Trang

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Tết sách... tết ở trong lòng

23/4, tết Sách lại đến. Hội chợ thì nhiều cái cả hay lẫn dở, nhưng đã là "con đọc khát sách" thì nên đi :)))))
    Hành trang gọn gàng hết sức có thể, túi đeo nhiều ngăn và túi giấy để đựng sách (hạn chế tối đa nylon), cố gắng chọn chỗ để ví cho chắc (hội chợ là "cơ hội vàng" để bị thó đồ) và.... thẻ sinh viên để giảm phí vào Văn Miếu ;)

                                            Sách và bản quyền
Phần một: Thu hoạch.
Chủ trương  là đi cho biết, mua là phụ, cố gắng kiếm cái gì lạ lạ, hoặc hàng tồn kho. Chuyến này kiếm sách thiếu nhi cho con em và một vài thứ cho người quen nữa
   Bản thân thì túm được cho mình 2 cuốn, Tuyển tập các bài dự thi viết thư UPU (nghe quen không :">) và Trên bãi biển Chesil (cuốn này bị mất tích). Với bản thân, viết thư UPU cũng để lại một vài ấn tượng tốt về cái thời viết văn có cảm xúc chứ không rặt thuộc lòng và đối phó như những năm cấp 3. Vẫn nhớ bài viết thư "Gửi một người thân nơi xa" được lưu ở file của cô Vân, và bài "Hãy viết thư gửi một nhân vật cổ tích để giúp thế giới chống lại nạn khủng bố" :D  Viết thì ngây ngô nhưng nhớ lắm, vì có lẽ cái gì được viết ra thật thì cũng ở trong mình lâu hơn.

  Tóm được "hàng" lưu thông, là vài cuốn Chuyện tào lao của Nguyễn Ngọc Thuần - nhà văn thiếu nhi rất thú vị và lạ lẫm. Chuyện tào lao là sáng tác mới nhất của chú ra đời sau khi... lên xe hoa :"> , và cũng là truyện dài dành cho người lớn đầu tiên của Nguyễn Ngọc Thuần được xuất bản. Cuốn này là "hàng tuyệt chủng" ở Đinh Lễ, nhưng đáng buồn là do nó bán chậm quá nên bị hồi về nơi phát hành :((( (chứ không giống như các cuốn sách thiếu nhi của chú là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, hay Một thiên nằm mộng)
 Ngoài ra, còn sách thiếu nhi như Mio con trai ta (trời, cuốn này vẫn còn), The polar express (minh họa tranh tuyệt đẹp); rồi Nhật ký vùng tâm chấn (6 ngày kinh hoàng ở Sendai) - cuốn sách ghi lại thảm họa động đất sóng thần ở Nhật vào tháng 3 năm ngoái - trong hồi tưởng của các du học sinh VN, rồi cuốn Hoa đạo ( híc sách tham khảo) và Chuyến xe buýt màu xanh (hờ, bị ép mua :))))
  Chốt lại, đi cũng vui, tìm được vài thứ hay ho, và hội không bị nhạt nhẽo lắm (dù tổ chức khá tệ và lộn xộn)

 Phần hai: các gian hàng sách
   Các gian hàng năm nay thú vị, nhiều kiểu, tốt có, dở cũng đủ cả

  Ở góc khuất sát cạnh sân khấu chính về phía bên phải là một không gian cực yên tĩnh, nó có lẽ luôn thế và sẽ mãi thé. Đấy cũng là gian hàng mình ở lại lâu nhất. gian của Văn nghệ Quân đội. Ở đó có những cuốn hay, có lẽ cả nhà đều sẽ thích chứ không riêng mình mình, như Tuyển tập các tác phẩm đăng 1957-2000 (hic, cái cuốn cực cực hiếm), rồi Con người Việt Nam năm 75 (có một bác cầm cuốn này xúc động lắm, nhưng khi biết rằng sách không bán mà chỉ trưng bày thì bác tỏ ra buồn thê thảm), và Tình yêu nơi đáy ba lô :">, rồi tuyển tập Thư tình thời chiến :D.... nhiều nhiều nữa, và hầu như chỉ... trưng bày chứ không bán :( hic. Nhưng chắc nhìn thấy cặp mắt đói khát của mình nên chị trông quầy đã thương tình cho mình một gợi ý là một cái card hẹn đến Thư viện của tòa soạn Văn nghệ Quân đội để xem sách nếu thích :D hê hê

 Gian hàng gây chú ý nhất là Thái Hà books, huy động rầm rập toàn bộ quân đoàn từ đội ngũ biên tập, phụ trách cho đến bán hàng, cả một quân đoàn rực rỡ toàn da cam (logo Thái Hà màu cam) và thậm chí cả một em nhỏ vẽ tranh cổ động riêng cho Thái Hà nữa, cực hoành tráng. Quầy sách này nhiệt tình, nhiệt tình đến mức khó hiểu. Vào quầy, vô tình sờ đến một cuốn sách tôn giáo, ngay sau quầy chị chủ đã gọi, "kìa Thanh, khách chọn sách Tôn giáo kìa, giới thiệu đi". Cười lại để từ chối, lách sang quầy văn học, lại thêm một màn liên thanh khác :(. Đến lúc mình méo xệch miệng "Cứ để cho em tự nhiên" thì mới được tạm yên, gáy thì nóng bừng do vô số ánh mắt xuyên tâm tiễn :*(   Thế đành nhặt một cuốn có vẻ hay, với cái bìa trông cũng đẹp mang tên Chuyến xe buýt màu xanh rồi chuồn. Ngại thật đấy

  Nhã Nam vốn là quầy yêu thích của mình, nên lượn đi lượn lại ở đó cũng nhiều, có lẽ nhiều nhất. Ngồi hóng là chính :)) và gặp kha khá người quen ở quầy này. Mọt sách dễ gặp nhau thật

  Ngoài ra, các quầy khác cũng có, nhưng không đặc sắc lắm, như Kim Đồng, rồi Trẻ, Đinh Tỵ, Chính trị quốc gia và các nhà sách bán đủ thứ từ thiếu nhi đến người lớn.Kim Đồng là khu vực bán hàng... phản cảm nhất với một nhân viên luôn miệng "Mua sách đi các em, các bác, sách giảm giá 50% đấy ạ" không ngớt. Như là mổ trâu mổ bò vậy.

 Tổng quan cả lễ hội  cũng lộn xộn một chút, nhưng không gian thoải mái và không xô bồ

Phần ba: Chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật
 Chủ định là xuất phát muộn một chút để tránh phần diễn văn dài dòng khi khai mạc, chỉ cập bến lúc bắt đầu hội chợ và chương trình văn hóa thôi, và so ra thì cũng may khi quyết định như vậy. Lúc vào sân khấu chính thì cũng là lúc phần khai mạc kết thúc bằng màn thả các chùm bóng treo băng rôn cổ động. Và, không biết có phải do cố tình hay không, mà tất cả 4 chùm bóng (vô hình chung tượng trưng cho Sách, Văn hóa đọc ở VN, Bản quyền, và chính Lễ hội) đều... không cất cánh thành công :">. Điềm gì đó, ai mà biết ;) Chùm bay ngang, chùm bay giật lùi, và chùm... đứng yên chẳng nhúc nhích. Nhưng có lẽ chúng không cất cánh bay cao cũng vì phần băng rôn treo buộc nặng quá. Nặng thế bay sao nổi :P

   Các chương trình văn hóa văn nghệ cũng có một số cái vui, như màn diễn trích đoạn Sát thủ online (hừm, cứ tưởng bở là được gặp Sát thủ mưng mủ chứ, hóa ra...) diễn viên thì hào hứng và diễn đạt phết, nhưng tiếc là sân khấu không tốt nên hạn chế nhiều. Rồi tiết mục ngâm thơ, các diễn giả bị sự cố âm thanh nên đọc lên gân quá, nghe mất chất "thơ" vốn có. Có bài thơ còn "thơ" tới mức thô không tả nổi. Đáng ra nhà tổ chức nên cân nhắc hơn khi không gian sân khấu còn rất nhiều các em nhỏ tới dự, và phần "thơ thô" đó đáng ra không nên có, nó rất phản cảm


  Phần xếp sách nghệ thuật năm nay thua năm ngoái, không có gì đặc biệt lắm, ngoài một nhà sách là NXB Chính trị xếp được sách trọn vẹn hình logo của mình

   Chương trình như năm ngoái là các em nhỏ vẽ minh họa về các nhân vật trong sách và thi đấu. Thấy các bé vẽ cũng hăng lắm nhưng lại không diễn giải nổi tranh nên cũng cảm thấy hơi buồn. Ôi  thủ tục và hình thức, biết bao giờ mới tiến bộ đây.

11h hơn, ngồi nghỉ và nghe một ông cụ râu trắng phơ kể chuyện cho các cháu về việc đọc ngày xưa. Ngày xưa ấy sao mà xa lạ quá. Thật đáng tiếc. Tết sách, tâm thái để đọc, có lẽ chỉ lớn lên khi được nuôi dưỡng từ tận tâm mà thôi.


                                                
  11h30, tha chiến lợi phẩm về nhà. Cuốc bộ. Thời tiết đẹp đến lạ. Trời xanh dịu đầy mây, thi thoảng lại nhá nắng...

                        Kết thúc ngày thứ nhất của tết sách và lễ hội văn hóa đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét