"Này, cuốn Thiên táng hay quá nhỉ. Đêm qua mẹ ngồi thức đến hơn 1h đêm để đọc đấy, mãi bố mày giục tắt đèn ngủ thì mới thôi. Sáng sớm dậy... đọc tiếp"
Tôi sững người lại. Tai hơi ù đi, và thấy chút gì rạn vỡ. Chỉ còn phần sau câu chuyện của mẹ lọt vào đầu một cách không chủ đích.
"Sao thế, không thích mẹ sờ vào giá đồ quý của mày à?"
"Có vài cuốn cùng dòng đấy nữa đó mẹ à, trên đó có Hảo nữ Trung Hoa, bữa nào thích mẹ cứ đọc nhé. Cũng hay lắm. Con xin phép."
MẸ - Khúc ca của trái tim con
Ngẫm lại mới thấy, cách đọc sách của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều từ mẹ. Các bác vẫn kể rằng hồi nhỏ, cả nhà rặt toàn trẻ lít nhít thì 2 đứa em gái út ít luôn ham đọc. Từ những cuốn truyện cổ tích trên lớp, rồi Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử của các ông anh. Và rồi lớn lên thì thích văn học các kiểu, từ Tố tâm, Mẫn và tôi của Việt Nam, rồi Jên Erơ, Cuốn theo chiều gió, Bá tước Mông tơ crits tô của phương Tây và nhiều nhiều nữa . Đặc biệt, mẹ tôi còn bị dị ứng với tiểu thuyết diễm tình Sài Gòn trong khi khối thiếu nữ mơ mộng chết mê chết mệt với nó. "Cái thứ hồng sến chảy nước", mẹ vẫn thỉnh thoảng đá một cái :"> (Có lẽ vì vậy mà mình bị di truyền, có chết cũng không đọc được một cuốn Ngôn tình Trung Quốc cho nổi, và Mac Levy, rồi Musso cũng chỉ đọc một lần rồi thôi) Nhưng mọi thứ ít nhiều cũng thay đổi, con người khi lăn lộn với cuộc sống thì thời gian dành cho thú vui và đam mê của riêng mình cũng giảm đi. Mẹ cũng không ngoại lệ. Kiếm sống và chăm lo thu vén cho gia đình, giờ niềm vui đọc của mẹ chỉ dừng lại ở những tờ báo hàng ngày, Hà Nội tin chiều, An ninh, và gần đây là Đang yêu. Tuyệt nhiên những cuốn sách không còn chiếm những khoảng không quanh mẹ nữa. Và tôi, thấy mẹ cũng đủ vất vả nên không muốn mẹ phải thêm mỏi mắt hoặc bận mình vào sách vở. Đáng buốn thay, cái "lấn cấn" ấy cứ lớn dần, lớn dần lên thành một cái cớ để đến lúc dù có kho sách cho riêng mình, tôi cũng không chia sẻ chúng nhiều cho mẹ. Tôi khư khư bảo thủ quan điểm đó của mình, cho đến khi giật mình nhận ra mình đã sai như thế nào. Niềm ham thích với việc đọc của mẹ vẫn chẳng hề giảm...
Ảnh trên mạng thôi, không phải mẹ đâu ^^ |
Đúng vậy, đam mê đó vẫn chưa hề nguội lạnh. Thi thoảng, mẹ lại lôi vài cuốn sách cũ ra đọc lại, trong đó có Thiên Táng, rồi kể về những thứ có liên quan. "Cách mạng văn hóa TQ kinh hoàng lắm, thời ấy dân khổ và "nghèo" đến thảm thương, con người chẳng thể khá lên nổi. Việt Nam mình cũng chỉ dẫm vào những vết xe đổ, thậm chí còn đào sâu hơn", "Hồi xem Mê Kông ký sự, nhà của người dân Tây Tạng y hệt những gì cô Hân Nhiên kể lại, từ những mái lều vươn lên giữa thảo nguyên gào gió, rồi lối sống tự cấp tự túc, món gì cũng có sữa ngựa... và những con người ở đó mộ đạo đến đáng kinh ngạc. Họ, dù nhỏ bé trước thiên nhiên, nhưng vẫn sống, và yêu cuộc sống của mình". Tôi chỉ lặng nghe. Và thầm nghĩ, "Giá mà... Sớm được chút nào hay chút ấy. Quỹ đọc của mẹ..." Dù dòng chảy của cát thời gian khiến cơ thể ta chậm chạp đi, đôi mắt không còn được tinh nhanh, và những khoảnh khắc rảnh rỗi càng hiếm hoi vô cùng thì những niềm đam mê vẫn còn đó, dù ít hay nhiều, vẫn chờ để được cháy. Và trong mẹ, ngọn lửa dành cho sách vẫn chưa hề lụi tàn. Giờ tôi mới thấm được phần nào điều ấy.
Con cái thành đạt là niềm hạnh phúc của bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng đôi lúc, chỉ chăm chắm vào con đường "thành đạt" mà ta quên đi người đã hướng chúng ta đến đó cùng những hy sinh mà, có lẽ ta chẳng thể biết được hết. Tôi cũng vậy, cũng vô tình không để ý. Một trong những thứ nuôi dưỡng tình yêu với sách bút của tôi là bắt nguồn từ "tủ sách" của mẹ. Nó đã hao mòn và già cỗi đi, dù ít dù nhiều, đã đến lúc bù đắp lại nó. Giờ, có lẽ tôi sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ. Sẽ sắp xếp việc nhà gọn gàng hơn nữa. Sẽ đầu tư cho những cuốn sách mà mẹ quan tâm. Và quan trọng nhất, đó là cố gắng để dành ra đó những khoảnh khắc thư giãn. Bắt đầu từ đó, sẽ là một "Không gian đọc của mẹ". Muộn còn hơn không. Dù luôn tuôn chảy, nhưng những hạt cát vẫn đọng lại trong đồng hồ đó thôi.
.... Đồng hồ vẫn lặng lẽ "Tick tick tick tick tick...."
Còn gần 23h nữa là đến Ngày của Mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét