Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Những cánh cửa dần hé

"- Con muốn đến rừng Amazon cơ!
  - Từ từ, còn bao chỗ văn minh an toàn hơn để ghé trước mà, chị mày thích Venice hoặc Vancouver ấy
- Chưa chi đã xuất ngoại rồi. Theo mẹ, cứ đi hết Việt Nam cái đã. Như miền Tây này hay này. Hoặc chinh phục Phan-xi-păng chẳng hạn.
- Cả nhà cứ cày cuốc hết sức đi. Xèng chưa có mà đã đòi du lịch rồi ( lời nói chết người của bố)
- Giá mà đi lại không xa xôi vất vả, phóc một cái là đến chỗ này chỗ nọ được nhỉ bố nhỉ?
- Ừ, ước gì... "
       Cái thuở còn bé lít nhít, một trong những niềm vui của tôi hàng tuần là được xem chương trình "Thế giới động vật" tối thứ 3 hàng tuần trên VTV3 và series "Hành trình khám phá" sáng sớm thứ 7 bên gia đình. Vừa xem vừa bình loạn như thế kia chẳng hạn :D. Mỗi vùng đất mới hoang dã, những dải đồi triền núi, bãi dài biển đảo hay các thành phố cổ kính nguy nga đều khiến cả nhà phải trầm trồ mắt tròn mắt dẹt. Rồi lại "Em thấy đi rừng hay lắm", hoặc "Năm nay lượn miền trung đê", "Phải tiết kiệm làm chuyến phượt mới được"... Có thể nói tôi được nuôi lớn bởi từng khoảnh khắc ấy, cùng với những chuyến đi - dù là được đi nghỉ thật hay chỉ qua màn ảnh nhỏ. Và bên cạnh đó, còn là học lóm không ít từ "người bạn" đặc biệt - từng cuốn truyện, quyển sách.  Trong số bạn bè hết mực độc đáo ấy, người bạn thân thương nhất có lẽ là chú mèo ú màu xanh, nhân vật đã gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều đứa bé, người suốt hơn chục năm qua không ngừng làm đôi mắt tôi (vốn cận) mở to rồi nhắm tít cả lại, cái mồm tôi hết tủm tỉm lại ngoác rộng ha hả sung sướng. Cậu bạn tròn ủng với cái tên trong trẻo thơ ấu, Đôrêmon - chú mèo máy đến từ tương lai.



  Nhớ hồi đó bạn bè nhao nhao kháo nhau, nếu được xí một món bửu bối của Mèo ú thì mày sẽ chọn món nào. Với tôi, có lẽ không gì tuyệt bằng "Cánh cửa thần kỳ". Chỉ cần chọn điểm đến và "cạch" một tiếng, cả một không gian mới mẻ trải ra trước mắt. Bất cứ nơi nào trên mặt đất này mình đều có thể đặt chân tới với chỉ một cái vặn cửa. Liệu còn gì kỳ thú bằng. Đã thế còn không mất công làm thủ tục giấy tờ lằng nhằng, tốn thời gian đi lại. Vốn nghiện "Thế giới động vật" nên ước mơ hồi nhỏ của tôi là được làm một nhà sinh vật học. Với món bảo bối thần kỳ ấy, xoạch một cái là đến một vùng đất mới, tha hồ mò mẫm nghiên cứu. Rồi tìm thấy mẫu vật quý hiếm thì mở cửa ra là về đến phòng thí nghiệm, tèn ten, đã bảo lưu mẫu. Hoặc được tham gia một chuyến phiêu lưu phiêu lưu nguy hiểm, nhỡ gặp thú dữ hoặc thảm họa thì cũng một loáng là đã về nhà, an toàn, ấm áp. Nghe quen không, giống hệt việc lạm dụng cửa thần trong câu chuyện "Nôbita và pho tượng thần khổng lồ" ha. Cũng bởi thế, khi thấy Cánh cửa thần kỳ bị đốt cháy trong truyện, tôi thấy tiếc lắm, tiếc hùi hụi. Cái thời con trẻ ấy mới ngọt lành làm sao.




 Nhưng, ấu thơ rồi cũng dần xa xôi. Thời gian thì trôi đi chẳng biết chờ đợi. Cùng với nó, vạn vật biến chuyển. Cuốn truyện "Pho tượng thần khổng lồ" giấy in đen thui ngày nào giờ cũng được tái bản, mang một cái tên mới, khoác một lớp áo mới. Những đứa bé ngày nào dần lớn lên, và tôi cũng vậy. Chỉ còn lại đó ước muốn về một cánh cửa thần bé con vẫn đang bình yên trong ký ức thơ ấu. Với tôi, "cánh cửa" ấy vẫn là một điều kì diệu mình hằng mong được sở hữu. Nhưng khi đã lớn hơn được một chút, tôi chợt nhận ra rằng, "Cánh cửa thần kỳ" chỉ có thể nối những đích đến chứ không thể giữ lại cho ta hành trình ta phải trải qua, trong khi những hành trình mới là điều hình thành nên đường đời. Thế giới này quả thực rộng lớn, nhưng cũng không phải quá bao la như ta tưởng. Bởi cuộc đời là những chuyến đi. Có sức mạnh, niềm tin và dũng khí, bạn sẽ đi hết hành trình và đến đích. Mọi việc chỉ ở nơi bạn mà thôi.

  "Cửa thần" là vật kết nối những không gian vật lý. Nhưng thế giới này đâu chỉ có vậy. Còn đó "cánh cửa" nối giữa những con người, những "không gian" tâm tưởng thẳm sâu vô ngần, và chìa khóa cho "cánh cửa" đó, không gì khác ngoài trí tuệ và trái tim. Đó mới là "cánh cửa" thần kỳ nhất, đáng quý nhất. Khi những cánh cửa ấy dần hé mở, phép màu sẽ xuất hiện. Dòng cát thời gian vẫn cứ rơi, trẻ con sinh ra mỗi thời mỗi khác, song có những thứ vẫn không thay đổi, như gia đình, như bè bạn... Và biết đâu đấy, cùng với lúc thật nhiều Cánh cửa nhỏ được mở rộng, những Thế giới nhỏ được kết nối thì chú mèo máy màu xanh sẽ ra đời - bằng xương bằng thịt, sẽ bầu bạn với biết bao con trẻ, nuôi dưỡng những mầm non trên xứ sở hoa anh đào, trên rẻo đất chữ S và vô vàn xứ sở khác như chú đã làm suốt bao năm nay qua những trang truyện. Để rồi lại có đó bao hành trình kỳ thú bất tận. Như của Nôbita hậu đậu, của Xuka xinh xắn, của Xêkô mỏ nhọn, của Chaien rốn lồi...
   Nhưng trước hết, hãy tìm chìa khóa và mở cánh cửa của bạn đi đã. Quanh đây, những cánh cửa khác đang dần hé rồi đấy.

           
  
                                                                        Hà Nội, một đêm thu trắng
 

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Một chút quay quay

 Bà ngoại rất là hào hứng với bản báo cáo kết quả hội nghị TW 6. Đương nhiên là cả nhà cùng xem theo rồi
Hậu quả hiện giờ: máu không lên nổi não, đầu quay quay
Đảng ta quả là MỘT đảng mạnh mà (ảnh hưởng trực tiếp tới tâm sinh lý người dân)


 Và trong những phút quay quay này, xin lần đầu được trích dẫn một tí ti về những cái gọi là "quả ngọt" của những chú heo 2 chân

     

  Trích từ bài viết "Tam giác vàng ngôn ngữ Italia ở Đông Nam Á" của nữ tác giả Dacia Maraini. Bản dịch tiếng Việt của Trần Thanh Quyết


Chặng thứ ba là Việt Nam. Cả Hà Nội cũng chưa có được một Viện văn hóa của chúng ta. Buổi họp báo được tổ chức tại tư dinh của Đại sứ, một biệt thự nhỏ lịch lãm mang phong cách thời Pháp thuộc, bao quanh là một khu vườn rậm rạp, nằm giữa trung tâm của một thành phố được tô điểm bởi hai khu hồ tuyệt đẹp. Cả ở đây tôi cũng vô cùng ngạc nhiên trước sự phổ biến và mối quan tâm tới ngôn ngữ của chúng ta. Tôi tự hỏi không biết có phải chỉ chúng ta mới là người đánh giá thấp và đối xử tệ bạc với nó hay không khi mà chúng ta để cho những từ tiếng Anh tràn ngập trong đó làm cho nó mất đi vẻ đẹp và khả năng thích ứng một cách thông minh, độc đáo với những vấn đề mới của công nghệ. Người đã xuất bản cuốn sách của tôi như vừa bước ra từ một câu chuyện cổ tích Nhật Bản: câu chuyện về một cặp vợ chồng già khát khao có một đứa con mà không được. Một hôm, khi bổ một trái đào, họ phát hiện ra một chú bé vô cùng xinh đẹp với nụ cười ngây thơ và bí ẩn đang nấp trong đó. Các nhà báo ở đây đều rất trẻ: tất cả đều chỉ khoảng trên dưới 20 tuổi. Họ ghi chép cẩn thận từng lời và đặt những câu hỏi rất thông thái nhưng cũng rất đơn giản và đầy tin tưởng. Trong chuyến đi này tôi đã được đọc một bài viết rất hay của Mary McCarthy về Việt Nam. Đây cũng là một lời buộc tội gay gắt đối với nước Mỹ của cô, bắt nguồn từ một sự phản đối chế độ cộng sản khiến cho nước Mỹ không còn nhìn thấy được sự thật của những điều đơn giản nhất. Rất nhiều phản hồi của cô còn rất mang tính thời sự. Tôi cũng đọc cả nhật trình của Goffredo Parise. Đôi ba điều về Việt Nam, được viết với phong cách giận dữ và đầy tính nhạc. Hà Nội là một thành phố rất lạ, thực sự khác biệt so với những thành phố khác của châu Á. Hầu như không thấy nhà chọc trời. Các ngôi nhà ở đây chỉ lên đến 4 tầng, hẹp ngang và dài khiến ta liên tưởng tới những tấm rèm sân khấu. Người ta nói với tôi rằng lý do của sự vươn lên cao này là ở việc phải trả phí cho mặt tiền rộng nên người ta phải cố vươn lên cao. Tất nhiên là tính sân khấu cổ tích này không ngừng khiến ta ngạc nhiên và tạo ra cho Hà Nội một nét riêng. Giao thông ở đây rất lộn xộn, ai cũng bấm còi liên hồi một cách đầy căng thẳng. Đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng. Đất nước này tự định nghĩa mình là “xã hội chủ nghĩa” và có lẽ là từ chủ nghĩa cộng sản họ đã duy trì được một thói quen làm việc tập thể, thói quen với các nguyên tắc. Có thể thấy ngay đây là một thành phố rất chăm chỉ, họ thức dậy từ lúc bình minh và tiếp tục làm việc cho tới tối muộn. Giữa lòng thành phố vẫn còn rất nhiều những ngôi đền chùa Phật giáo được nhiều người lui tới. Chúng nằm lọt giữa những khu nhà cửa như là một nơi trú ẩn yên tĩnh. Ở đó có những nhà sư sinh sống. Các nhà văn than phiền về hoạt động kiểm duyệt. Tất cả đều phải đi qua những đôi mắt rất kiên định với “nhận thức của Đảng”, một nhận thức mà đáng tiếc là đôi khi quá quan liêu. Tôi tự hỏi không biết có phải chính chủ nghĩa xã hội đã ngăn cản Việt Nam không biến thành một thành phố của nhà chọc trời và các hệ thống ngân hàng, hay đó chỉ là sự chậm trễ của các tổ chức kinh tế. Hy vọng rằng tất cả những cuộc chiến tranh mà họ đã trải qua trong thế kỷ XX sẽ cho họ lòng quả cảm để tiến lên nền dân chủ mà vẫn không đánh mất đi dư vị của một quá khứ hào hùng và sâu sắc. Tình yêu đối với sự thông thái và tư tưởng thống nhất của Hồ Chí Minh khiến người ta hy vọng rất nhiều.
                                                                                           Dacia Maraini


  Trên TV, vẫn đều đều "kiểm điểm và tự kiểm điểm"
  Màn hình sáng trắng lòa nhòa
  Mắt đọc, và lồng ngực nhoi nhói


 
  "Cục ta cục tác... Ò ò í ọ....  Ụt ụt ẹc ẹc... Ột ột ột.. Ộp páaaaaaaaaaaaa..."