Nói sao nhỉ, nhận được thông báo Nhã Nam tổ chức event tọa đàm về tác giả Haruki Murakami thì hớn hở lắm, lại còn ở JF nữa chứ. Nhưng lúc biết cái tên của event là "Thế giới trong gương của Murakami" thì giật nẩy. Thôi xong, chắc chắn sẽ là đàm thoại về ông cùng chùm tác phẩm viết theo lối Parallel worlds rồi, và hẳn là cũng bàn không ít về 1Q84, tác phẩm mới nhất của Murakami được xuất bản tại Việt Nam. Mình tội đồ lắm, vì mới đọc hết một số ít trong các cuốn đóng mác Murakami ở VN, chưa kể cuốn "thế giới song song" duy nhất xơi được lại là Kafka. Nữa, 1Q84 mua về để đó không đọc. Thế thì đến tọa đàm làm chi? Nhưng với một loạt tên diễn giả tại đó, thì cái máu tham lại nổi lên... Và kết quả là vẫn đi, đi vì các diễn giả (cố gượng lừa bản thân một tí)
Sáng nay trời lại như chiều lòng người, quang đãng, sáng sủa, thiếu mỗi điều trong veo không một gợn mây, trong như gương (để khớp với tên Tọa đàm) mà thôi. Không gian tổ chức không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc là một buổi tọa đàm mở nên hơi bị... rét run, vậy thôi. Hơn 2 tiếng ngoài trời nghe, nghe và nghe...
*/ Tại sao lại là "Thế giới trong gương"?
Chủ điểm thì đã rõ. Không gian văn chương của Murakami rõ ràng là một thế giới trong gương. Gương, phản chiếu lại chân thực những gì soi rọi vào nó và tạo ra một khoảng không khác, y hệt gốc, cả xấu cả đẹp cả sáng cả tối đều hiện ra rõ cả. Người đứng ngoài nhìn thấy rõ những gì trong gương, nhưng không thể với tay chạm vào nó, không thể tác động vào ảnh hình ấy trừ khi đập chính cái gương đi. Văn Murakami cũng vậy, chân thực nhưng đầy phiêu ảo, như ảnh trong gương, phản ánh nhiều mặt của con người theo một chuẩn mực viết riêng của tác giả. Đọc giả chỉ là người "quan sát", chứ không thể tác động
Gương, tạo ra một thế giới song song. Và đây cũng là đề tài/quan điểm xuất hiện thường xuyên trong các cuốn sách của Murakami
Gương, phản ánh lại đầy đủ chân dung người đứng trước nó. Đó cũng là mong muốn của H.Murakami cũng như những tác giả khác, để tác phẩm của mình "người" hơn tất thảy, đề dành cho mọi cá thể người, và để Hướng Thiện (như lời của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng)
Đó là cách để đọc giả có thể tìm thấy phần nào của mình trong thế giới văn chương Murakami
*/ Kết quả của vụ "Đi vì diễn giả" :">
Thường thì các Tọa đàm của NN gần đây luôn mời bác Nguyên đầu bạc làm chủ tọa, nên thôi mình xin bỏ qua bác vậy, mình quen với phong cách của bác lắm rồi. Mục đích hóng chính là từ 3 diễn giả còn lại
Và người mình thấy thích nhất là dịch giả Lương Việt Dzũng. Một phần vì giọng nói sáng với dung lượng vừa phải, phần nữa là cách nói chuyện của anh có mang cho mình một chút "cảm giác Nhật Bản" ở trong đó. Phong thái khá ung dung, và nội dung truyền tải vừa phải, gần gũi
Những diễn giả còn lại cũng rất thú vị. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng thì hoàn toàn bất ngờ, vì chú hoàn toàn khác những gì mình được nghe kể từ trước. Bình tĩnh, thoải mái, tự tin. Nhưng vốn vẫn có cảm giác chú Đăng là người hướng nội nên có một chút khoảng cách vô hình nào đó
Cuối cùng là nhà nghiên cứu Trần Tố Loan, người nghiên cứu về văn chương Murakami. Ngoài một dung lượng thông tin khá nhiều thì mình không ấn tượng về chị lắm
Thương nhất có lẽ là diễn giả bất đắc dĩ - dịch giả Lục Hương của 1Q84. Anh bị chủ tọa chộp bất ngờ và trả lời lúng túng nhìn thương lắm ấy. Mình đứng ngay cánh ở chỗ anh trả lời mà, trông anh hoang mang tột độ... hic
Ngoài ra còn phần các cử tọa ở dưới nữa, với phần phát biểu của một nhà nghiên cứu (hình như tên bác là Bắc, xin lỗi mình không nhớ). Phần đó quá dài, lan man và tham lam nên mình thấy hơi nhảm. Nó chẳng đọng lại gì trong đầu mình cả ngoài một mớ lùng nhùng. Có lẽ điều quan trọng nhất trong một buổi tọa đàm mở là có thể kéo toàn bộ các cử tọa lại tham dự, nhưng tiếc là phần phát biểu này thật xa lạ.
*/ Có gì thú vị?
Thật ra bàn về tác giả Murakami cùng tác phẩm của ông thì, đúng như các diễn giả nói, vài ngày cũng chẳng hết. Và những điều mình nghe được cũng không có gì quá đặc biệt. Vẫn là "một Murakami phá cách nhưng đầy tiêu biểu cho nền văn chương hậu hiện đại", "tính dục trong các tác phẩm của Murakami", "Murakami và cuộc chiến với văn học truyền thống Nhật Bản". (Mình thì vốn không phải quan tâm đâu, mà chỉ nghe và đọc ké thôi, hiện trong album cuộc thi viết của Nhã Nam vẫn còn một bài về Tính dục trong văn Murakami, mọi người có thể ghé đọc chi tiết hơn)
Nhưng có gì thú vị không? Có chứ. Càng về cuối lại càng có nhiều thứ hay ho
- Bản dịch tiếng Anh cho các tác phẩm nước ngoài, đặc biệt là để hướng vào thị trường Mỹ là những bản dịch tùy tiện nhất. Họ "Hướng đích", nhiều hơn là "Hướng nguồn". Các tác phẩm của Murakami cũng không ngoại lệ, và thường vẫn có một sự cắt gọt ít nhiều nào đó (đương nhiên là còn phải thông qua agency của ông). Trong khi đó bản dịch tiếng Pháp, hay Đức thì bám nguồn hơn, trung thành hơn (Ví dụ từ câu chuyện của dịch giả Cao Đăng về một chi tiết trong "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo", dịch từ bản Tiếng Đức của bác Lê Quang)
- Câu chuyện về một lần gặp gỡ của anh Dũng với tác giả tại văn phòng của ông ở Tokyo. Theo lời kể thì tác giả Murakami là người không giỏi giao tiếp lắm, ông không thấy thoải mái khi nói chuyện với người lạ. Và ông là người rất xem trọng ngoại hình của mình, chính vì thế mà toàn bộ hình ảnh trong buổi gặp gỡ đều được Agency của Murakami đề nghị không công khai. Ông cũng là người không mặn mà với giới truyền thông hay xuất bản, nhưng lại rất thoải mái khi gặp các dịch giả (một chi tiết nhỏ rất thú vị ^^)
- Cơ hội để các đọc giả VN gặp mặt và xin chữ ký của ông hầu như là... không còn vì Murakami bày tỏ ý muốn, nếu có cơ hội ghé thăm VN, ông sẽ đến với tư cách một khách du lịch, nghỉ ngơi 100% và sẽ không mảy may một chút gì gọi là công việc trong quãng thời gian đó :(. Hic
- Ekip cùng làm việc biên tập cho 1Q84 bản Việt khá khổng lồ. Các dịch giả và biên tập viên vất vả quá (trong khi đứa như mình mua sách về chưa đọc, tội đồ)
Hơn 2 tiếng tọa đàm cũng có những điều hay. Xong không khí thì trầm, có lẽ do trời rét và gió quá. Và phần "hóng" diễn giả của mình xem như cũng thành công. Đúng là một sáng đông quang đãng mà ^^ Mong là mọi sự đều thuận lợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét