Trang

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

"Mãi mãi" là bao lâu?

"7h tối ở viện Goethe chiếu "Người dưng" đấy T"

Tôi nhận tin nhắn trong lúc lúi húi gửi xe ngay cổng và chuẩn bị lao vào phòng chức năng. 6h58' PM. Trời phật ơi, con chỉ mong còn chỗ thôi. Chỗ xấu cũng được, đứng cũng được, miễn là còn chỗ.
Đúng 7h, được một bạn tốt bụng nhường chỗ. Đặt người xuống ghế. Cởi áo, khăn. Và hít thật sâu định thần. Vừa lúc ấy toàn bộ đèn phụt tắt. "Independent Artists". Buổi chiếu bắt đầu

"Nếu bắt gia đình cô phải lựa chọn giữa cô và cộng đồng, chắc chắn họ sẽ không chọn cô đâu. Cô hiểu rõ vấn đề ở đây là gì mà Umay."
  "Người dưng". Người dưng ư? Thậm chí có thể dưng đến mức ấy sao? Dưng quành quạnh. Dưng đến xé lòng. Xé tan nát

  Umay là con gái cả của một gia đình Đức-Thổ. Cô được gả về nhà chồng tại Istanbul, thành phố lớn nhất của mảnh đất giáp ranh Âu Á. Và trong một ngày sau "giọt nước làm tràn ly", Umay bế con trai trốn về nhà bố mẹ đẻ tìm chốn nương ẩn. Nhưng cô không ngờ rằng đó lại là khởi đầu của một cuộc hồi hương rạn vỡ tang thương khi chính sự trở về của cô khiến mái nhà ngày ấy không còn như xưa.


 Nếu giới thiệu về "Người dưng" thì tôi chỉ dám nói đến thế. Bởi câu chuyện đó tôi không đủ sức để kể lại. Khi những hình ảnh cứ nối nhau hiện lên thì đôi con ngươi chỉ biết dõi theo, và vốn từ hạn hẹp của tôi không đủ để tả lại những khuôn hình đọng lại đáy mắt. Dữ dội, u uẩn và quặn xé. Đó chính là điều tôi cảm thấy.
    "Người dưng" tô đậm thông điệp về sự mù quáng tôn giáo khung gò con người đến kinh hoàng. Mọi chuẩn mực của xã hội đều bị bóp chêch theo nó. Đến gia đình, chốn thân thương của mỗi cá thể "người" cũng không ngoại lệ. Và đương nhiên những hạt nhân bên trong khi được nuôi dưỡng trong một môi trường như vậy cũng không thể lớn lên toàn vẹn. Hoặc là luôn bức bối và tìm cách thoát ly, hoặc tệ hơn, hoàn toàn bị méo mó và lệch lạc. Ích kỷ đến cực đoan, và cũng hoang mang cực độ. "Sản phẩm" của thứ tôn giáo ấy được hiện lên đủ đầy qua 6 thành viên của gia đình Umay, người bố, người mẹ và 3 đứa em. Để rồi cuối hành trình hồi hương của mình, điều Umay nhận được không gì hơn ngoài một tiếng "dưng". Người cha tôn kính chỉ biết bất lực và rụt vỏ dù biết "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Bà mẹ "sẽ luôn ở bên con, dù có thế nào chăng nữa" cũng chỉ biết chúc con gái mạnh mẽ trước miệng đời. Những đứa em, người lạnh nhạt quay đầu, người vùng vẫy kẹt giữa "tương lai gia tộc" và "tình thương", và có kẻ thì xuống tay. Để rồi tất cả vụn vỡ. Vụn. Vỡ. Tan chìm. Như 2 cái bóng lừng lững tiến bước hòa vào dòng xe cộ ào ào trên phố xá. Gia đình là gì? Tình thân như vậy ư? Chỉ là một thứ nô lệ cho thứ tôn giáo cùm gông ấy và biến cuộc đời mỗi con người ở đó thành một chuỗi xích lê lết nặng nề không lối thoát. Và thử nhân con số ấy lên hàng ngàn gia đình, hàng triệu cá thể. tôi chợt lạnh người... TỰ-DO, bóp nghẹn từng chữ
  ""Nếu bắt gia đình cô phải lựa chọn giữa cô và cộng đồng, chắc chắn họ sẽ không chọn cô đâu.". Có cả tá loại người dưng. Nhưng người dưng đến nhường ấy thì không gì hơn ngoài đáy sâu tuyệt vọng.


 Đó là tiếng kêu vang vọng nhất trong cả bộ phim, là lời lên án đanh thép nhất, và cũng là thông điệp rõ ràng nhất. Một thông điệp rõ ràng, nhưng không mới, với tôi. Cái đọng lại trong tôi cũng là một "gia đình", nhưng là gia đình theo hướng của một tập thể thông thường gồm những người có quan hệ huyết thống và gắn bó với nhau. Umay có một đứa con trai. Đó là lẽ sống của đời cô. Nó là tất thảy, thậm chí cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến cô muốn ly hương tìm đường sống. Cô dành trọn tình yêu cho cậu bé. Cô chiến đấu và hi sinh tất cả, như một cảm tử quân. "Mẹ sẽ mãi mãi yêu thương con". Nhưng như thế liệu có đúng không? Tôi nghĩ là không. Dù có là tình thương vô điều kiện, song cái gì cũng có giới hạn của nó. Thương cũng vậy. Tôi được nghe một câu chuyện nhỏ, rằng "Cha mẹ luôn muốn bên con suốt cả cuộc đời. Rằng nuôi con, là gồm Sinh, và Dưỡng. Nhưng Dưỡng rồi mới thấy, thời gian con ở bên cha mẹ chẳng là bao lâu. Càng ngày điều đó càng rõ. Và rằng điều cha mẹ muốn là yêu thương con đủ để con thấy hơi ấm gia đình, nhưng cũng vừa đủ để con có thể lớn. Lớn lên, hòa nhập và sống giữa cộng đồng kia. Rồi lại dựng xây mái nhà cho riêng mình". Có lẽ đó mới là tình thương đúng đắn nhất. Và cũng khó khăn nhất. Bởi gia đình là vậy đấy. Too much love will kill you. Biết là vậy, mà chưa chắc đã làm được vậy. Vì thế mà khi bóng hình nhỏ trong phim gục xuống, tôi thầm nghĩ :"Mọi việc phải là thế. Không, nên là thế." Thứ gì cũng có giá của nó. Hãy trả giá đi. Trả sớm, còn hơn muộn mằn hậu họa. Tình thương quá đậm sâu cũng đâu phải tốt.

  "How long do you want to be loved? Is Forever enough? Is Forever enough?"
  "Mãi mãi" là bao lâu vậy? Tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng tôi luôn tự nhủ rằng, không gì là mãi mãi...


  Tái bút: "Người dưng -Die Fremde" có tựa tiếng Anh là "When we leave". "Khi ta rời đi, ta sẽ để lại một thứ gì đó". Luôn là vậy. Cả bộ phim này nữa. Ào đến, rồi trôi đi, và để lại trong tôi vài khoảng trống lụn vụn.
                                               HN, một đêm bủa sương. Mai là gió mùa bổ sung