáng tác với tình yêu dành cho chú chó ân nhân thuở nhỏ. Hoặc đơn giản hơn, đó là cho Nàng tiên cá cũng những cô chị có được người yêu cho riêng mình. Rõ ràng con người luôn được đề cao trong các tác phẩm của ông. Đó, có thể nói là tinh thần lạc quan và, có lẽ là cả tình yêu cuộc sống, yêu con người được tác giả gửi gắm nữa.

   Có một điều khá lạ khác trong tác phẩm của ss, đó là sự kết hợp của 2 yếu tố Thần thoại và Khoa học viễn tưởng. Nghe ngộ nhỉ. Trong Ushio to Tora có khá nhiều điển tích được sử dụng, như câu chuyện Hồ ly Bạch Diện giả xuất hiện tại Trung Quốc cũng khá giống với việc Đát kỷ dùng nữ sắc làm sụp đổ cả một đất nước thời vua Trụ. Rồi câu chuyện Đào hoa viên của pháp sư Hiyo và cả nguồn gốc cây thần giáo… Nhưng chúng lại được lồng ghép rất khéo léo vào dòng lịch sử để trở thành những sự kiện sống động, và rồi lại được phản ánh qua những con số và thống kê của khoa học hiện đại. Những bí ấn tâm linh đơn thuần là chưa có lời giải đáp, nhưng đừng vì thế mà phủ nhận. Con người vẫn đang ít nhiều sử dụng khoa học kỹ thuật và trí tuệ của mình để tìm hiểu chúng. Một vấn đề khá sâu và nóng hổi. (có lẽ bởi thế mà Ushio to Tora hay Karakuri circus được đề cử giải Seiun âu cũng là điều dễ hiểu mà thôi. Đó là cái tài của tác giả mà mình thực sự khâm phục)

   Và điều cuối cùng, là về nét vẽ cùng các tuyến nhân vật  (nói về họa sĩ truyện tranh mà ko đề cập tới cái này thì đúng là thiếu sót lớn ha). Có thể nói, bởi việc sáng tác manga shounen chiến đấu dòng thuần với những nhân vật chính kiên định, có chứng kiến và khá “cứng đầu” mà Fujita ss có nét vẽ khá thô, cứng, phông nền tối và đôi lúc hơi rối mắt (chi tiết). Nét vẽ của ông cũng không quá đẹp, nhưng có phong cách riêng rất dễ nhận ra, nhất là cách đặc tả gương mặt đau khổ và đè nén của các nhân vật với nhãn thần trắng dã, làn da nhăn nhúm và tối sầm lại nhìn khá ám ảnh. Đó cũng là nét lạ của ông khi thích nhấn vào đôi mắt và vầng trán của nhân vật lúc đó. Thêm một chút nữa, đó là về kiểu khoái vẽ con gái có bo-đì thật khủng trong truyện (niềm vui của một nam họa sĩ – vẽ con gái thật đẹp) với kha khá các cảnh hở sườn. Fujita từng nói rằng ông phần nào chọn nhân vật nữ chính Shirogane trong GXQD là một cô gái Pháp là bởi phụ nữ Tây phương… tự nhiên hơn nên ông tha hồ mà… phóng bút vẽ :”>  thế đấy. Mà nhân vật nam chính lại đào hoa (tính cách dễ chinh phục phái nữ) nên ông còn thoải mái vẽ nhiều kiểu nhân vật nữ mà mình thích. Đúng là bó tay mà!


  III/ Fun fact – Những nét vui và thú vị về Fujita Kazuhiro
     Fujita có khổ người cao lớn. Ông to con phết đấy, nhưng tự nhận là người lười biếng, không ham hố tập tành cho lắm. Và bởi cao to nên ông hay bị đau lưng vì dán mặt vào bàn vẽ.
   Fujita từng làm trợ lý cho 2 mangaka khá nổi của các thập niên trước là  HOSONO Fujihiko và ASARI Yoshitoo. Trong đó, Hosono là người có ảnh hưởng tới Fujita, bởi Hosono là họa sĩ chuyên trị thể loại Sci-fi ở Shogakukan.
   Lực lượng họa sĩ trẻ Fujita đào tạo cho Shogakukan không hề nhỏ, trong đó đáng kể nhất là 3 vị Raiku Makoto (Vẽ Gasshu), Anzai Nobuyuki (Flame of recca) và Inoue Kazurou (Midori no Hibi, Love collage). Trong đó, Raiku Makoto bị ảnh hưởng khá lớn từ Fujita. Mọi người biết không, toàn bộ phần nói xấu tác giả Fujita ở cuối các cuốn Ushio Tora đều do Raiku vẽ (với tư cách là trợ lý cho bộ sách). Nhân vật với tư cách khách mời xuất hiện ở cuối cuốn Nhật ký Midori (người mà Inoue Kazurou vẫn nói là Vị thánh trong giới manga) cũng chính là Fujita ss luôn :D
   Fujita Kazuhiro cũng khá thân thiết với tác giả Shimamoto Kazuhiko (t/g Hoero Pen- Cây bút thần kỳ) Hai người này thường xuyên đấu đá gây cười cho nhau trong series Hoero Pen. Có lẽ ngoài đời họ cũng thân thiết với nhau thật sự.
  Fujita ss gần đây thường có tên trong nhóm Giám khảo của nxb Shogakukan ở hạng mục Tác phẩm mới và hạng mục Shounen manga.


   Tạm khép lại phần dài dòng này ở đây, chúc các bạn vẫn còn hứng thú để theo dõi hành trình trong thế giới manga của Fujita Kazuhiro ss nữa nhé.

                                              


  Đính chính
         ** Fujita theo học chính thức ngành Luật tại Đại học Nihon, còn Văn học Nhật Bản là đề tài nghiên cứu của ông (kiểu như nghiên cứu khoa học ở VN mình vậy đó)