Trang

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Chẳng bao giờ là muộn để sống hết mình.

  Định bụng cai sách Nhật trong một thời gian, chỉ đọc manga, thế rồi lại... sa chân, ầy
  Nhưng chủ định cũng thoải mái là chọn một cuốn nhẹ nhàng cho ngày nghỉ. Và rồi, sau những giờ tản bộ trên đường giữa những luống lá khô rụng lả tả trong nắng hạ, tôi lại nhấc cuốn sách này khỏi giá, nhẹ nhàng đúng như cái tên của nó, Mùa thu của cây dương

  


  Câu chuyện kể về quãng thời gian của Chiaki và mẹ cô bé sau sự ra đi của người cha. Ông mất quá đột ngột. Đó là nỗi mất mát khôn tả cho thành viên còn lại trong gia đình, mẹ và Chiaki. Hai mẹ con rong ruổi khắp nơi trên những chuyến tàu điện và cự tuyệt thế giới xung quanh cho đến khi họ tìm thấy trang viên Cây Dương, nơi phủ một tấm áo vàng ấm tình người. Nơi đó có một cô gái kỳ quặc, tưng tửng nhưng đầy sự quan tâm ( đôi lúc còn là hơi quá) . Có ông bác lái taxi đã li dị, cùng một đứa con trai thật dễ mến. Và nhất là sự hiện diện của bà chủ quán trọ, bà cụ già móm mém mặt hõm sâu đến mức được gọi bằng biệt danh là "thủy thủ Popeye, nhưng là người xấu"... Đó là những dòng hoài niệm trong tâm tưởng Chiaki khi cô, giờ đã là một y tá 27 tuổi, trở về Trang viên cây dương viếng một đám tang. Và trong hành trình nặng nề ấy, một điều bất ngờ đã đến với cô, một bí mật mà cô không bao giờ ngờ tới.

                   ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ 
        
       Cuốn sách có nội dung và thông điệp không quá mới lạ, cũng những câu chuyện về gia đình, về cái chết và về cuộc đời những  người sống - tư tưởng quen thuộc trong vh Nhật Bản đương đại. Nhưng nó giản dị và ấm áp lắm, gần gũi thân thuộc lắm. Để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, đó là cách tác giả gợi lên ý nghĩa của việc VIẾT đối với những giai đoạn khó khăn của con người. Tôi bắt gặp không biết bao lần thông điệp này ở những cuốn sách khác, như trong " THIÊN TÁNG " , ghi chép đã được nhắc tới như một cứu cánh của con người trong những hành trình gian nan bất tận. Rồi ở "Không gì là mãi mãi" việc viết Nhật ký đã trở thành sức mạnh, thành niềm tin để bà mẹ vượt qua nỗi đau mất mát tột cùng khi để "thất lạc" cô con gái nhỏ. "Mùa thu của cây dương" cũng nhắc tới điều ấy, qua câu chuyện của những bức thư được gởi tới thế giới người đã khuất. Chiaki đã bắt đầu sử dụng "dịch vụ" viết thư này để vượt qua quãng thời gian khủng hoảng của mình. Cô bé viết, viết liên tục, hầu như hàng ngày, bắt đầu bằng một vài dòng thật ngắn. Và rồi, những lá thư bắt đầu dài ra, nhiều chuyện hơn, và cũng thưa thớt dần đi. Những cánh thư ấy không chỉ đơn thuần giải tỏa những bức bối, đau thương mà còn đang xoa dịu vết thương của con thú còn non ấy. Và rồi, những lá thư được chuyển thành các con chữ được lưu vào tim cô bé với tên gọi "Kỷ niệm"...  Ý tôi không nói rằng "Khi bị tổn thương, mất mát, hãy viết". Viết chỉ là một trong những cách để con người vượt qua bản thân trong quá khứ đớn đau. Nhưng sức mạnh của việc Viết lách là không thể phủ nhận. Như trong trường hợp này, những là thư gởi đến người đã khuất quả thật đã làm tròn nhiệm vụ của nó. Người ta viết, sẽ tuôn vào đó biết bao những tâm sự, những dự định, những ước muốn. Tất cả chỉ để cho thỏa nỗi nhớ và ghìm nén cảm giác đau thương đang quặn thắt, cào xé. "Nỗi nhớ" dường như là một "chứng bệnh" trầm khan chẳng thế cứu vãn nổi của loài người. Càng nhớ, lại càng đau. Càng đau lại càng không thể quên. Có lẽ bằng việc Viết, ta được xoa dịu và dần dần nước thời gian sẽ chữa lành những vết thương (dù chẳng thể nhanh chóng và triệt để. Ít nhiều cũng sẽ có sẹo ở lại đó) Để đến một lúc nào đó ta thấy "Đủ rồi, đau thương vậy là đủ rồi". Và ta, những con người đang sống sẽ lại cất bước. Bản thân cái Blog lảm nhảm này cũng vốn được hình thành từ những khoảng thời gian chả lấy gì làm đẹp đẽ của tôi, nhưng nó, đúng như tên gọi, Niềm vui viết lách, nó đã khiến tôi vui. Là vậy đó. Tôi yêu vô cùng thông điệp này khi được nhắn gửi thật dõng dạc trong suốt cuốn sách. Thật vô cùng đáng quý !

                     
Còn điều mà tôi coi đó là cốt lõi của cuốn sách này, đã nằm ngay trong tên của nó. Mùa thu của cây dương - là lúc cây dương đẹp nhất, và cũng chuẩn bị trút sạch lá để trải qua mùa đông rét mướt. Hình ảnh ấy trước nhất luôn gợi cho tôi nỗi buồn về mất mát. Cả cuốn sách này, ta bắt gặp không ít những con người đã gánh chịu nỗi đau khi người thân ra đi. Trước nỗi đau ấy, kẻ lạc lối tìm về ký ức; kẻ quỵ ngã, kẻ chạy trốn... Nhưng sau mất mát, điều quan trọng nhất là phải đứng dậy và đối mặt. Sức mạnh của con người được thể hiện ở điều ấy. Con người ai rồi cũng sẽ dần trải qua từng thời khắc, từng mùa xuân, hạ, rồi thu của riêng mình. Suốt dọc chiều dài ấy, điều ta phải nếm trải cũng chẳng hề ít, đủ tất thảy mọi thứ trên đường đời. Nhưng cõi đời mỗi người có hạn mà thôi, và thứ trôi qua sẽ chẳng thế lấy lại. Đừng để rồi ta phải thốt lên "Lúc ấy mình vẫn còn trẻ...". Chẳng bao giờ là muộn, là phi lý để sống hết mình. Ta đang là chính ta, sao lại phải vùi lấp bản thân? Dù có đang dừng lại ở điểm nào trên dòng chảy cuộc sống, dù có đang đắm mình trong sắc xuân phơi phới, tung tăng giữa nắng hè rực rỡ, hay cất bước buổi chiều thu u tàn, hãy cố gắng như cây dương, trong chốc lát có lẽ sẽ trụi lá tả tơi, nhưng luôn huy hoàng vàng rực, tuyệt đẹp hết mình để khi lìa cành chìm mình vào mặt đất cũng thật nhẹ nhàng thanh thản. Và biết đâu đấy, từ những mùn đất của lá vàng, khi xuân sang sẽ lấp ló những chùm lộc non xanh...

         
             
  link hình ảnh  Populus - Chi Dương. Wikipedia. and more

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Hà Nội vắng những dòng người

   22h. Bình thường tầm này 3 tháng trước là phố Hàng Giấy nhà mình nhộn nhịp lắm đây. Tấp nập người ra vào, ăn uống xôm không tả nổi, đến mức khoảng nửa đêm xe an ninh của phường còn phải đi dẹp cho yên. Trẻ con người già cũng nô nức đi chơi
   Nhưng khoảng hơn tháng nay, không khí đã thực sự thay đổi. Hà Nội, cả ngày và đêm đều vắng đến ngỡ ngàng. Có cảm tưởng như chỉ cần tránh giờ tan tầm, ta có thể gặp lại một khoảng không gian tĩnh lặng không ngờ. Ngay giờ phút này, hàng quán đang thu vén dọn dẹp. Những quán nướng, quán lẩu tậm tịt chẳng nổi mống khách. Các hàng ăn nức tiếng cũng chỉ đông vừa phải. Ngoài đường, xe máy cũng ít tiếng còi, chỉ lẳng lặng đi đi về về. Những dòng xích lô du lịch ào ào ngày nào, nay trả xe về bãi nghỉ sớm. Sáng đi học, phố phường phẳng lặng chẳng tiếng người. Cảm tưởng như đây là Hà Nội của những năm 90, có chăng mang thêm cái vỏ quy hoạch xây dựng hổ lốn của Thăng Long nghìn năm mà thôi. Chỉ tiếc rằng, nhìn cảnh tượng tĩnh mịch ấy, tôi lại chẳng thấy thư thái, thanh thản. Quãng lặng ấy không đượm vẻ yên bình. Đó là biểu hiện của sự tuột dốc, của một cơn khủng hoảng đang vùng lên dưới cái vỏ bọc của những kẻ đang cố ngủ yên.

   Mấy bữa nay đi học, giảng viên đều ngán ngẩm về cái sự thất nghiệp của tân kỹ sư, thạc sĩ. "Chắc còn phải kéo dài vài năm các em ạ. Khó khăn quá!" Xây dựng chết sững, bất động sản đóng băng, các công trình chậm tiến độ...  Không chỉ xây dựng, tất cả đều đang chìm dần xuống một cách trầm trọng khi mà những "món nợ đen" đang cứ to to mãi lên phủ bóng xuống cả đất nước. Bảo sao chẳng trầm khi dân chẳng còn gì mà tiêu. Thấy cái không khí yên lặng ngoài kia chỉ rặc những u ám suy tàn... Còn 1 năm là bị vứt ra ngoài đời. Rồi mình sẽ thành một cái khỉ gì đây? Chẳng lẽ cứ lẳng lặng cất bước hòa mình vào giữa những con phố vắng dòng người này hay sao...

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Tết sách... tết ở trong lòng

23/4, tết Sách lại đến. Hội chợ thì nhiều cái cả hay lẫn dở, nhưng đã là "con đọc khát sách" thì nên đi :)))))
    Hành trang gọn gàng hết sức có thể, túi đeo nhiều ngăn và túi giấy để đựng sách (hạn chế tối đa nylon), cố gắng chọn chỗ để ví cho chắc (hội chợ là "cơ hội vàng" để bị thó đồ) và.... thẻ sinh viên để giảm phí vào Văn Miếu ;)

                                            Sách và bản quyền
Phần một: Thu hoạch.
Chủ trương  là đi cho biết, mua là phụ, cố gắng kiếm cái gì lạ lạ, hoặc hàng tồn kho. Chuyến này kiếm sách thiếu nhi cho con em và một vài thứ cho người quen nữa
   Bản thân thì túm được cho mình 2 cuốn, Tuyển tập các bài dự thi viết thư UPU (nghe quen không :">) và Trên bãi biển Chesil (cuốn này bị mất tích). Với bản thân, viết thư UPU cũng để lại một vài ấn tượng tốt về cái thời viết văn có cảm xúc chứ không rặt thuộc lòng và đối phó như những năm cấp 3. Vẫn nhớ bài viết thư "Gửi một người thân nơi xa" được lưu ở file của cô Vân, và bài "Hãy viết thư gửi một nhân vật cổ tích để giúp thế giới chống lại nạn khủng bố" :D  Viết thì ngây ngô nhưng nhớ lắm, vì có lẽ cái gì được viết ra thật thì cũng ở trong mình lâu hơn.

  Tóm được "hàng" lưu thông, là vài cuốn Chuyện tào lao của Nguyễn Ngọc Thuần - nhà văn thiếu nhi rất thú vị và lạ lẫm. Chuyện tào lao là sáng tác mới nhất của chú ra đời sau khi... lên xe hoa :"> , và cũng là truyện dài dành cho người lớn đầu tiên của Nguyễn Ngọc Thuần được xuất bản. Cuốn này là "hàng tuyệt chủng" ở Đinh Lễ, nhưng đáng buồn là do nó bán chậm quá nên bị hồi về nơi phát hành :((( (chứ không giống như các cuốn sách thiếu nhi của chú là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, hay Một thiên nằm mộng)
 Ngoài ra, còn sách thiếu nhi như Mio con trai ta (trời, cuốn này vẫn còn), The polar express (minh họa tranh tuyệt đẹp); rồi Nhật ký vùng tâm chấn (6 ngày kinh hoàng ở Sendai) - cuốn sách ghi lại thảm họa động đất sóng thần ở Nhật vào tháng 3 năm ngoái - trong hồi tưởng của các du học sinh VN, rồi cuốn Hoa đạo ( híc sách tham khảo) và Chuyến xe buýt màu xanh (hờ, bị ép mua :))))
  Chốt lại, đi cũng vui, tìm được vài thứ hay ho, và hội không bị nhạt nhẽo lắm (dù tổ chức khá tệ và lộn xộn)

 Phần hai: các gian hàng sách
   Các gian hàng năm nay thú vị, nhiều kiểu, tốt có, dở cũng đủ cả

  Ở góc khuất sát cạnh sân khấu chính về phía bên phải là một không gian cực yên tĩnh, nó có lẽ luôn thế và sẽ mãi thé. Đấy cũng là gian hàng mình ở lại lâu nhất. gian của Văn nghệ Quân đội. Ở đó có những cuốn hay, có lẽ cả nhà đều sẽ thích chứ không riêng mình mình, như Tuyển tập các tác phẩm đăng 1957-2000 (hic, cái cuốn cực cực hiếm), rồi Con người Việt Nam năm 75 (có một bác cầm cuốn này xúc động lắm, nhưng khi biết rằng sách không bán mà chỉ trưng bày thì bác tỏ ra buồn thê thảm), và Tình yêu nơi đáy ba lô :">, rồi tuyển tập Thư tình thời chiến :D.... nhiều nhiều nữa, và hầu như chỉ... trưng bày chứ không bán :( hic. Nhưng chắc nhìn thấy cặp mắt đói khát của mình nên chị trông quầy đã thương tình cho mình một gợi ý là một cái card hẹn đến Thư viện của tòa soạn Văn nghệ Quân đội để xem sách nếu thích :D hê hê

 Gian hàng gây chú ý nhất là Thái Hà books, huy động rầm rập toàn bộ quân đoàn từ đội ngũ biên tập, phụ trách cho đến bán hàng, cả một quân đoàn rực rỡ toàn da cam (logo Thái Hà màu cam) và thậm chí cả một em nhỏ vẽ tranh cổ động riêng cho Thái Hà nữa, cực hoành tráng. Quầy sách này nhiệt tình, nhiệt tình đến mức khó hiểu. Vào quầy, vô tình sờ đến một cuốn sách tôn giáo, ngay sau quầy chị chủ đã gọi, "kìa Thanh, khách chọn sách Tôn giáo kìa, giới thiệu đi". Cười lại để từ chối, lách sang quầy văn học, lại thêm một màn liên thanh khác :(. Đến lúc mình méo xệch miệng "Cứ để cho em tự nhiên" thì mới được tạm yên, gáy thì nóng bừng do vô số ánh mắt xuyên tâm tiễn :*(   Thế đành nhặt một cuốn có vẻ hay, với cái bìa trông cũng đẹp mang tên Chuyến xe buýt màu xanh rồi chuồn. Ngại thật đấy

  Nhã Nam vốn là quầy yêu thích của mình, nên lượn đi lượn lại ở đó cũng nhiều, có lẽ nhiều nhất. Ngồi hóng là chính :)) và gặp kha khá người quen ở quầy này. Mọt sách dễ gặp nhau thật

  Ngoài ra, các quầy khác cũng có, nhưng không đặc sắc lắm, như Kim Đồng, rồi Trẻ, Đinh Tỵ, Chính trị quốc gia và các nhà sách bán đủ thứ từ thiếu nhi đến người lớn.Kim Đồng là khu vực bán hàng... phản cảm nhất với một nhân viên luôn miệng "Mua sách đi các em, các bác, sách giảm giá 50% đấy ạ" không ngớt. Như là mổ trâu mổ bò vậy.

 Tổng quan cả lễ hội  cũng lộn xộn một chút, nhưng không gian thoải mái và không xô bồ

Phần ba: Chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật
 Chủ định là xuất phát muộn một chút để tránh phần diễn văn dài dòng khi khai mạc, chỉ cập bến lúc bắt đầu hội chợ và chương trình văn hóa thôi, và so ra thì cũng may khi quyết định như vậy. Lúc vào sân khấu chính thì cũng là lúc phần khai mạc kết thúc bằng màn thả các chùm bóng treo băng rôn cổ động. Và, không biết có phải do cố tình hay không, mà tất cả 4 chùm bóng (vô hình chung tượng trưng cho Sách, Văn hóa đọc ở VN, Bản quyền, và chính Lễ hội) đều... không cất cánh thành công :">. Điềm gì đó, ai mà biết ;) Chùm bay ngang, chùm bay giật lùi, và chùm... đứng yên chẳng nhúc nhích. Nhưng có lẽ chúng không cất cánh bay cao cũng vì phần băng rôn treo buộc nặng quá. Nặng thế bay sao nổi :P

   Các chương trình văn hóa văn nghệ cũng có một số cái vui, như màn diễn trích đoạn Sát thủ online (hừm, cứ tưởng bở là được gặp Sát thủ mưng mủ chứ, hóa ra...) diễn viên thì hào hứng và diễn đạt phết, nhưng tiếc là sân khấu không tốt nên hạn chế nhiều. Rồi tiết mục ngâm thơ, các diễn giả bị sự cố âm thanh nên đọc lên gân quá, nghe mất chất "thơ" vốn có. Có bài thơ còn "thơ" tới mức thô không tả nổi. Đáng ra nhà tổ chức nên cân nhắc hơn khi không gian sân khấu còn rất nhiều các em nhỏ tới dự, và phần "thơ thô" đó đáng ra không nên có, nó rất phản cảm


  Phần xếp sách nghệ thuật năm nay thua năm ngoái, không có gì đặc biệt lắm, ngoài một nhà sách là NXB Chính trị xếp được sách trọn vẹn hình logo của mình

   Chương trình như năm ngoái là các em nhỏ vẽ minh họa về các nhân vật trong sách và thi đấu. Thấy các bé vẽ cũng hăng lắm nhưng lại không diễn giải nổi tranh nên cũng cảm thấy hơi buồn. Ôi  thủ tục và hình thức, biết bao giờ mới tiến bộ đây.

11h hơn, ngồi nghỉ và nghe một ông cụ râu trắng phơ kể chuyện cho các cháu về việc đọc ngày xưa. Ngày xưa ấy sao mà xa lạ quá. Thật đáng tiếc. Tết sách, tâm thái để đọc, có lẽ chỉ lớn lên khi được nuôi dưỡng từ tận tâm mà thôi.


                                                
  11h30, tha chiến lợi phẩm về nhà. Cuốc bộ. Thời tiết đẹp đến lạ. Trời xanh dịu đầy mây, thi thoảng lại nhá nắng...

                        Kết thúc ngày thứ nhất của tết sách và lễ hội văn hóa đọc.

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Những chiếc hộp

   Những chiếc hộp vốn chiếm lấy  một khoảng lớn không - thời gian xung quanh chúng ta. Nhân loại gánh chịu thương đau chỉ vì đã mở chiếc hộp Pandora, và đó là cái giá phải trả cho việc đã sinh ra với bản tính tò mò. Con người, sinh ra thì được đặt trong một "chiếc hộp" gọi là nôi, và cũng từ giã cõi đời khi được ngủ yên trong một "chiếc hộp" khác gọi là quan tài. Có những chiếc hộp lớn thật lớn - những tòa nhà, cao ốc kiểu mới đông ninh ních. Và có cả những chiếc hộp thật nhỏ, một cái hộp giấy đầy bánh ngọt - niềm vui cho con trẻ. Những chiếc hộp bỗng trở nên thân thuộc làm sao. Hôm nay, tôi cũng vừa được chạm vào một trong số chúng, một món đồ thật lạ mang tên "Chiếc hộp giáng sinh". Chiếc hộp chứa những tâm tư của người cha gửi cho hai người con gái của ông, nhưng cũng thật màu nhiệm, nó là món quà để dành cho chung cho "CON NGƯỜI" - cũng là "hộp" nhưng có nhiều ngăn, nhiều tầng, nhiều lớp, cũng có vẻ ngoài dễ nhận thấy nhưng chất chứa trong đó những tâm tư không dễ để chia sẻ, mà nếu cố tình "lục lọi", "chiếc hộp" ấy sẽ biến dạng ( có lẽ là vậy).

 
      "Giác quan nào của ta chịu tác động nhiều nhất của Giáng sinh vậy nhỉ?"
  Tôi sinh ra và lớn lên trên đất Việt, nơi Giáng sinh, so ra tận cùng, cũng chỉ là một ngày hơi đặc biệt hơn những ngày thường một tẹo, chứ không giống như Giáng sinh trong tiềm thức của Tây phương - nơi mà đêm 24 sẽ là thời điểm nhiều ý nghĩa trong suốt cả một năm đằng đẵng của họ. Nhưng có lẽ, Giáng sinh sẽ đến khi đôi tai tôi nghe thấy thanh âm của ngày lễ này. Chắc chắn sẽ là sự ồn ã của bao con người ở khu Hàng Mã chăm chút cho quầy tạp hóa của mình để đón những dòng người đi chơi dưới trời đông giá buốt. Hay những khúc ca quen thật quen cứ vọng đâu đó, "Jingle bell, jingle bell, jingle all the way...". Hoặc giả là nhiều âm thanh khác của các con chiên tại nhà thờ Cửa Bắc, nơi mà những tín đồ hòa mình vào thánh đường tràn tiếng chuông ngân. Và tôi bắt gặp dòng suy nghĩ tương tự từ một nhân vật trong cuốn sách này. Với bà, những âm vang Giáng sinh luôn để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng mình. Có lẽ bởi, cùng dòng thời gian, những hình ảnh, mùi vị của ngày lễ này sẽ đổi khác, nhưng những tiếng vọng của Giáng sinh trong lòng người sẽ vẫn rung động như vậy mà thôi.

  
     Và cũng bởi thời gian tàn khốc trôi đi chẳng chờ đợi ai , nên người phụ nữ ấy mới nhắc nhở thật quyết liệt người bạn cùng nhà - người cha trẻ tuổi, rằng đừng đánh đổi gia đình của mình, những đứa con của mình lấy công việc và sự nghiệp. Đừng để những thanh âm Giáng sinh vang lên đầy méo mó trong tâm hồn con trẻ. Đó là một "chi phí cơ hội" quá đắt đỏ, quá đỗi vô giá, mà nếu mất đi sẽ không thể lấy lại."Con gái bé bỏng của tôi rồi cũng sẽ lớn. Một ngày nào đó con sẽ ra đi, còn tôi thì bị bỏ lại với ký ức về tiếng cười khúc khích và những bí mật mà lẽ ra tôi đã được biết" (Trích đoạn trong sách). Những "chiếc hộp" ấy sẽ được bồi thêm nhiều lớp giấy bọc mới, sẽ có thêm nhiều ngăn nhiều tầng nhanh đến mức nếu không để tâm, ta mới giật mình nhận ra rằng mọi thứ đã đổi khác, đến mức ta không còn đón nhận được chính người thân của mình nữa. Sao lại không dành cho họ một góc của mình, để ta hiểu, trân trọng và không lạc khỏi nhau? Để ta trao yêu thương mà không hối tiếc. Đó cũng chính là món quà được nhận trong mỗi dịp Giáng sinh về, ta mở rộng vòng tay đón những người gần bên trái tim mình, trao nhau cảm xúc sum vầy thương yêu.  Đó là ý nghĩa đích thực của ngày lễ ấy, và cũng là phần bồi đắp nên ký ức thủa ấu thơ của mỗi con người
    
                                       ~~~~~~~~~ A HOME ~~~~~~~~~

  Giáng sinh là ngày Thượng Đế gửi con trai mình, Chúa Jesus xuống trần, cứu sinh loài người khỏi bóng tối. Ngài bày tỏ tình yêu với loài người như vậy, dù phải hy sinh đi thứ quý giá nhất của Người. Vì lẽ đó, đây là thời khắc để tình thương bao trùm khắp mọi nơi, nhưng cũng là ngày khắc sâu nỗi niềm của người cha phải lìa xa con mình, vĩnh viễn. Tình yêu vĩ đại nhường ấy còn có thể được bao bọc cất giữ trong một cuốn sách mang tên "Kinh thánh", vậy chẳng lẽ mỗi con người  nhỏ bé này lại không thể tìm ra một chốn, một chiếc hộp cho tình cảm của mình nương náu ư? Hãy bồi đắp và nuôi dưỡng chiếc hộp ấy, để rồi, dù có đi bao xa, ta vẫn biết có một nơi luôn gần với con tim mình, nơi luôn mở cửa chào đón ta trở về. Một nơi tình cảm trong ta hướng về trú ngụ và cất tiếng gọi là "nhà".

  Này bạn, một "chiếc hộp" vẫn đang dày thêm những lớp giấy bọc, bạn đã có một chiếc hộp tình yêu cho mình chưa vậy?

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Cuốn...

   Trong nhà yên lặng quá! Âm thanh thì vẫn có, nhưng tiếng người thì không. Giường đã chỉ còn một người nằm được vài hôm rồi, cảm giác trống trải mỗi lúc một đậm. Đêm thêm sâu. 3 tháng vèo cái trôi nhanh ghê. Nhớ lại hôm thứ 2 đó, chưa bao giờ trống ngực đập như vậy. Xem ra mình vẫn còn là một đứa yếu đuối.

   Chỉ trong 2 ngày mà nhiều thứ bị cuốn đi quá. Biết rằng ngày này sẽ tới, mà sao nó đến bất ngờ khiến tâm trí còn chẳng chuẩn bị. Nhưng âu cũng là lẽ đương nhiên, và tốt hơn là nó đến sớm, bởi khó có thể tưởng tượng nếu vượt quá khả năng giới hạn thì mình sẽ biến thành một thứ như thế nào nữa.

  Thử tìm một khoảng tĩnh nhỏ. Thời gian vừa rồi vừa thả bản thân quá đáng, lại vừa gồng mình trong chính sở thích của cá nhân: đọc những cuốn sách gây ấn tượng quá sâu và quá đắm chìm vào đó. Không tốt chút nào. Hôm nay lại lượn lờ ra cửa hàng đó, và lại khuân về vô khối cuốn giờ chẳng còn ở ngoài. Nhưng cũng may là ở đó vẫn còn những món quà nhỏ nhẹ nhàng để không phải căng não nữa. Mong là vậy. Nhưng gì thì gì, đúng là người và sách đôi lúc phải có duyên với nhau, và cái duyên của mình với sách cũng không đến nỗi nào. Cảm ơn vì đã đến đúng lúc.

  Lại lảm nhà lảm nhảm...