Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Rủ?

 2 tiếng trước là thời khắc khép lại 2 ngày Quốc Tang
 Cờ rủ ở mọi nơi
 Trên phố
 Ngoài công viên
 Giữa quảng trường Ba Đình phẳng lặng
Và đó cũng là những thời khắc sau cuối của cuộc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng


Quay trở lại hơn 1 tuần trước, khi tin ông mất lan đi trong cộng đồng mạng
Cảm giác đầu tiên khi tôi nghe tin ấy là một sự nhẹ lòng. Nhẹ lòng, khi biết được một con người đã hoàn thành dương mệnh của mình và thực sự được an nghỉ. Cách đây gần 2 năm, tôi được nghe một người bác sĩ ở viện 108 có nói rằng Tướng Giáp đã yếu đi nhiều lắm, người gắn cơ man nào dây nào ống, ngày ngày tiêm không biết bao nhiêu thuốc nước. Nghĩ mà xót đau (trong khi ấy đài báo oang oang: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ phát biểu nhân dịp...." ). Không rõ người ta phải oằn mình giữ ông lại trên dương thế này làm gì khi việc ấy chỉ để nới sâu những cơn đau, kéo dài những chuỗi ngày đợi chờ vô vọng. Vì vậy, hay tin ông ra đi là lòng tôi chợt nhẹ. Vì những cơn đau sẽ không còn xâm chiếm cơ thể; vì sự thật có níu kéo cũng vô ích; và rằng thời gian chẳng chừa một ai - ai cũng sẽ phải tìm về với đất. Giật bỏ hết dây nhợ, và con người ta lại thật an lành

Còn sau nhẹ lòng, là im lặng.
Tôi không xót thương. Đúng vậy, không xót thương. Tôi hàm ơn con người vĩ đại ấy, nhưng tôi không biết ông đủ để xót thương. Vì vô cảm, nên không cần, và không nên nói gì cả. Vì vô cảm, nên quyền để lên tiếng cũng đâu còn quan trọng.
Biết gì đâu để mà lên tiếng đây?
Với tôi, im lặng lúc này là một sự tôn kính thực lòng với người đã khuất
 Hãy để cho thời khắc ấy trôi đi đúng theo trình tự của nó



     Nhưng thật lạ làm sao, khi xung quanh không gian ấy lại nẩy ra bao thứ.
 Trước nhất, là những người có phần giống tôi. Không biết ông đủ để xót thương. Nhưng quàng quạc rằng: "Tôi hổng có quen có biết ông tướng nọ, thì việc gì phải tỏ vẻ này kia".

Tiếp theo là những người tỉnh táo. Họ có thể thương, nhưng không xót. Và họ lên tiếng, vì đã biết ông, có thể là đủ, hoặc tương đối đủ. Họ nói những cái họ muốn nói, và thấy cần phải nói. Vì họ có quyền lên tiếng. Vậy thôi

Sau, là những người xót thương, và lên tiếng. Nhưng lên tiếng cũng có nhiều cách. Có những người tiếc nuối một vĩ nhân, thương cho một quá khứ mà cất tiếng nghẹn. Có những người khóc cho một tiếng khóc chung của dân tộc. Có những người khóc cho tương lai. Và người, lên tiếng chỉ để chỉ để lên tiếng

Sau thứ, là những người xót thương trong im lặng. Vì nỗi đau đủ lớn không cất nổi thành lời.

Và cuối cùng, là những người không xót thương, nhưng hòa vào dòng người xót thương. Những người này thì hẳn là luôn mở mồm. Vì nếu không mở mồm, thì ai mà biết được là họ đang "xót thương"

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì đã tốt. Nhưng con người, đặc biệt là ở thời điểm này, lại thích nói, và đã nói thì phải phán xét nhau. Đành rằng việc lên tiếng đã có người đúng người sai (về mặt thái độ) nhưng công kích nhau thì chẳng phải điều nên làm (còn nhóm Tỉnh táo, có chăng, chỉ là thời điểm nói mà thôi). Người bảo kẻ kia "Đám đạo đức giả", người nói "Lũ mất gốc, mất dạy", rồi "Sồn sồn một lũ chạy theo số đông"... Vậy đó, "lòng thành kính" và "sự xót thương" chỉ để khẳng định Cái Tôi, chứ không để dành cho ai khác cả. Và "ai khác cả" trong trường hợp này là người đã khuất.
Buồn không? Có, buồn cười, và buồn lòng, khi sự ra đi của một con người lại trở thành một thứ "hài kịch" như thế.
Nỗi đau được nối dài ra như vậy, há chẳng đau hơn?

Thay vì việc nói nhau như vậy, thì sau mất mát và tiếc thương có những việc cần làm hơn rất nhiều
Trong lúc này, vụ nổ nhà máy pháo ở Phú Thọ vẫn đang tang tóc
Trong lúc này, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang có cuộc "viếng thăm" cấp quốc gia
Và trong lúc này, những con người trên dải đất chữ S vẫn đang vằn vọc sống một đời "hậu sản"
Cờ rủ vậy, liệu đã đủ hay chưa?

1 nhận xét:

  1. "Cúi đầu trước ông, cũng đồng nghĩa bày tỏ thái độ với những ông quan còn đang sống." (Trích "Nước mắt rơi chung"), nhưng có một sự thật là, những ông quan còn đang sống cũng đang cúi đầu trước ông và lặng lẽ khóc, vì một bức bình phong đã tan vỡ, vì mối liên hệ với quá khứ đã lụi tàn. Họ khóc vì sự đối mặt rồi sẽ dần không còn khoan nhượng, khi những hào quang xa xưa đã hoàn toàn tan đi

    Hãy chờ, xem rồi nước mắt liệu có lại đổ

    Trả lờiXóa