Trang

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Tâm hồn ăn uống của người phồn thực

Tôi là một người coi ăn uống là thú vui  :D cực kỳ đam mê tẩm bổ dạ dày và làm giàu thêm cái vốn ăn uống của mình (nhưng tiếc quá,xem ra "sự nghiệp" này vẫn chưa có nhiều tiến triển ;) ) Vậy đây sẽ là bài trải nghiệm của chính bản thân khổ chủ blog?  Xin lỗi,vì tôi chưa có đủ sự tinh tế trong quan sát, tình yêu với ẩm thực và bút lực để viết ra được những điều đó. Đây chỉ là một chút tản mạn về một cô gái, một người chị tự nhận mình là "tín đó sùng bái chuyện ăn uống" - Ngô Thị Giáng Uyên cùng cuốn sách khá thú vị của chị: "Bánh mì thơm,cà phê đắng"
                                    

    Thuở còn bé, tôi khá dị ứng với cái gọi là "đồ Tây" bởi bị ám ảnh với những món đồ hộp toàn bơ sữa ngấy đến tận cổ. Nhưng khi lớn lên, đọc và giao tiếp ít nhiều, tôi cũng biết cái "đồ Tây:" thời thơ ấu của mình chỉ là một góc nhỏ xíu và...kém ngon nhất trong nền ẩm thực Phương Tây mà thôi. Vả lại, sự khác biệt về địa lý, thời tiết, lịch sử... ảnh hưởng lớn tới phong vị ẩm thực của mỗi miền,thế nên khái niệm ngon/dở cũng chỉ còn là tương đối. Định kiến lúc ấy cũng chẳng còn (đồ Tây nhiều thứ ngon lắm mà, phải thưởng thức cho biết chứ ;) ). Và tôi tìm được cuốn sách này, như một luồng gió làm "no" thêm cánh buồm tình yêu ẩm thực của mình, và  một chút trải nghiệm mới mẻ trong việc đọc nữa. Quả thực, đây là một cuốn sách thú vị!

   Cái tựa cuốn sách đã gây chút tò mò rồi, một điều gì đó rất... không Việt Nam, bởi Bánh mì và cà phê đâu phải là những nét đặc sắc trong ẩm thực nước nhà. Đúng là vậy, bởi đây là cuốn sách tản mạn về ẩm thực châu Âu, nơi mà Bánh mì và cà phê là những thứ thân thuộc, thậm chí không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi một gia đinh người Âu nào. Nhưng 2 thức này, mỗi xứ sở mỗi quốc gia, vùng miền lại không giống nhau, bởi thế mà cuốn sách nhỏ này như một chuỗi kí sự ngắn ghi lại sự phong phú, đặc sắc của không chỉ riêng "bánh mì" "cà phê" mà còn là cả đồ ăn thức uống cũng như nếp sinh hoạt của những con người ở trời Tây xung quanh bàn ăn của họ.

   Trải trong cả tập sách là những mẩu chuyện ngắn kể về các chuyến Du hí ẩm thực của chính tác giả, một chuỗi hành trình đáng ghen tị vòng qua hơn 10 nước châu Âu, từ những xứ sở Scandinavia rét buốt (Phần Lan) tận cực bắc cho đến những vùng biển ấm áp phía nam (Bồ Đào Nha,Italy,Hy Lạp). Xuyên sang miền đông với Slovenia, cùng với Đức, rồi lại vòng về Anh Quốc, xứ sở Sương mù phía tây. Mỗi một hành trình của tác giả là sự ghi chép sống động về quá trình... làm đầy bao tử của chị :)) với những món ăn phổ biến và đậm chất bình dân. Có thể là dăm bảy loại bánh mì, mỗi loại một tên, một kiểu, mang những đặc điểm hương vị riêng của từng miền, từng xứ. Hay chợ đồ ăn ở Hensinky Phần Lan, nơi mùi thơm và hơi ấm của đồ ăn xua tan đi cái lạnh thấu da của những buổi sớm. Tôi thì ấn tượng với chuyến đi tới chuyến đi ăn tại Bồ Đào Nha và Hy Lạp, 2 đất nước Địa Trung Hải đầy nắng gió với hương vị ẩm thực xem ra cũng vô cùng hấp dẫn và hợp khẩu vị của.... chính bản thân mình... Có kể cả ngày chắc cũng không hết được cái sự thích thú của bản thân với những gì có trong sách mất. Nhưng điểm đặc biệt của những câu chuyện, đó là,không chỉ đơn thuần tả lại những món ăn và mùi vị khiến cho đọc giả thèm rỏ dãi, chị Uyên còn lồng vào đó những mẩu thông tin lý thú về món ăn. Ví dụ, nguồn gốc lịch sử (cái nôi ra đời của chúng), ý nghĩa tên gọi, thành phần, đôi khi là cả tiến trình và công thức chế biến, hay đơn giản, là giá tiền cho mỗi suất nữa :D. Ăn, không chỉ là cho biết, mà với tác giả, còn là thưởng thức và tìm tòi cho bõ công đi du lịch. Điều đó cũng giúp đọc giả có một cái nhìn đa diện về ẩm thực phương Tây, và cũng để... kích thích toàn bộ giác quan khi đọc (thực sự tôi đã bị như vậy đấy)

   Đọc "Bánh mì thơm,cà phê đắng" sẽ rất dễ nhận ra hình ảnh cuộc sống của người nước ngoài quanh bàn ăn lắm. Cũng bởi những món ăn được nhắc tới chủ yếu thuộc thành phần "bình dân" nên ta có thể có được cái nhìn thân thiện hơn về những người nước ngoài ở đó (cứ liên tưởng,như người Việt mình ăn Phở,đồ vỉa hè và uống trà đá cho dễ hiểu :D). Họ mang vẻ chân thật, giản dị và "đời" hơn những gì được tả qua những cuốn cẩm nang ẩm thực ở các Multi-star Culinary Restaurant rất nhiều. Tiếp cận ở khía cạnh đó cũng lạ lẫm và không kém phần thú vị, bởi đó là những thứ gắn với văn hóa và nếp sống của họ rồi. Những điều như vậy điển hình gần gũi và mang giá trị trường tồn hơn nhiều, những thứ đã ghi dấu vào sinh hoạt thường ngày luôn giản dị và vô cùng đáng quý.

  Nếu đây chỉ là một cuốn sách ghi chép ẩm thực đơn thuần, có lẽ nó sẽ không khiến tôi nhớ lâu đến vậy. Trong cuốn sách bạn sẽ bắt gặp không ít hình ảnh những món ăn quê hương được lồng vào khi tác giả tìm được một nét nhỏ sự tương đồng giữa món ăn phương Tây với một món Việt nào đó. Giả như món Pancake được so với Bánh Xèo của mình chẳng hạn :D giống nhau kha khá đấy chứ. Rồi những món quà từ biển cả, những món hải sản của xứ người khi đứng cạnh những thứ như cá kho "chém to kho mặn"  hay chả ram dân dã của mình... Đọc những dòng đó thấy  ấm áp và đáng quý làm sao. Có không ít những bài báo, những tài liệu với chủ trương "món Tây chỉ toàn bơ sữa phó mát béo ú ụ", giá cả đắt đỏ, sao mà "thanh ngọt,mát lành giản dị bằng những món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam được"...  Tôi không phủ nhận điều ấy nhưng, có lẽ đó chỉ đơn thuần là một mặt hết sức phiến diện để họ vin vào mà tôn vinh, mà ca ngợi, mà "tự sướng" để nâng ẩm thực VN lên một "tầm cao" mới chứ đó không phải là Tình yêu ẩm thực, yêu quê hương xứ sở thực sự. Chính bởi vậy, tôi mới ấn tượng với dòng suy tư của một tác giả xa xứ, người hướng về quê nhà với rất nhiều tình yêu và sự quan tâm đặc biệt; người, mà theo chính lời chị "chất mắm đã thấm vào đến tận xương tủy", đến mức mà một nét thân quen nhỏ thôi cũng gợi đến hình ảnh và kỷ niệm ở quê nhà. Đó mới là một tình cảm thực sự đáng quý hướng về tổ quốc...

   Lan man thêm một chút. Văn phong của cuốn sách này không có gì quá trau chuốt và "đậm chất văn thơ" như 2 cuốn sách trước của Giáng Uyên (Ngón tay mình còn thơm mùi hoa oải hương và Sống xanh) đó đơn giản chỉ là những đoạn "ký" ngắn gọn mà thôi. Nghĩ kỹ thì, khi đến với đồ ăn thức uống, khi thả mình vào ẩm thực rồi thì văn phong có giản đơn suồng sã một chút âu cũng dễ hiểu. Khi tâm trí đã "trôi" xuống cái dạ dày thì hãy để cho mọi thứ tự nhiên hết sức có thể đi. Ăn uống mà phải giữ ý quá cũng mất ngon! (thế nên, đọc mà thấy giọng văn đơn giản đến mức như kể chuyện thì cũng thoải mái mà bỏ quá cho tác giả ngay, mình cũng đang "thưởng thức" cơ mà, cứ tự nhiên đi nhé)

                                                                                 Hà Nội, cuối thu 2011