Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Bài viết muộn của lễ Vu Lan

  Từ lâu lắm, lâu lắm rồi tôi mới đọc 1 cuốn sách nhanh và tập trung như thế. Hơn 3h đồng hồ cho một cuốn sách đã khiến bản thân phải giở đi giở lại rất nhiều lần, trước khi ngậm ngùi đóng lại và... đem trả cho đứa bạn. Nó chân thực và ám ảnh đến kỳ lạ. Hiện giờ cuốn sách không còn ở đây, nhưng tôi vẫn nhớ rõ cái bìa đó, một cái bìa màu rêu xám trầm mặc với cảnh phố xá tấp nập xe cộ,những tán cây cao và ẩn vào đó là hình ảnh một người bé nhỏ trong lạc lõng, cùng dòng tựa đề in nổi "HÃY CHĂM SÓC MẸ"

  "Tôi muốn đọc sách cho trẻ em khiếm thị
    Tôi muốn học tiếng Trung Quốc
    Tôi muốn đến Nam Cực
    Tôi muốn hành hương đến Thánh địa Santiago
    Tôi muốn...
    Tôi..."


    Còn khoảng 30 dòng chữ bắt đầu bằng từ "Tôi" như thế

      "Cái gì đây?"
      "Tất niên năm ngoái em đã viết những điều em muốn làm trong cuộc đời, ngoài việc viết văn, những việc em sẽ theo đuổi làm trong thời gian tới. Nhưng em đã không định làm bất cứ việc gì cùng với mẹ. Em đã không nhận ra điều đó khi viết danh sách này. Và giờ đây, em nhìn lại nó sau khi mẹ đã mất tích..." Mắt cô em gái long lanh nước.
      Người anh trai lặng lẽ ngồi bên..."
                                        Trích chương 2, Hãy chăm sóc mẹ (Có chỗ không chính xác vì chỉ là trích dẫn theo trí nhớ)
   
     
     Câu chuyện mở đầu với  một thông báo rất ngắn và lạnh lùng "Mẹ bị lạc đã một tuần". Bà lạc khỏi chồng khi đang trên đường lên Seoul để thăm các con. Và cả cuốn sách chỉ là câu chuyện về hành trình tìm lại mẹ, cũng như thế giới hồi tưởng của cả gia đình qua con mắt của 4 nhân vật, người con gái lớn Chi hon; người anh cả Hyong chol;  ông bố-người cha trong gia đình; và bà mẹ. Bốn câu chuyện tưởng như chỉ là những hồi tưởng rời rạc trong quá trình tìm lại mẹ thực ra lại rất mật thiết trong việc dựng lên hình ảnh của cả gia đình ấy qua bao thăng trầm sóng gió của cuộc đời
    Những chương sách dài xây dựng nên hình ảnh một bà mẹ điển hình của xứ sở Kim Chi (hay đúng hơn,của phụ nữ Á Đông) với quá khứ cam chịu, hy sinh kìm nén bản thân vì gia đình và chồng con. Những ý tưởng cũ kỹ đó được triển khai rất rành mạch và sáng tạo qua cuốn sách, để ta thấy toàn diện một bà mẹ, với 5 mặt con, những tình cảm, bao mơ ước, và cũng rất chân thực, rất "đời". Đó là người phụ nữ phải lấy chồng qua mai mối để tránh bị sơn tặc bắt cóc... Đó là người vợ phải cam chịu cảnh chồng lười nhác và ngoại tình.... Đó là một bà mẹ nông dân "mát tay", giỏi chăn nuôi ruộng đồng,khéo thu vén bếp núc... Đó là người mẹ của 5 đứa trẻ, phải chịu nỗi đau mất con, chịu hy sinh bản thân để dành cho con những điều tốt nhất trong thầm lặng...
     Thực sự, tôi đã phải ngừng đọc vì xúc động trước hình ảnh bà mẹ lên đưa cho đứa con trai cả tấm bằng tốt nghiệp giữa đêm đông rét buốt; lặng người đi trước những tâm tư của bà dành cho những đứa con, đặc biệt là đứa con út trong những dòng hoài niệm trên trời kia. Bà đã chăm sóc cả gia đình mình, nhưng không nhận được lại sự quan tâm nhiều đến nhường ấy từ chồng và những đứa con. Bà cũng chẳng chăm lo gì cho bản thân mình hết. Vậy mà đến cuối cùng bà vẫn cảm thấy có lỗi với chúng bởi những thiếu thốn trong tháng năm tuổi ấu thơ. Những lời cuối cùng bà nhắn gửi cho các con, một cách vấn vương,vẫn chỉ là những lời xin lỗi trong tiếc nuối. Để rồi, bà lạc lối  trên đô thị rộng lớn này, xa khỏi gia đình,chồng con. Bà cũng đã chiến đấu để tìm lại gia đình. Nhưng rồi rốt cuộc bà đã không thể làm được điều ấy...

     Khép lại cuốn sách, trong đầu tôi cảm thấy hỗn độn, tiếc nuối, một chút buồn, xót xa và nhiều suy nghĩ không có tên. Có lẽ là cả sự đồng cảm và cả chút tự vấn của bản thân nữa. Tôi tiếc cho những nhân vật trong cuốn sách ấy, buồn cho cái kết ấy. Và giờ đây tôi lại nghĩ tới những gì ở xung quanh mình. Cha và mẹ tôi không giống những nhân vật trong cuốn sách. Cả cha và mẹ đều mạnh mẽ, yêu thương con cái, nhưng luôn thể hiện quan điểm và cái tôi của mình, chứ không phải luôn luôn âm thầm chịu đựng trong im lặng. Hoặc có lẽ, cha mẹ đã lặng lẽ chịu đựng nhiều điều mà tôi không nhận ra. Có thể là như vậy. Và tôi lại nằm, cố nhớ lại mình với cả cha và mẹ có những ký ức buồn, vui,đặc biệt nào không, như thể tôi đang tìm lại những lỗi sai của mình vậy. Và, tiếc là có nhiều ký ức như thế lắm.. đôi lúc tôi không phải là 1 đứa con ngoan rồi
    Ngày Vu Lan đã qua, và dịp này tôi được đọc một cuốn sách đặc biệt, một đề tài thân quen mà tôi yêu thích. Hợp với cả cuốn sách này không gì hơn câu "Có những thứ mà khi đã đánh mất rồi mới biết nó quý giá đến nhường nào", đúng vậy, một câu đúc kết đau đớn, nhưng thật chính xác. Nhìn lại vào những góc trong suy nghĩ của mình, tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng, cố gắng thêm nữa cho những gì gia đình đã dành cho tôi.Tôi muốn vậy.
   Một buổi đêm thu tháng 8..."Hãy yêu quý và quan tâm tới gia đình mình" Hãy cố gắng như thế nhé... Đừng để rồi khi đối diện với sự thật mất mát, ta mới khẽ lặng buột ra câu nói
   " Hãy chăm sóc mẹ"

  
                                                          Vu lan 2011

1 nhận xét:

  1. Còn nhiều điều muốn viết,như cách viết móc xích và Xoắn trục thời gian (Time twisted) của tác giả,rồi cách xây dựng những "Nút thắt" để đọc giả phải tò mò...Việc có những Trụ đỡ tinh thần của nv trong sách,cả việc những đồng quê đang biến đổi nữa.Nhưng những cái đó có vẻ không hợp với tôi. Tôi chỉ có thể viết những gì tôi thích,và tôi hợp với đề tài gia đình.Chỉ vậy thôi'
    Cảm ơn Nhã Nam đã mang đến 1 cuốn sách hay vào 1 thời gian đặc biệt.Thanks again

    Trả lờiXóa