Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Lạnh này ăn gì? (Phần 1)

Mùa đông Hà Nội là phải lạnh. Lạnh ít, lạnh nhiều, lạnh vừa vừa; nắng lạnh, mưa càng lạnh... túm lại là: LẠNH. Mà lạnh thì chóng tiêu hao nhiệt lượng cơ thể => mất năng lượng nhanh => chóng đói. Đã đói thì phải ăn. Mà đã ăn thì nên ngon miệng.
Vậy, lạnh này ăn gì?

    Dưới đây là top 5 món ăn yêu thích của tôi (tức Mèo già liếm lông) mỗi khi giời giở rét với mục đích đơn thuần bổ sung năng lượng đã mất (và cho sướng mồm nữa), ngheo

#5. Lẩu

Nước dùng lẩu đang chờ sôi

    Chài ơi, một trong những vui thú của mùa đông giá rét là 4,5 đứa châu đầu vào nồi lẩu, vừa chan vừa húp xì xụp. Cứ phải gọi là ấm đến tận rốn! Này nhé, xương hom và xương bay lợn mua về tầm gần 1kg, rửa sạch vệ sinh chặt vừa đem ninh. Xương lợn ngọt đậm hơn xương gà, mà lại đỡ bị nặng mùi không như bò, rất hợp cho phần nước dùng. Đặc biệt, phần xương hom và xương bay lợn khác với vùng xương ống, nước dùng ra nhiều mà lại không bị váng mỡ (vì không có tủy đỏ), càng ninh càng ngon. Ninh tầm tiếng rưỡi vớt xương ra, gia giảm vừa miệng, có thể thêm 1 ít rượu nếu thích. Chẹppppppppp, vậy là xong nồi nước dùng rồi :3

    Nước dùng là linh hồn của nồi lẩu. Một nồi nước dùng ngon thì nồi lẩu sẽ ngon. Tùy vào việc món chính là gì mà sẽ thêm gia vị phụ vào nồi nước sau đó. Món ruột của Mèo già là lẩu bò nấm đó. Nước dùng trong, thơm, miếng bò nhúng tí giấm chín tới mềm ngọt, nấm kim châm thả giòn giòn, nấm mỡ béo béo, hương ngào ngạt... Ôi cho vào miệng 1 miếng là gió mùa đông bắc tan bằng hết. Yêu lắm lắm lẩu mùa đông ơi....

   Nghe bầy vẽ nhỉ, nhưng không hề đâu. Chỉ cần chịu khó xíu thì ăn lẩu ở nhà tuyệt vời lắm. Và, đương nhiên vì vấn đề an toàn thực phẩm nên phạm vi ăn uống của khổ chủ thường gói gọn tại gia thôi, ăn lẩu ngoài đường sợ bỏ xừ

#4. Chè
 Nóng ăn chè lạnh, thì lạnh ăn chè nóng. Thừa nhận đi, mùa đông là thiên đường dành cho những tín đồ ham của ngọt. Tại hè ăn đồ ngọt dễ ngán, còn mùa đông thì xực bao nhiêu vẫn hết. Chè cũng không ngoại lệ. Mùa lạnh ăn thức nóng, và có rất nhiều món chè nóng khiến tôi say sưa ăn.
   Hồi xưa xửa xừa xưa, khi lục tào xá với chí mà phù vẫn còn được các cô, các chú hàng rong quẩy từng gánh trên vai rao bán trên từng phố nhỏ thì mỗi một bát lục tào xá con con khi ấy ngon hết sẩy. Chè vàng thanh điểm chấm đậu xanh hơi quánh nằm gọn trong cái bát sứ Hải Dương men trắng tráng viền xanh nhìn đã thấy mê lòng. Quẹt khẽ thìa quanh thành bát lấy chè đưa lên miệng. Âm ấm, ngọt vừa đủ, hạt đậu xanh mềm, thỉnh thoàng răng cắn được một ít mã thầy xắt nhỏ giòn giòn, ăn đến đâu biết đến đấy! Hồi nảy hồi nay, đôi lúc bắt gặp 1 gánh hàng rong bán chè, mà thường là chè bà cốt với xôi vò, thì những chuyện cũ về bát lục tào xá khi ấy như sống dậy. Những bát chè xưa chả thể có lại nên càng ngon thêm đến không tưởng.

Lục tào xá nay đã hiếm gặp hơn

   Lại lảm nhảm rồi, chè xưa không còn thì "dụng" chè nay. Đông đến thường rộ bánh trôi tàu. Một bát 3 viên tròn như trứng, nhân đỗ xanh hoặc vừng đen dừa nạo, phía trên rắc tí lạc giã nhỏ bùi bùi thơm thơm. Nhưng thích nhất là lúc mới cầm bát chè mới tươm trên tay, húp thìa nước đường gừng ngọt sắc ấm nóng tỉnh người. Đầu ngón tay tê đỏ, má ửng đỏ, môi cũng đỏ mềm theo bát chè. Chè ngon, người ăn nhìn cũng ngon sao tệ. Nhưng đó vẫn chưa phải là cực điểm chè nóng trong dạ dày của Mèo tôi đâu. Món chè Mèo già mê nhất vào mùa lạnh chính là chè đỗ đen đặc cơ. Mê nhất, nên khó tả nhất, cứ gặp là phải sà vào ăn thôi. Mong bà con thông cảm, hehe.
   Chè nóng giữa mùa lạnh còn một điềm vô cùng tuyệt vời nữa, là để cho người ăn được thưởng thức trọn vẹn vị ngọt của nó. Khác với chè mùa hè cứ phải tương thêm đá vào (cho nó mát), thì chè mùa đông chỉ có mỗi cái thìa xúc lên ăn thôi. Chè còn nguyên, không nhạt đi, không loãng thêm, xơi thìa đầu hơi khé cổ nhưng càng xơi càng vào càng nghiền cái độ ngọt ấy. Thì ngọt như chè mà, phải thưởng thức chứ! Giời càng rét càng ngọt ăn ngọt lại càng ngon :3

3. Cháo
  Nhắc đến cháo thì, hình ảnh đầu tiên bật lên trong đầu tôi là bát cháo hành của Thị Nở. Bát cháo (chả biết có ngon không đó) của nàng đã giải cảm cho Chí Phèo, nhưng lại làm chàng Chí mắc phải một trận "cảm" khác còn trầm kha hơn bội phần cái trận cảm gió bữa ấy.
 Nói dông dài thế chỉ để nói, rằng cháo là một món ăn đơn giản và thân thuộc với người Việt. Dễ ăn, hơi hơi dễ làm (chuyện, đến Thị Nở còn nấu được cơ mà, chả lẽ ta lại phải chịu thua chị ấy :3 ) già trẻ lớn bé gái trai ăn được tuốt tuồn tuột, ăn quanh năm, ăn được trong tất cả các thời điểm trong ngày, bị bỏ đói ăn càng tốt mà no phè phè húp thêm cháo vẫn xong. Dễ gì mà dễ thế. Cũng giông giống chè, cháo cũng có cháo ăn mùa hè (cháo đậu, cháo hoa nguội) và cháo ăn mùa đông, nhưng cơ bản cháo vẫn là một món nóng và đặc biệt ngon trong những ngày đông giá buốt

Đến cuối bát cháo thì lòng đỏ trứng xuất hiện


  Năm thỉnh bảy thoảng tôi lại tự thưởng cho bản thân 1 hôm phi xe lên Trần Nhân Tông ăn cháo "bao cấp". Gọi là bao cấp vì tiệm được mở từ ngày ấy, vậy thôi. Kêu 1 bát cháo thịt băm nóng đủ hành mùi tía tô và không rau (vầng, Mèo già cực ghét ăn rau thả trong cháo) cùng cái lòng đỏ trứng gà, thế là chuẩn rồi. À quên phải thêm đĩa 2 cái quẩy cắt nhỏ nữa chứ. Gì chứ quẩy của nhà này ngon ghê gớm, giòn tan mà không bao giờ nhiều mỡ. Ít phút sau, cháo được bưng ra, lấy thìa gạn nhẹ cho cái trứng chìm xuống đáy bát rồi trộn khéo đều rau thịt lên ăn. Vừa húp vừa xuýt xoa bỏng miệng :3 thi thoảng thả thêm vài miếng quẩy vào, cháo quyện mượt với quẩy giòn xốp, ăn 1 lại muốn ăn 2, ăn 3, ăn 4, ăn... nữa. Lúc húp gần cạn cháo cũng là lúc cái lòng đỏ trứng lộ ra. Sau một thời gian trốn giữa bát cháo, trứng đã chín lòng đào đủ để thành một khối đặc sệt bớt mùi thì còn chờ gì mà không lấy thìa múc nguyên cả cái trứng mà cho vào mồm :">  ngọt bùi tận cuống họng. Cái kết hoàn hảo cho một bữa ngon ngon.

 Cơ mà cái bát cháo trứng ấy vẫn chưa thấm tháp gì với cháo chân giò chân gà bố nấu cho mẹ hồi mẹ sinh bé Mèo Móm. Móm nó chào đời tháng 2, cuối mùa đông nhưng trời vẫn còn ren rét. Để lợi sữa cho mẹ, cứ cách 2 ngày bố lại mang chân giò chân gà về ninh nồi cơm điện mà nấu cháo. Cháo này mẹ ăn hơn nửa, phần còn lại... vào bụng tụi ăn theo (tức Mèo già và chị Mindy :))  Ôi cháo ngọt ơi là ngọt, thỉnh thoảng lại có miếng chân giò da gà vụn béo béo mềm mượt, cứ phải gọi là bá cháy. Xong hết cháo thì còn cạo cháy cháo nữa chứ, vừa cạo vừa tranh nhau chí chóe, ăn ngon thì 1 mà vui thì 10, hehe. Sau dạo đấy, 2 đứa ăn theo cứ gọi là béo như cun cút. Cũng nhờ cháo chân giò lợi sữa cả :3

 Nhưng tất cả những tô cháo ấy không bao giờ ngon bằng bát cháo trai của một bác ngồi ở tượng đài Lý Tự Trọng đầu đường Thanh Niên. Ký ức tiểu học của tôi dành không ít chỗ cho cháo trai của bác. Nghe bảo 3h mới bắt đầu bán mà tầm 6h cả 2 nồi cháo to oành đều sạch bong, đến trễ là nhịn. Hồi ấy, cứ thứ 4 được tan sớm là bố lại đèo tôi ra quán của bác ăn. Cái vị ngọt đậm đà của cháo nấu từ nước luộc trai, phần nhân xào vừa tới mềm thơm nức mùi hành phi hơi rối, một xíu hành răm thái chỉ, và những miếng quẩy hơi ỉu ngấm cháo như tan trong miệng trong mỗi thìa... sao mà ngon quá đỗi. Đã thế, người đến ăn cháo bác luôn phải co ro, vì giữa một không gian nhỏ trống quạnh ngay sát Hồ Tây thì sao tránh nổi gió. Mà gió đông thì khỏi tả chắc mọi người cũng thấy lạnh rồi :"3  Xu xu ma ma, tay chân lập cập nhưng vẫn lùa cháo thật lực, ấm tỉnh người. Đôi khi tôi còn tự hỏi, liệu có phải bác cố tình chọn địa điểm ấy để kích thích người ăn thấy cháo ngon hơn nữa. Nhưng chắc là không đâu, nhỉ. Sau đó, tôi được nhận học tiếp cấp 2 cũng ở con phố ấy, và hý hửng chờ những ngày trống tiết tan sớm để được ăn cháo bác. Nhưng than ôi tôi lớn thì con bác cũng lớn, và bác cùng con mình nam tiến, để lại gánh cháo cho 1 người họ hàng mà nhìn vào đã biết sẽ không bao giờ nấu cháo ngon... Đã ngót 12 năm từ ngày ấy, tôi vẫn tự hỏi liệu mình có còn cơ hội được gặp lại bác cùng nồi cháo trai của bác nữa hay không, chỉ biết rằng món cháo của bác trở thành tượng đài trong dạ dày của Mèo tôi, thậm chí còn to hơn cái tượng đài Lý Tự Trọng vẫn đứng trơ ra đó sau bao tháng năm.


< Hết phần 1 >