Trang

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Một ngày


      Nếu biểu diễn một ngày thành một dải giấy trắng, tô màu đỏ cho những cái tốt, cái vui, tô màu xanh cho những cái dở, cái buồn thì... 
Sẽ có một vài dải giấy đỏ tươi lấp lánh (một vài thôi) 
Cũng sẽ có một vài dải xanh lét (cũng một vài thôi) 
Còn lại, sẽ có rất nhiều dải màu tím. Là đỏ trộn xanh ấy mà. Hoặc dải tam sắc đỏ-xanh-điểm tím. Đại loại vậy, túm lại là nhiều hơn 1 màu. 
Sẽ có những dải đỏ với một vài vệt tím. Rằng cuộc vui nào rồi cũng sẽ phải tàn 
Sẽ có những dải xanh với một vài vệt tím. Rằng ánh sáng vẫn còn đó. Hãy cố gắng hơn

Nhưng đáng sợ nhất, là một dải giấy trắng.
Trắng xóa, không đỏ, tím, xanh.
Một ngày lãng nhách vừa qua đi chẳng lấy lại được, vì bạn quyết định chẳng tô màu gì cho nó cả. Và thế là nó trắng trơn. Không vui, không buồn, không gì cả. Vô cảm

Ngay bây giờ, tôi đang thử tưởng tượng xem "dải giấy hôm nay như thế nào?".
Có 1 khoảng trắng. Có nhiều khoảng xanh. Có 1 khoảng đỏ, và nhiều mảng tím. Ngay trong gõ những dòng này, nó vẫn tím :)) Và nó nhắc, rằng phải cố gắng hơn.

 Còn cái tôi rút ra sau mớ lảm nhảm này là gì?  Cuộc đời này, cơ bản là màu tím :)))))
 .
.
.
.
 .
.

   Trên đây là một stt từ lâu lâu rồi (kiểu điên dở ấy mà)
Đọc lại thấy cũng đung đúng, nhưng có chỗ sai lè
Vì có những khoảng trắng xóa thật không phải là vì bản thân không quyết định tô màu, mà là vì không thể tô được. Nó buộc phải "trắng xóa", vì nó là thế. Một khắc rỗng tuếch ngớ ra trước một sự vật Vô Cùng (đẹp hoặc xấu, tùy). Tâm trí không tập trung nổi cho bất cứ việc gì. Hoặc đơn giản thôi, khi bản thân lựa chọn "Nó là màu trắng" - vô vi, vì bọt tháng ngày, vì bọt đời. Và thế là nó trắng

Và bản thân tôi còn khám phá ra một màu mới trên "dải giấy": đen. Đen: là khi một đoạn "giấy" được tô đè lên nhau quá nhiều xanh lẫn đỏ, cứ day đi day lại, hết đỏ lại xanh, và cuối cùng, khi không còn ranh giới, thì một hỗn hợp ĐEN xuất hiện. Đen, và lem nhem. Đen, cho những cả nghĩ; đen, của tự vấn; đen, của suy tưởng. Đen, khi yêu, và ghen :))... Nguy hiểm. Thật nguy hiểm!
Và nguy hiểm nhất là với một "dải giấy" đôi khi quá mỏng, lúc ta day đi day lại, hết đỏ lại xanh thì đâu biết chừng, màu đen xuất hiện cũng là khi dải giấy đứt.

Nhưng mà khỏi xoắn đi, không phải màu đen dễ mà có mặt trên dải giấy đâu. Vì có phải lúc nào cũng dư màu với thời gian mà tô với vẽ. Và có phải ai cũng đủ sức mà tô thành được một khắc ĐEN!!!

Còn cái rút ra sau phần lảm nhảm thêm này là gì?
Cuộc đời này, cơ bản vẫn là màu TÍM
:)))))))
Ồ dê

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Rủ?

 2 tiếng trước là thời khắc khép lại 2 ngày Quốc Tang
 Cờ rủ ở mọi nơi
 Trên phố
 Ngoài công viên
 Giữa quảng trường Ba Đình phẳng lặng
Và đó cũng là những thời khắc sau cuối của cuộc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng


Quay trở lại hơn 1 tuần trước, khi tin ông mất lan đi trong cộng đồng mạng
Cảm giác đầu tiên khi tôi nghe tin ấy là một sự nhẹ lòng. Nhẹ lòng, khi biết được một con người đã hoàn thành dương mệnh của mình và thực sự được an nghỉ. Cách đây gần 2 năm, tôi được nghe một người bác sĩ ở viện 108 có nói rằng Tướng Giáp đã yếu đi nhiều lắm, người gắn cơ man nào dây nào ống, ngày ngày tiêm không biết bao nhiêu thuốc nước. Nghĩ mà xót đau (trong khi ấy đài báo oang oang: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ phát biểu nhân dịp...." ). Không rõ người ta phải oằn mình giữ ông lại trên dương thế này làm gì khi việc ấy chỉ để nới sâu những cơn đau, kéo dài những chuỗi ngày đợi chờ vô vọng. Vì vậy, hay tin ông ra đi là lòng tôi chợt nhẹ. Vì những cơn đau sẽ không còn xâm chiếm cơ thể; vì sự thật có níu kéo cũng vô ích; và rằng thời gian chẳng chừa một ai - ai cũng sẽ phải tìm về với đất. Giật bỏ hết dây nhợ, và con người ta lại thật an lành

Còn sau nhẹ lòng, là im lặng.
Tôi không xót thương. Đúng vậy, không xót thương. Tôi hàm ơn con người vĩ đại ấy, nhưng tôi không biết ông đủ để xót thương. Vì vô cảm, nên không cần, và không nên nói gì cả. Vì vô cảm, nên quyền để lên tiếng cũng đâu còn quan trọng.
Biết gì đâu để mà lên tiếng đây?
Với tôi, im lặng lúc này là một sự tôn kính thực lòng với người đã khuất
 Hãy để cho thời khắc ấy trôi đi đúng theo trình tự của nó



     Nhưng thật lạ làm sao, khi xung quanh không gian ấy lại nẩy ra bao thứ.
 Trước nhất, là những người có phần giống tôi. Không biết ông đủ để xót thương. Nhưng quàng quạc rằng: "Tôi hổng có quen có biết ông tướng nọ, thì việc gì phải tỏ vẻ này kia".

Tiếp theo là những người tỉnh táo. Họ có thể thương, nhưng không xót. Và họ lên tiếng, vì đã biết ông, có thể là đủ, hoặc tương đối đủ. Họ nói những cái họ muốn nói, và thấy cần phải nói. Vì họ có quyền lên tiếng. Vậy thôi

Sau, là những người xót thương, và lên tiếng. Nhưng lên tiếng cũng có nhiều cách. Có những người tiếc nuối một vĩ nhân, thương cho một quá khứ mà cất tiếng nghẹn. Có những người khóc cho một tiếng khóc chung của dân tộc. Có những người khóc cho tương lai. Và người, lên tiếng chỉ để chỉ để lên tiếng

Sau thứ, là những người xót thương trong im lặng. Vì nỗi đau đủ lớn không cất nổi thành lời.

Và cuối cùng, là những người không xót thương, nhưng hòa vào dòng người xót thương. Những người này thì hẳn là luôn mở mồm. Vì nếu không mở mồm, thì ai mà biết được là họ đang "xót thương"

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì đã tốt. Nhưng con người, đặc biệt là ở thời điểm này, lại thích nói, và đã nói thì phải phán xét nhau. Đành rằng việc lên tiếng đã có người đúng người sai (về mặt thái độ) nhưng công kích nhau thì chẳng phải điều nên làm (còn nhóm Tỉnh táo, có chăng, chỉ là thời điểm nói mà thôi). Người bảo kẻ kia "Đám đạo đức giả", người nói "Lũ mất gốc, mất dạy", rồi "Sồn sồn một lũ chạy theo số đông"... Vậy đó, "lòng thành kính" và "sự xót thương" chỉ để khẳng định Cái Tôi, chứ không để dành cho ai khác cả. Và "ai khác cả" trong trường hợp này là người đã khuất.
Buồn không? Có, buồn cười, và buồn lòng, khi sự ra đi của một con người lại trở thành một thứ "hài kịch" như thế.
Nỗi đau được nối dài ra như vậy, há chẳng đau hơn?

Thay vì việc nói nhau như vậy, thì sau mất mát và tiếc thương có những việc cần làm hơn rất nhiều
Trong lúc này, vụ nổ nhà máy pháo ở Phú Thọ vẫn đang tang tóc
Trong lúc này, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang có cuộc "viếng thăm" cấp quốc gia
Và trong lúc này, những con người trên dải đất chữ S vẫn đang vằn vọc sống một đời "hậu sản"
Cờ rủ vậy, liệu đã đủ hay chưa?

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Mùa thu đi hội sách

    Về cơ bản, những tựa sách mình thích thường hay góp mặt ở quầy đồng giá 10 nghìn, 15 nghìn (hoặc là giảm 50%) ...  Hội sách lần này cũng không ngoại lệ. "Haroun và biển truyện", "Không gì là mãi mãi", "Trên bãi biển Chesil", "Nhật ký chim én" vân vân và mây mây... (Tự dưng lại nhớ đến "huyền thoại ế ẩm" ở tiệm chú Thắng quá đi mất: "Cháu với cái Vân, chúng mày sồn sồn đi thuê bộ nào là y như rằng, chú mua bộ đó chỉ để cho 2 đứa mày thuê thôi" :)) Thật vãi chưởng dớp ế)

   Thế giới các mọt sách khá là nhỏ. Đi một xíu là gặp người quen. Vỗ vai nhau cười một cái, hoặc nhìn và cúi nhẹ đầu chào. Công nhận là nhỏ thật ^^ Nhưng nhỏ, mà vui  (hay mình ở dạng dày mặt nhanh chân, thuyền nào cũng đến bến nào cũng đậu nên hay gặp các bạn khác?)

  Nổi bật trên khu sách mới có cuốn "Những màu khác" của Pamuk. Dày và ấn tượng. Mở cái mục lục, thấy có phần viết "Sách". Bài thứ nhất: "Tôi đã vứt bỏ những cuốn sách của mình như thế nào", giở ra đọc một chút, đã thấy thinh thích. Bài thứ 4: "9 điều về bìa sách", đọc thấy thích hơn. Từ từ ngó cái giá ở bìa 4, nhẩm nhẩm tính và nhẹ nhàng... đặt sách về chỗ cũ. Hẹn bạn vào tháng sau nhé "Những màu khác", quá ngân sách rồi (đã kịp mở phần lưu chiểu để thấy sách được in với một lượng tương đối lớn - AQ tí ấy mà)

  Trò chuyện vu vơ ở quầy
- Ô chị à! Không đeo kính nên em chả nhận ra
- Ừ (cười tươi). Hôm qua có thấy em mà chờ mãi không thấy đâu cả
- Bữa ấy em chạy sô lên buổi giới thiệu sách của nhà văn Băng Sơn nên hơi vội ạ. Mà đông quá. Nói bạo mồm chứ 2 hôm tới hội sách sẽ còn đông nữa đấy chị
- *cười còn tươi hơn lúc nãy* :">
          Mình thầm nghĩ: hẳn là thế rồi, quốc tang nên các hoạt động vui chơi tập thể đều bị dời lịch, bar biếc karaoke các kiểu tạm nghỉ, tivi cắt sóng thì đương nhiên, hội sách sẽ đông. Hehe

   Nhìn trộm
Ở hàng ghế ngồi nghỉ có một anh ôm cả chồng sách cao. Lát sau, một chị ôm chồng sách cao không kém từ phía bên kia tiến về gần anh "sách cao" ấy. "Anh lấy cho em mấy cuốn này rồi này". Chị nhoẻn miệng rồi thả toàn bộ chồng sách của mình lên 2 tay anh, đoạn rướn người hôn đánh *chút* một cái. Ôi những người yêu sách yêu nhau trong hội sách :))

Mùa thu lác đác là rụng, đi hội cũng chỉ có thể nhặt nhạnh được nhường ấy thôi. Những mẩu chuyện lặt vặt, không đầu không cuối

p/s: Tựa đề bài viết được lấy theo một cuốn sách thuở ấu thơ của mình, tập truyện "Mùa thu đi hái dọc" của tác giả Trần Thị Thắng