Nhưng chủ định cũng thoải mái là chọn một cuốn nhẹ nhàng cho ngày nghỉ. Và rồi, sau những giờ tản bộ trên đường giữa những luống lá khô rụng lả tả trong nắng hạ, tôi lại nhấc cuốn sách này khỏi giá, nhẹ nhàng đúng như cái tên của nó, Mùa thu của cây dương
Câu chuyện kể về quãng thời gian của Chiaki và mẹ cô bé sau sự ra đi của người cha. Ông mất quá đột ngột. Đó là nỗi mất mát khôn tả cho thành viên còn lại trong gia đình, mẹ và Chiaki. Hai mẹ con rong ruổi khắp nơi trên những chuyến tàu điện và cự tuyệt thế giới xung quanh cho đến khi họ tìm thấy trang viên Cây Dương, nơi phủ một tấm áo vàng ấm tình người. Nơi đó có một cô gái kỳ quặc, tưng tửng nhưng đầy sự quan tâm ( đôi lúc còn là hơi quá) . Có ông bác lái taxi đã li dị, cùng một đứa con trai thật dễ mến. Và nhất là sự hiện diện của bà chủ quán trọ, bà cụ già móm mém mặt hõm sâu đến mức được gọi bằng biệt danh là "thủy thủ Popeye, nhưng là người xấu"... Đó là những dòng hoài niệm trong tâm tưởng Chiaki khi cô, giờ đã là một y tá 27 tuổi, trở về Trang viên cây dương viếng một đám tang. Và trong hành trình nặng nề ấy, một điều bất ngờ đã đến với cô, một bí mật mà cô không bao giờ ngờ tới.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Cuốn sách có nội dung và thông điệp không quá mới lạ, cũng những câu chuyện về gia đình, về cái chết và về cuộc đời những người sống - tư tưởng quen thuộc trong vh Nhật Bản đương đại. Nhưng nó giản dị và ấm áp lắm, gần gũi thân thuộc lắm. Để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, đó là cách tác giả gợi lên ý nghĩa của việc VIẾT đối với những giai đoạn khó khăn của con người. Tôi bắt gặp không biết bao lần thông điệp này ở những cuốn sách khác, như trong " THIÊN TÁNG " , ghi chép đã được nhắc tới như một cứu cánh của con người trong những hành trình gian nan bất tận. Rồi ở "Không gì là mãi mãi" việc viết Nhật ký đã trở thành sức mạnh, thành niềm tin để bà mẹ vượt qua nỗi đau mất mát tột cùng khi để "thất lạc" cô con gái nhỏ. "Mùa thu của cây dương" cũng nhắc tới điều ấy, qua câu chuyện của những bức thư được gởi tới thế giới người đã khuất. Chiaki đã bắt đầu sử dụng "dịch vụ" viết thư này để vượt qua quãng thời gian khủng hoảng của mình. Cô bé viết, viết liên tục, hầu như hàng ngày, bắt đầu bằng một vài dòng thật ngắn. Và rồi, những lá thư bắt đầu dài ra, nhiều chuyện hơn, và cũng thưa thớt dần đi. Những cánh thư ấy không chỉ đơn thuần giải tỏa những bức bối, đau thương mà còn đang xoa dịu vết thương của con thú còn non ấy. Và rồi, những lá thư được chuyển thành các con chữ được lưu vào tim cô bé với tên gọi "Kỷ niệm"... Ý tôi không nói rằng "Khi bị tổn thương, mất mát, hãy viết". Viết chỉ là một trong những cách để con người vượt qua bản thân trong quá khứ đớn đau. Nhưng sức mạnh của việc Viết lách là không thể phủ nhận. Như trong trường hợp này, những là thư gởi đến người đã khuất quả thật đã làm tròn nhiệm vụ của nó. Người ta viết, sẽ tuôn vào đó biết bao những tâm sự, những dự định, những ước muốn. Tất cả chỉ để cho thỏa nỗi nhớ và ghìm nén cảm giác đau thương đang quặn thắt, cào xé. "Nỗi nhớ" dường như là một "chứng bệnh" trầm khan chẳng thế cứu vãn nổi của loài người. Càng nhớ, lại càng đau. Càng đau lại càng không thể quên. Có lẽ bằng việc Viết, ta được xoa dịu và dần dần nước thời gian sẽ chữa lành những vết thương (dù chẳng thể nhanh chóng và triệt để. Ít nhiều cũng sẽ có sẹo ở lại đó) Để đến một lúc nào đó ta thấy "Đủ rồi, đau thương vậy là đủ rồi". Và ta, những con người đang sống sẽ lại cất bước. Bản thân cái Blog lảm nhảm này cũng vốn được hình thành từ những khoảng thời gian chả lấy gì làm đẹp đẽ của tôi, nhưng nó, đúng như tên gọi, Niềm vui viết lách, nó đã khiến tôi vui. Là vậy đó. Tôi yêu vô cùng thông điệp này khi được nhắn gửi thật dõng dạc trong suốt cuốn sách. Thật vô cùng đáng quý !
Còn điều mà tôi coi đó là cốt lõi của cuốn sách này, đã nằm ngay trong tên của nó. Mùa thu của cây dương - là lúc cây dương đẹp nhất, và cũng chuẩn bị trút sạch lá để trải qua mùa đông rét mướt. Hình ảnh ấy trước nhất luôn gợi cho tôi nỗi buồn về mất mát. Cả cuốn sách này, ta bắt gặp không ít những con người đã gánh chịu nỗi đau khi người thân ra đi. Trước nỗi đau ấy, kẻ lạc lối tìm về ký ức; kẻ quỵ ngã, kẻ chạy trốn... Nhưng sau mất mát, điều quan trọng nhất là phải đứng dậy và đối mặt. Sức mạnh của con người được thể hiện ở điều ấy. Con người ai rồi cũng sẽ dần trải qua từng thời khắc, từng mùa xuân, hạ, rồi thu của riêng mình. Suốt dọc chiều dài ấy, điều ta phải nếm trải cũng chẳng hề ít, đủ tất thảy mọi thứ trên đường đời. Nhưng cõi đời mỗi người có hạn mà thôi, và thứ trôi qua sẽ chẳng thế lấy lại. Đừng để rồi ta phải thốt lên "Lúc ấy mình vẫn còn trẻ...". Chẳng bao giờ là muộn, là phi lý để sống hết mình. Ta đang là chính ta, sao lại phải vùi lấp bản thân? Dù có đang dừng lại ở điểm nào trên dòng chảy cuộc sống, dù có đang đắm mình trong sắc xuân phơi phới, tung tăng giữa nắng hè rực rỡ, hay cất bước buổi chiều thu u tàn, hãy cố gắng như cây dương, trong chốc lát có lẽ sẽ trụi lá tả tơi, nhưng luôn huy hoàng vàng rực, tuyệt đẹp hết mình để khi lìa cành chìm mình vào mặt đất cũng thật nhẹ nhàng thanh thản. Và biết đâu đấy, từ những mùn đất của lá vàng, khi xuân sang sẽ lấp ló những chùm lộc non xanh...
link hình ảnh Populus - Chi Dương. Wikipedia. and more
Eh! cai van de song het minh voi uoc mo dc song het minh la no hoi bi cao xa voi c, nhung ma cung phai thu 1 lan xem sao chu nhi :)
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Xóa