Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Đặt chân vào "Khu vườn mùa hạ"

 "Ngày xưa, hồi còn nhỏ một ông bác đã nói với tôi rằng chết có nghĩa là ngưng thở. Và suốt một thời gian dài tôi đã tin là như vậy. Nhưng điều đó không đúng. Bởi vì sống đâu chỉ là thở...
   Điều đó chắc chắn sai rồi... "

  Một lối tư duy quả là lạ so với lứa tuổi 12 của một cậu bé phải không? Nhưng với tôi, đó là một suy nghĩ đúng. Sống, với con người,không chỉ đơn thuần là thở, là ăn ngủ chơi và cả những nhu cầu khác để duy trì sự sống của mình.
   Sống, còn là kết bạn. Tuổi thơ của bất cứ ai chắc hẳn cũng có ít nhất một "người bạn" - một cuốn vở để ghi lại những cảm xúc của mình, một cái cây,ngôi nhà thân thuộc, hay một con thú cưng... và có thể là cả những người bạn bằng xương bằng thịt. Ba đứa trẻ, ba nhân vật chính của chúng ta cũng vậy
           Kiyama, nhân vật "Tôi" của câu chuyện, một thằng nhóc cao lêu ngêu,gầy guộc (túm lại là có ngoại hình không được bắt mắt) sống trong một gia đình Nhật đơn thuần, cha đi làm suốt ngày và mẹ là một bà nội trợ nát rượu. Hai đứa trẻ còn lại, là Yamashita mập, con một cửa hàng cá với cái đầu không được thông minh cho lắm,hay nói đúng hơn là, với thằng bé, nạp đồ ăn vào sẽ có hiệu quả hơn là những chữ nghĩa phức tạp (tin tôi đi, không có hàng ăn ngon nào trong khu phố mà thằng bé không biết cả :D) và Wakabe, một thằng bé cận thị với tính khí kỳ quặc. Gia đình cậu bé đã tan vỡ khi người cha đã bỏ hai mẹ con để ra đi... Ba đứa trẻ, ba dáng hình, ba tính cách, chẳng có điểm chung nào hết đã là bạn thân của nhau đấy!

                        
      Sống là học hỏi. Không chỉ đơn thuần là học tập sách vở (cái này thì người Việt Nam mình giỏi rồi ^_^) mà còn là học từ cuộc sống, là rèn luyện cả thể lực và tinh thần nữa. Ta sẽ bắt gặp những buổi sinh hoạt ngoại khóa của lũ trẻ ở clb đá bóng, những buổi đi bơi trong chiều hè nóng nực, khóa huấn luyện xa nhà ở thị trấn ven biển, và cả buổi...kể chuyện ma của bà cụ chủ nhà trọ. Tất cả đều vun đắp và bồi dưỡng cho bọn trẻ về thể lực, tình đồng đội, sự đoàn kết và cả một tinh thần sung mãn.
      Sống... còn là gì nữa? Là nhiều, rất nhiều những điều mà tôi chẳng có đủ sức kể hết. Tôi luôn cho rằng mỗi một con người sinh ra là chủ sở hữu một thế giới của riêng mình. Con người tò mò thám hiểm, thế giới ấy sẽ chuyển động. Con người xây dựng những mối quan hệ, thế giới ấy sẽ kết nối. Một người cô rất đáng quý của tôi đã nói rằng  "Sống là đáng quý khi biết mở lòng mình một cách chân thật nhất", và khi ấy ta sẽ biết nhiều hơn, sẽ thấm thía sâu sắc về những "thế giới" khác ở quanh. Sống là để khám phá và mở rộng "Thế giới" của riêng mình...
    Ba đứa trẻ đã trải nghiệm điều ấy khi "gặp gỡ" (đúng hơn là điều tra) về ông cụ, một nhân vật kỳ lạ mà vốn ban đầu chỉ là đối tượng "nghiên cứu" của lũ trẻ. Một tình bạn mới được xây dựng, những "thế giới" nhỏ được mở rộng, và cả 4 người trong tình bạn kỳ lạ ấy đã biết và học được thêm nhiều điều.
        Biết vệ sinh nhà cửa theo đội  :D và làm vườn như những người thợ học việc đích thực. Nhổ cỏ, làm đất , mua hạt giống và tưới tắm chăm sóc cho khoảnh vườn nhỏ
        Biết gọt lê cho đúng và khéo .Chắc chắn người đọc sẽ không thể quên khoảnh khắc Kiyama gọt cho mẹ của mình trái lê,một chi tiết rất thú vị về sự quan tâm rất con trẻ dành cho người lớn, giây phút mà khi ấy tình gia đình đang dần sống lại.
        Biết đọc chữ Hán và viết những từ mới 
        Biết đến pháo hoa mùa hè
        Biết hưởng thụ thành quả lao động của mình (Cái cách bổ dưa ăn trong sách khiến tôi phát thèm)
        Cả những rung động đầu đời....
        Biết quan tâm, chăm sóc tới những điều nhỏ bé khác.
        Nhiều nhất, có lẽ là biết lắng nghe và chia sẻ. Ngôi nhà chìm trong sắc xanh của khu vườn mùa hạ ấy đã được lắng nghe rất nhiều tâm sự, về sự vụng về của Kiyama, về tình yêu và ước mơ được theo nghề bán cá của Yamashita, bí mật về người cha của Wakabe, và cả những câu chuyện đau lòng trong quá khứ của ông cụ. Những câu chuyện đó được chia sẻ một cách chân thành, để rồi được giải tỏa phần nào trong tâm trí khắc khoải của những người trong cuộc.
        Và có lẽ, điều được "biết" tới, một trải nghiệm đau đớn nhất,đó là về cái chết. Chết không chỉ đơn thuần là ngưng thở. Một con người ra đi còn để lại khoảng trống trong cuộc đời của biết bao những người khác, một khoảng trống không dễ gì khỏa lấp và thay thế được...

  Vậy, đây (lại) là một cuốn sách buồn và u ám sao? Đừng chỉ vì một sự ra đi mà đánh giá nó như vậy. Suy ngẫm về quá khứ và cái chết là một nét nổi bật trong những cuốn sách văn học Nhật mà tôi từng được đọc, và câu chuyện này cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng Khu vườn mùa hạ ấy vẫn ngập tràn ánh sáng sắc xanh của hy vọng và tương lai bởi lẽ hành trình của những người trẻ chưa kết thúc tại đó. Điều này, phần nào được lột tả qua một giọng kể rất trong trẻo và hồn hậu của tác giả Kazumi Yumoto. Cô khiến cả cuốn sách như biến thành một tập nhật ký với lối văn giản dị, gần gũi và mộc mạc nhưng lại có chút hài hước châm biếm thật nhẹ nhàng. Người đọc sẽ chỉ đứng ngoài quan sát, nhưng tôi tin là đã dõi theo thì khó lòng mà dứt ra cho đặng.
     Một nét thú vị khác là cách dựng truyện dựa trên tình bạn của những đứa trẻ và một cụ già, giữa một thế giới non nớt, đầy khát khao tò mò khám phá nhưng cũng dễ bị thương tổn và một thế giới của trải nghiệm đường trường, của một con người đủ tri thức cũng như sự chín chắn để từ tốn chờ những đứa trẻ mở lòng, và cũng để tự giãi bày lòng mình, để lắng nghe và sẻ chia. Việc già đi, lưng còng xuống và mặt mang nhiều nếp nhăn cũng mang những ý nghĩa của riêng mình mà thôi. Có một chi tiết đáng lưu ý, đó là những nhân vật trong Khu vườn mùa hạ được tạo nên từ ký ức của chính tác giả với người ông của mình. Có lẽ bởi vậy mà 3 đứa trẻ trong truyện mang suy nghĩ hơi quá già dặn so với tuổi của mình chăng, vì đó là hình ảnh và tâm tư được gửi gắm của chính tác giả. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là sự phản chiếu hình ảnh chân thật của những đứa trẻ cùng trang lứa ở Nhật Bản, một dân tộc với những tư duy kỳ lạ và khác với thế giới, và câu chuyện này sẽ khiến lối tư duy của dân tộc khác lạ ấy đến gần với đọc giả hơn mà thôi.

       Khá gây ấn tượng với tôi,đó là tựa đề của cuốn sách: "Khu vườn mùa hạ". Đó là khoảnh vườn nhỏ được lũ trẻ cải tạo lại từ một đống rác, và giờ,sau khi vượt qua những ngày nắng oi ả cùng những cơn mưa bão mùa hè, nó trở mình thành một vườn cúc cánh bướm, kiêu hãnh vươn mình sau tất cả, cả khi người chủ đã ra đi... là "khu vườn khi nào nở đầy cúc cánh bướm, nơi này sẽ thành ra ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên đấy!". Tương lai, có lẽ mảnh vườn cũng sẽ giống như người chủ của nó, bị lọt vào quy hoạch cải tạo của đô thị và biết mất không dấu vết. Nhưng chắc chắn cả hai vẫn sẽ được lưu lại, như những kỷ niệm khó quên trong tâm trí của những đứa trẻ. Sự khắc nghiệt của thời gian không thể làm hao mòn đi tính bất định của cuộc sống. Chắc chắn là vậy. Mùa hạ của bước ngoặt, với đầy những ký ức vui và buồn của 3 đứa trẻ đã qua đi, nhưng tôi tin là từ xuất phát điểm ấy, chúng sẽ trải qua nhiều, thật nhiều những mùa hạ khác khi tiếp tục cất bước trên cuộc đời của riêng mình
    "Ánh sáng luôn hiện hữu quanh ta nhưng màu sắc của nó lại ẩn đi. Trong thế giới này có vô vàn thứ đang ẩn nấp, vô vàn thứ ta không nhìn thấy được. Có thứ như cầu vồng, thời tiết thay đổi một chút là đã hiện ra. Nhưng có những thứ,phải trải qua một quãng đường rất dài ta mới có thể thấy nó"
   Hiện tại,cả ba đứa trẻ vẫn chưa tìm ra được, nhưng chắc chắn chúng đang trên hành trình để hoàn thành mục tiêu ấy của cả cuộc đời

  P.s: tôi đến với Khu vườn mùa hạ một cách kỳ quặc, nó đến từ thói quen mượn sách từ một tiệm người quen. Cuốn sách với cái bìa xanh mát mắt này cứ lặng lẽ nằm ở nguyên một chỗ gần cả năm trời. Và tôi chỉ từ tốn nhấc nó lên mượn về đọc với tư tưởng "Tao sẽ xóa cái "dớp" ế ẩm cho mày nhé". Nhưng giờ nó chiếm trọn cả tâm trí của tôi rồi. Việc cần làm là gì ư? Trước hết, là phải đi trả lại sách đã :D và sau đó, sẽ là khẽ khàng nói với cô chủ cửa hàng "Cô ơi,cháu mua cuốn sách này nhé..."

                                                    Hà Nội, cuối thu 2011

1 nhận xét: